Putin

Tự nhiên muốn nhắc đến Vladimir Vladimirovich Putin khi Mỹ và Nato đang sôi sùng sục về Nga và Ucraina. Mình tin quan điểm cho rằng Mỹ và Nato có ý đồ gán (tội) Nga muốn đánh Ucraina, thậm chí tìm mọi cách kích động cho chuyện đó xảy ra để dồn Nga vào cái bẫy nào đó? (“Người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine cáo buộc một số nước phương Tây và các hãng thông tấn đã phóng đại quá mức về mối nguy hiểm vì mục đích địa chính trị”).

Tuy nhiên, mình cũng tin Putin biết chắc điều đó, nếu không nói là “đi guốc vào bụng” đối phương và đang mượn “gió” của địch để đánh địch. Hệt như trong võ Judo mà ông là một “Nhất đẳng huyền đai”? Theo đó, Putin cũng đang làm ra vẻ sẽ đánh Ucraina thật (dụng chiêu hư hư-thực thực), để cuối cùng chính đối phương sẽ hoang mang bối rối vì chẳng biết đâu là hư, đâu là thực. Trong khi Putin sẽ tung đòn mà đối phương không hề có một chút ngờ tới. Như cái cách năm 2008 ông giải quyết Gruzia; năm 2014 ông giải quyết Crimea?

Hãy chờ xem. Sẽ không có một chiến tranh Thế giới nào bùng phát cả. Nhưng mình tin chắc rằng: kẻ thù của Putin và do đó là của Nga sẽ thấy hối tiếc khi đã lỡ chọc vào ông. Và tiếng vang của sự kiện này chắc chắn sẽ còn lớn hơn cả cuộc chiến Gruzia và Crimea cộng lại?

28/1/2022

Putin năm 2014
Putin năm 2021

Đọc sách (3)

(Nhân đọc “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong”)

Tôi đã đặt cuốn “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong cùng lúc với “Linh ứng”, “Ghi chép”. Hai cuốn kia đã đọc và thấy hài lòng. Một phần vì đã từng biết về hai tác giả: Nguyễn Mạnh Tuấn và Trịnh Lữ nên tự tin khi đặt mua. Riêng Ocean Vương thì chỉ là tò mò do đọc review với một loạt giải thưởng bên Mỹ (xem ảnh) cho tác giả này.

Tuy nhiên cũng phải cố gắng lắm mới đọc hết phân nửa rồi quyết định dừng lại. Tự nghĩ: Mỹ là nước văn minh nhưng không nhất thiết văn hoá của họ là mẫu mực cho các dân tộc khác. Rất nhiều giải thưởng cho thơ, văn của ai đó không có nghĩa tác phẩm của họ thuyết phục được mình. Như trường hợp với Ocean Vương và cuốn sách vừa đọc.

Sở dĩ cố gắng đọc được gần nửa trong tổng số hơn 300 trang rồi bị bỏ dở, là vì tự thuyết phục mình khám phá ra thứ mà Mỹ khen hay, khi trao cho nó rất nhiều giải thưởng? Có thể tư duy của người Mỹ khác mình nên khi đọc, chỉ thấy như đang mò mẫm trong lớp sương mù ngôn ngữ. Những mẩu ký ức rời rạc và lỏng lẻo. Không thể hay không muốn liên kết với nhau? Nhiều lúc khiến ta tự nghi ngờ mình: có thể là do mình kém tắm, không hiểu được thứ “văn chương cao cấp” này?

Nhiều khi cũng mù mờ hiểu, hay cố tỏ ra hiểu ý đồ của tác giả khi viết ra kiểu văn như vậy? Như trong cuốn này, là những ký ức của một cậu bé không bình thường, con lai của một bà mẹ với lính Mỹ trong một tình huống không bình thường? Vì lẽ đó mà phải sử dụng một thứ văn phong không bình thường để miêu tả những câu chuyện liên quan đến nhân vật? Tuy nhiên, dù đúng là vậy thì việc hoá thân vào nhân vật để cảm nhận mọi sự quả là cái giá khá đắt chăng? Nó khiến cho ta thấy quá mệt mỏi, không hề thoả mãn tiêu chí đọc để trước hết là giải trí và tiếp sau là học hỏi và mở rộng kiến thức. Cần nói thêm là sách này tác giả viết bằng tiếng Anh và được Khánh Nguyên dịch sang tiếng Việt. Nên không loại trừ trách nhiệm của người dịch?

