Đọc sách (Murakami)

(Một bài viết từ năm 20I5 trên Facebook)

Hiệu sách Bờ Hồ. Mấy lần vào mà không tìm được quyển nào hay ho, hôm qua tình cờ ghé, lại mua được một quyển. Biết tìm vu vơ cũng khó, thử hỏi cô chủ hiệu sách: Có cuốn nào mới của Murakami không? Một anh chàng phụ việc trong hiệu sách nhanh nhảu: Có đấy ạ. Rồi nhanh nhẹn chạy đi lấy…

Cái tên sách: “TAZAKI TSUKURU – Không màu và những năm tháng hành hương”, như thường lệ là điều “kém cỏi” (?) nhất của nhà văn lừng danh Haruki Murakami. Nó chả hề thu hút người đọc một tẹo nào, kiểu như “Rừng Na-Uy”, “Phía Đông biên giới, phía Tây mặt trời”, “Nhảy, nhảy, nhảy”, “Biên niên ký chim vặn giây cót”… Nhưng bù lại – mà điều này mới quan trọng- sách được “đóng dấu” bởi một thương hiệu lừng danh: HARUKI MURAKAMI.

Vẫn là một cuốn sách hay, có thể đọc một mạch đến hết những trang cuối, mang đậm “phong vị Murakami”: sâu sắc, cuốn hút và đầy trí tuệ. Chợt nhận ra một điều: nếu bình thường, các nhà viết Tiểu thuyết thường lập bố cục, tìm nguyên mẫu để xây dựng nhân vật, rồi triển khai theo một chủ đề nào đó… thì Murakami lại khác.

Ông thường triển khai các tư tưởng, triết lý nhân sinh sâu sắc và mới mẻ của mình thông qua các nhân vật dưới dạng một câu chuyện sinh động, hấp dẫn… Ông cũng gán cho các nhân vật những trải nghiệm của mình mà một trong số đó luôn luôn là những phân tích say sưa và am hiểu về nhạc jazz, nhạc cổ điển…Một cuốn sách hay về tình bạn với những phát kiến mê hoặc về tâm linh, dù không “đậm đặc” như trong ba tập cuốn “1Q84” trước đó của ông.

Nói thêm là trình độ người dịch thật đáng nể, sạch sẽ hiện đại và trôi chảy, dù cái tên Uyên Thiểm là khá mới mẻ. Vài đoạn dịch thú vị: Sau 16 năm, cất công bay từ Nhật sang Phần Lan để gặp lại Đen, một cô bạn thời Trung học, nhân vật chính đã chợt nghĩ: “Trong cuộc đời, có những thứ chỉ có thể nói lên bằng hình dáng của người phụ nữ”.

Hay khi thấy vợ (nhân vật Đen) quá xúc động đột ngột khi gặp bạn cũ, anh chồng người Phần Lan gợi ý lấy cà phê hộ: “Vâng. Đen nói mà không nhìn sang anh ta. Rồi đặt người xuống chiếc ghế cạnh bàn”. …”đặt người xuống chiếc ghế cạnh bàn” là một câu dịch đắt và “hiểu chuyện”, phản ánh chính xác trạng thái tinh thần lúc đó của người vợ, thay vì “ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn”.

LỠ HẸN..

bien

Lỡ hẹn rồi, ta chẳng về với biển
Nắng trên đầu, sóng cuộn tít ngoài xa…
Cứ ngỡ đấy mà sao vời xa thế
Như tình nhân lỡ hẹn. Phải chăng là…?

Năm tháng cũ ngập tràn mùi biển mặn
Những lối mòn in dấu những bàn chân…
Cứ ngỡ đấy mà sao vời xa thế
Để lòng ta chợt xao xuyến, bâng khuâng…

Có ai hiểu tình yêu như biển cả
Hàng triệu năm suy nghĩ đến bạc đầu?
Nếu ai hiểu biển chung tình đến vậy
Cứ đợi ta hoài. Sẽ chẳng lỡ hẹn đâu…

Hè 2015.

Giao lưu trên Facebook Ở đây