Hai nửa con người

Truyện ngắn của Phạm ngọc Hùng

images

Về đến nhà đã hơn 11 giờ đêm. Lúc mở cửa căn hộ bước vào, trong phòng tối om. Tùng Chi cảm giác được qua lớp đế giày một vật gì dưới chân. Cô với tay sang phải bật công tắc, ánh sáng oà lên.

Một phong thư! Tùng Chi reo lên khe khẽ. Cô linh cảm chính nó là vị cứu tinh cho mình vào giây phút tâm trí đang bất ổn này: cô vừa qua một cuộc thương lượng không thành công. Chắc người Bưu tá đã lách nó qua cửa cho rơi xuống đất.

Cô bắt đầu suy nghĩ rất nhanh, một ý nghĩ tinh nghịch loé lên trong giây phút đó: mình đang ở nhà một mình, thả lỏng một chút xem sao! Trước tiên là nhặt thư: Ôi thư bố. Tuyệt quá… Lẳng một nhát, cái túi rơi vào đúng một góc Xa lông.

Bảy mét đến cửa buồng tắm thì áo khoác đã bay đến bên cạnh túi, còn phong thư thì nằm trên miệng. Từ bồn rửa tay đến tủ lạnh đủ khoảng thời gian cho phong thư được bóc ra và khi cắn miếng bánh mì đầu tiên thì Tùng Chi đã đọc được mấy dòng thư:

“Con yêu thương của bố! Bố mẹ đi vắng cả chắc con sống thất thường lắm, đúng không? Hôm bố về đơn vị, con đang ngủ, cong như một con tôm nhỏ. Trông thật tội nghiệp…”

Ôi, bố-Tùng Chi thầm nghĩ- đã hai mươi ba tuổi rồi mà đọc thư bố lúc nào con cũng phải nghĩ đến một điều gì đó để nước mắt không chảy ra, để còn đọc tiếp.

Mẹ giờ này đang làm gì nhỉ. Một tháng đi Ma-lai-xi-a quả là dài…

“Trưa nay, cậu công vụ đưa cho bố một tờ báo có bài phỏng vấn con. Nó và mấy cậu bạn mê thơ con. Đó là một điều lạ với bố. Vì thơ con- theo bố- không trữ tình như thơ Xuân Diệu khi xưa để thanh niên mới lớn nắn nót chép vào sổ tay…”

Cậu công vụ của bố trông thế nào nhỉ? Chắc chỉ 18 tuổi và mặt thì búng ra sữa…

“Nhưng bố muốn nói đến bài phỏng vấn. ảnh con, và rõ là cô phóng viên có cái tên dài thượt kia muốn nói đến con mà bố không nhận ra. Nói thế nào nhỉ. Bố như bị người ta ấn vào tay một đứa con gái bị đánh tráo!”

Ôi, bố. Thì con cũng đang bị cái cảm giác ấy ám ảnh đây. Chợt như cô sợ khi lá thư không còn là vị cứu tinh nữa… Nhưng không sao, bố đang hiểu mình đây- cô nghĩ.

“Bố đọc tất cả những thơ con đã in trên các báo. Thơ toát ra một cá tính mạnh. Trong các bài phê bình, người ta hình như mê và chê cái chất thông minh hơi thất thường kia và cho rằng đó là con.

Nhưng bố biết, đó không phải là con. Con yếu mềm và dễ tổn thương. Nhưng tai hại thay. Người ta vẫn nghĩ rằng “văn chính là người”. Trước khi con làm thơ thì bố cũng nghĩ thế.

Và con bị chính quan niệm đó của các nhà phê bình- và ngay cả của tác giả bài phỏng vấn này- nhào nặn lại thành một con người khác, không phải là Tùng Chi của bố…”

Bố ơi, thì ra trong nhà, con và mẹ hay bắt nạt bố…
Tùng Chi bắt đầu bất lực, cô thấy nghèn nghẹn ở cổ.
Mẹ bảo: Hai mẹ con mình giống tính nhau. Ai cũng mạnh mẽ, còn ông Tướng– là mẹ nói bố- lại thuỳ mị, nết na…
Ngay cả chính con cũng hiểu nhầm con, bố ạ. Con cũng nghĩ như mẹ. Chỉ có bố là không bị “số đông chi phối”.
Hôm mẹ ra đi, ở sân bay, hai người có “cá tính mạnh” thì khóc sướt mướt. Còn “ông Tướng thuỳ mị nết na” của mẹ lại tỉnh táo dặn dò mẹ từng tý một. Khi trên đường trở về Hà Nội, sau khi bố trổ tài cho con nguôi ngoai, thì đến lượt bố ngồi nhớ mẹ.

Tranh thủ lúc đó con ngắm trộm bố và thầm nghĩ, sau này không biết mình có lấy được một người chồng tuyệt vời như bố đối với mẹ không?
Bất giác, Tùng Chi ngồi vào máy tính từ lúc nào và trên màn hình đang hiện ra những dòng thư của mẹ.