Trước kia, đã từng có một nữ nhà văn Trung Quốc là Pháp kiều, viết văn bằng tiếng Pháp đạt giải rất cao (xem ảnh) từ khi đang là học sinh Trung học. Đó là nữ nhà văn Sơn Táp với cuốn “Thiếu nữ đánh cờ vây” nổi tiếng, là một cuốn sách rất hay, ít ra là theo tiêu chí của mình, ngoài giải thưởng danh giá dành cho nó. Có lẽ một phần vì vậy mà đã hy vọng cái giải thưởng Mỹ cho Ocean Vương cũng cho một cuốn sách khiến mình thấy hay như vậy. Nhưng rồi, thực tế là đã đành bỏ dở, một phần vì trong tay vẫn còn những cuốn (xem ảnh) hứa hẹn rất hay đang chờ đợi kia rồi… 😜

26/1/2022

Đọc sách (2)

2- Đọc “Ghi chép” của Trịnh Lữ.

Đọc xong cuốn sách này, mất vài ba hôm, rồi đọc sang sách khác, nếu để ý, ta sẽ thấy cái cảm giác như vừa ăn loại hoa quả này, rồi chuyển sang ăn loại khác. Đây là một so sánh thú vị mà tôi cứ tự đắc một mình khi vừa đọc xong “Linh ứng” chuyển sang đọc “Ghi chép”.

Đó là một kiểu so sánh đáng… đồng tiền bát gạo, tôi nghĩ vậy. Cũng như các loại quả khác nhau, từ loại quả đến mùi vị khác hẳn nhau. Các cuốn sách cũng vậy. Tác giả khác nhau, văn phong khác nhau, câu chuyện khác nhau, dài ngắn, thể loại khác nhau…

Thú vị hơn nếu nghĩ: khi ăn các loại quả, ăn loại nào trước loại nào sau cũng khiến ta phải cân nhắc. Ví dụ, ăn quả có vị ngọt ít phải ăn trước quả có vị ngọt đậm. Nếu ngược lại sẽ thấy thế nào, chắc ai cũng biết rồi, tôi khỏi nói nữa nhỉ. Như ăn quả chuối rồi, ăn miếng táo, có thấy táo ngọt nữa không? Phải để ý, nên ăn táo trước nhé. Đại loại thế.

Quay lại chuyện đọc sách. Tôi vừa đọc “Linh ứng” của Nguyễn Mạnh Tuấn xong và đã kịp viết về nó mấy hôm trước. Lại đọc “Ghi chép” của Trịnh Lữ, vừa cầm cuốn sách hơn 727 trang “Linh ứng”, nay cầm cuốn “Ghi chép” chỉ 259 trang, tôi liền thầm có cái so sánh trên. “Linh ứng” là một cuốn sách rất hay, rất dầy, đọc rất hấp dẫn. Thi thoảng liếc mắt, thấy yên tâm vì còn lâu mới hết. Nay đọc “Ghi chép”, một cuốn sách mỏng, lại là những ghi chép rời rạc, không liền mạch, thấy cảm giác khác, tất nhiên rồi. Nghĩ thầm: không biết có phụ công đặt mua không?

Cần nói rằng, tôi thường cân nhắc rất kỹ trước khi đặt mua. Ngoài đọc các bài Review, còn soi kỹ tác giả sách. Phải chất, mới tin là đáng mua đọc. “Linh ứng” của Nguyễn Mạnh Tuấn, ok rồi. Đọc xong đã kịp viết một bài cảm xúc và xui nhiều người đọc. Dù biết sách dầy thế, chắc chả ai nghe xui… dại? Vẫn viết vì là viết cho mình, và trước tiên là cho mình.

Vào đọc “Ghi chép”, chuyện đầu tiên là “Đạp xe đón Tết”. Đây rõ ràng chỉ như ta khởi động nên chắc ta dễ bị… hơi thất vọng. Đơn giản vì cũng như vừa ăn chuối, ngọt thế cơ mà. Cắn vào miếng Táo, hỏi sao không thấy nhạt? Tôi tự nhủ thầm vậy rồi đọc sang bài tiếp theo. Quả nhiên, táo là táo, nó không ngọt như chuối nhưng lại có vị rất tuyệt, thơm, thanh và đôi chút chua…

Càng đọc, tôi càng thấy mình đã đúng khi chọn Trịnh Lữ. Anh ta là một tài năng dù chỉ thể hiện mình qua những ghi chép ngắn ngủi có vẻ vu vơ (?). Thông minh, sâu sắc và tinh tế là những gì ta cảm nhận được qua các ghi chép của anh. Hoá ra, khi viết, dù chỉ đôi dòng, hay về bất cứ điều gì thì tài năng với thường thường là rất khác biệt. Không biết vô tình hay cố ý (tôi cho là anh cố ý vì đọc thì biết anh là một kẻ quá thông minh) mà các ghi chép về sau của anh càng đậm chất bác học. Dù có lẽ anh không cố tình tỏ ra?

Ai bảo đọc sách là giải trí, thậm chí không đáng mất thì giờ đọc sách? Không phải đâu. Đọc những sách như tôi vừa đọc, là một cách để tăng giá trị cái bộ óc của mình lên đấy. Dù có vẻ như người đọc nhiều và người đọc ít, thậm chí là không bao giờ đọc trông chả khác gì nhau, nhỉ? Không phải đâu , khác đấy. Nếu đọc bạn sẽ thấy mình khám phá ra rất nhiều điều thú vị về con người, sự việc và xã hội chung quanh. Thêm nữa, mà điều này chắc nhiều người già như mình thích: đầu óc ta sẽ minh mẫn hơn, thanh thản hơn và thấy mỗi ngày trôi qua rất nhanh, rất nhẹ nhàng.

Đặc biệt, lại đọc sách khi vặn nhạc nho nhỏ, đủ cho không gian êm ái và du dương. Còn khi không đọc thì tăng volum lên cho nhạc tung phòng lên nhé. Rất sướng đấy, vì rõ ràng ta đang làm chủ không gian quanh mình mà!!!

22/1/2021
(Vô tình mà đúng ngày sinh nhật Chitbon)

Đọc sách (1)

(Nhân vừa đọc xong cuốn “Linh ứng”. Xin giới thiệu cho những ai không… sợ chữ. 😜)

Từng đọc sách của Nguyễn Mạnh Tuấn từ những năm 198x, với những “Đứng trước biển”, “Những khoảng cách còn lại”, “Cù lao tràm”… một thời xôn xao dư luận người đọc trong nước. Gần đây, tình cờ thấy giới thiệu sách mới “Linh ứng” của anh, tôi liền vô app Tiki mua luôn. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, anh chàng Shiper đã gọi xuống nhận sách, cuốn sách 727 trang với bìa sách trình bày khá đẹp. Sách vừa xuất bản, nộp lưu chiểu quý IV năm 2021.

Vừa đọc xong cuốn “Phố Hoài” của nhà văn Trần Thị Trường, cũng chỉ biết một cách tình cờ. Lên mạng tìm mấy bài hát của Ngọc Tân, vì muốn nghe lại giọng ca này. Theo dẫn dắt ra cái tên Trần Thị Trường, từng làm bầu sô rất thành công cho Ngọc Tân. Phát hiện ra Trần Thị Trường là một phụ nữ rất đa tài: là nhà văn; kiêm phiên dịch vài ba thứ tiếng, từng làm việc ở một số nước có người Việt sang xuất khẩu lao động; là họa sĩ vẽ tĩnh vật và chân dung nghệ sĩ ăn khách… Quả nhiên là một cuốn sách rất đáng đọc.