“Tùng Chi con. Biết con hay về muộn, mẹ cũng bận chút việc nên mười giờ đêm, mẹ mới ngồi nói chuyện với con. Thế nào, nhà thơ của mẹ đã “mềm ra” được chút nào chưa, hay vẫn “gai góc” như cũ? Được nhiều người đọc khen thì người chê cũng lắm.

Lắm lúc đọc những bài phê bình ấy, mẹ thấy lo cho con. Có ai lại thích chê đây, không biết rồi con có vượt qua được không? Mẹ cũng không biết khuyên con như thế nào. Mẹ không biết làm thơ. Nhưng mẹ nghĩ, muốn thơ hay, chắc không thể viết theo ý người khác được, đúng không?”

Ôi mẹ. Ở nhà có bao giờ mẹ để ý đến “thơ thẩn” của con đâu. Mà sao mẹ nhận xét hệt như các giáo sư khoa ngữ văn nơi con đã học thế…
Lá thư bố lật một vòng che lên “con chuột”:

“Và khi đọc bài báo, bố chợt nhận ra, nếu “thơ là người” thì con đã bị phân thân thành hai nửa: một chút bạo liệt nhập thần trong tâm hồn thơ của con, điều mà hầu hết người ngoài khẳng định đó là chính con và họ khen chê nửa ấy.

Nửa còn lại, là con gái Tùng Chi của bố, luôn như bị ngay cả vô thức của con làm cho khuất lấp đi, nhưng bao giờ bố cũng nhận ra: nhỏ nhoi và yếu đuối…”

Bắt đền bố, con lại rưng rưng rồi đấy. Mẹ thì phát hiện ra nửa “con người thơ bề ngoài” của con, còn bố thì nói như đọc tên “nửa còn lại thẳm sâu và ẩn dấu” trong con…

Nhưng mà, ngay cả nửa ấy con cũng chỉ phát hiện ra khi nghe bố nói. “Vô thức” chăng, đó là chữ của bố dùng. Vâng… tức là bố lại đúng, chà!

Chợt màn hình đen lại rồi mấy cái biểu tượng bay lượn như những con bướm. Tùng Chi bất giác gõ phím Enter:
“Những khi bố về, con nhớ chăm sóc bố thay mẹ nhé. Trong nhà mình, bố là người thiệt thòi nhất đấy. Không có ai bầu bạn, chỉ luôn nghĩ cho mẹ con mình…”

Ôi, mẹ lại cũng làm con rưng rưng… Nhưng con với bố thân nhau đấy chứ. Chỉ cần nhìn thấy bố nheo mắt hóm hỉnh cười là con biết bố biết tỏng con nghĩ gì rồi. Con làm tàng với thơ chứ chịu, không làm sao cứng rắn trước bố được.
Thì ra, ai không hiểu mình thì mình bắt nạt. Người đọc thơ mình (cả mấy ông phê bình) không hiểu được mình? Bạn bè bảo: Sao cậu không ghê? Vì mình vô can, họ đang nói ai đó. Không phải mình(!)…

“Con nhớ dành thời gian mà dọn dẹp nhà cửa. Ở nhà mẹ còn nhìn thấy mà dọn hộ. Không có mẹ, một tuần bố mới về lại mệt vì dọn dẹp cho con…”

Tùng Chi chợt bật cười nhìn lại cái túi và áo khoác nằm co ro ở một góc Xa lông. Cô bất giác đứng dậy treo áo vào tủ, mắc túi lên giá. Đưa mắt nhìn lướt căn phòng, cô hài lòng: không đến nỗi tệ lắm…

Chợt chuông điện thoại reo vang. Cô ngước nhìn đồng hồ trên tường: 12h 23 phút. Tiếng đầu giây bên kia: “Chào nhà thơ. Cứ sợ em đã đi ngủ rồi…”

“Là nhạc sĩ ăn khách Lâm Nhuận Phát, cái tên nghe như minh tinh Tầu”- Tùng Chi nghĩ. Cô hiểu ngay ra sự thay đổi ngoạn mục của tình thế: “Chào anh. Em đang chuẩn bị…”

Cô chờ một câu trả lời và đã nghe được nó: “Đồng ý tiếp tục cộng tác như yêu cầu của em. O.K!” Cô cố kìm để không reo lên, và câu trả lời nghe như gió thoảng: “O.K!”…

Cơn buồn ngủ bất chợt kéo đến. Vẫn còn kịp nghĩ: Nếu mai bố về chắc lại thấy mình cong như một con tôm đã luộc giở… Tùng Chi thậm chí không biết mình đã rơi xuống đúng tấm đệm in hình những con chuột Micki chưa.
Điện vẫn sáng và những con bướm trên màn hình đen thẫm vẫn bay bay…

2004- P-N-H.