Nay chọn “Linh ứng” cũng tình cờ trên mạng, nhưng được cái tên Nguyễn Mạnh Tuấn “bảo lãnh”, nên vững tin là một cuốn sách hay. Thực tế, đây không chỉ là hay, mà rất thú vị. Nó khiến ta có thể đọc liền một mạch và luôn gây ấn tượng mạnh về nhiều mặt: về câu chuyện, về cấu trúc, về những bất ngờ trong các diễn biến, về các vấn đề mang tính xã hội ở các giai đoạn lịch sử… Hơn 7 trăm trang sách chỉ đọc xong trong hai ngày với nhiều lần thầm phục tác giả. Để biết Nguyễn Mạnh Tuấn, hiện đã ngoài 70 tuổi, vẫn là một cây viết sung sức và ngày càng củng cố được tài năng của mình vốn được khẳng định từ 3-4 chục năm trước.

Về câu chuyện: cuốn sách chắc chắn làm thoả mãn những ai thích những bất ngờ phong phú về nội dung những sự kiện, tình tiết… được tác giả bầy ra khi lật giở từng trang, thậm chí từng dòng. Mọi sự kiện, tình tiết ấy dù sự thực hay được dựng lên đều hợp lý đến hoàn hảo, khiến ta không mảy may nghi ngờ gì. Chính vì vậy mà câu chuyện trở nên hết sức hấp dẫn. Chưa kể, câu chuyện lại thuộc một phạm trù rất dễ thu hút người đọc: tâm linh và đầy rẫy những bất ngờ.

Về cấu trúc cuốn sách, không thể chê tác giả ở một điểm nào, thực tế chỉ có thể luôn luôn thầm phục trong khi đọc. Có thể nói tác giả không chỉ là một tiểu thuyết gia lão luyện trong việc thiết kế cấu trúc câu chuyện, mà còn là một nhà làm phim tài năng: diễn biến câu chuyện có trình tự, lớp lang, phục hiện… ngồn ngỗn các sự kiện.
Điều này chẳng hề ngạc nhiên vì Nguyễn Mạnh Tuấn không chỉ là một tiểu thuyết gia có hạng, ông còn là một kịch tác gia phim điện ảnh và truyền hình nổi danh một thời.

Về các vấn đề mang tính xã hội: tiểu thuyết dẫn dắt một cách vững chắc các diễn biến xã hội những năm đầu giành độc lập với vô vàn những phức tạp và trớ trêu liên quan đến số phận các nhân vật. Đó là những sai lầm hay thậm chí là ấu trĩ trong các hoạt động chính trị sau khi giải phóng. Việc cai trị đất nước ở giai đoạn chập chững này lại được rập khuôn theo những lạc hậu và sai lầm của Trung Quốc nên hậu quả xã hội hết sức tại hại. Hậu quả là không chỉ giáng đòn khủng khiếp vào một bộ phận tinh hoa của xã hội mà còn kìm hãm, thậm chí tàn phá đất nước.

Một điều đặc biệt là tuy đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm mang tính chính trị như vậy, tác giả luôn làm chủ được ngòi bút của mình. Hệt như người giữ thăng bằng trên dây, không để ngã nhào xuống đất. Điều này đã được tác giả thể hiện rất tài năng qua nhiều tiểu thuyết nặng ký từ ba bốn chục năm trước như đã kể trên, cũng về những vấn đề chính trị xã hội nhạy cảm như vậy.

Cuối cùng, cái lợi mà người đọc thu được sau khi đọc “Linh ứng” nói riêng, các cuốn tiểu thuyết khác tương tự nói chung, là học được rất nhiều, về mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Về các mối quan hệ qua lại giữa mình với nhiều tầng lớp khác nhau. Hiểu được các tầng lớp đó đối xử với nhau ra sao trong những giai đoạn xã hội cực kỳ phức tạp. Đó cũng là một cách để thu lại cho mình những vốn sống xã hội một cách tích cực, khi vẫn vì Covid mà tự nhốt mình trong bốn bức tường, dù thực ra là mình vẫn đang già đi theo năm tháng… 😜

Cũng chính vì vậy mà khi đọc đến những dòng cuối cùng tôi đã kịp nhặt vào giỏ 🛒 Fahasa thêm ba cuốn sách của Nguyễn Mạnh Tuấn, cho dù trong đó có một cuốn đã đọc từ gần bốn chục năm trước…

18/1/2022

Tập kịch bản “Chuyện của chúng mình”

Đây là những vở kịch trên chuyên mục “Chuyện của chúng mình”, chương trình Thiếu nhi, ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam với thời lượng 15-18 phút, là kịch bản gốc của tác giả. Xin cảm ơn Phòng thiếu nhi và của Ban khoa giáo, đài THVN đã giúp đỡ để các vở kịch này được phát sóng phục vụ các em thiếu nhi trên cả nước.

Xin trân trọng giới thiệu cho những ai hữu duyên, tình cờ đọc đến…

Xin bấm vào đây:

Mua sách.

Sau “Phố Hoài”, một cuốn sách của nhà văn đa tài Trần Thị Trường, mình tiếp tục chọn được 3 cuốn khác: “Linh ứng” của Nguyễn Mạnh Tuấn; “Ghi chép” của Trịnh Lữ và “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vương.

Đây là những cuốn sách mà khi lướt mạng, mình tình cờ chọn được. Ít ra thời đại 4.0 có cái lợi là ngồi một chỗ, vô các app Shopee hoặc Tiki bấm bấm chọn chọn, chỉ sau 2-3 ngày hoặc thậm chí là sau mấy tiếng, đã có sách trong tay với giá rẻ hơn giá bìa. Điều mà trước kia, ta vẫn phải lên tận Đinh Lễ mới tìm mua được.

Tuy nhiên, khi chọn sách, ta cũng phải biết đôi chút về tác giả, ngoài các bài review về sách. Như trong số các cuốn kia, “Phố Hoài” là nhờ đọc Review, phần khác cũng biết đôi chút về tài hoa của tác giả. Nhờ đó mà mua được cuốn sách hay. “Linh ứng” thì hiểu rõ về Nguyễn Mạnh Tuấn, vì ông khá nổi tiếng những năm 198x với Cù Lao Tràm, Đứng trước biển… Và nhiều kịch bản được dựng thành phim nổi tiếng một thời. “Ghi chép” thì từng biết Trịnh Lữ đã dịch “Rừng Nauy” tuyệt hay.

Riêng Ocean Vương thì mới chỉ nghe về tên tuổi tác giả 30 tuổi này qua báo chí. Và cuốn “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” có đặc điểm khá lý thú là được dịch từ một bản tiếng Anh rất nổi tiếng ở Mỹ: “On Earth We’re Briefly Gorgeous”. Một người Việt, viết sách bằng tiếng Anh (tiểu thuyết lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times và được vào vòng đề cử giải thưởng sách quốc gia Mỹ) rồi mới được Công ty sách Nhã Nam dịch sang… tiếng Việt.

Một điều khá đặc biệt, kiểu như một thứ duyên khởi nào đó mà mấy cuốn sách này (ngoài của tác giả trẻ sinh năm 1988) thì các cuốn còn lại đều của các tác giả sinh cùng thời, viết nhiều về Hà Nội những năm họ trải qua từ thời niên thiếu. Có thể không sinh ra ở Hà Nội nhưng những vấn đề xã hội trong các giai đoạn đặc biệt được đề cập trong sách đã thức tỉnh những nhận thức gần gũi với mình. Thậm chí có thể đồng cảm với các tác giả và các nhân vật trong truyện về các vấn đề ấy. Chính vì vậy mà câu chuyện của họ rất cuốn hút và sống động.

Cuối cùng, việc mua và đọc rất nhanh những cuốn sách dày trong thời đại tưởng như bị lấn át bởi các thiết bị điện tử đã khiến cho tự mình nhiều lúc thấy ngạc nhiên: hóa ra mình vẫn “dẻo dai”, theo một nghĩa nào đó về mặt tinh thần. Và thấy mừng, vì ý nghĩ: có lẽ ta vẫn chưa bị lão hóa (về thể chất và tinh thần) theo thời gian, cùng với tuổi tác của mình?

15/1/2022.

Năm mới

Cuối năm bị giam lỏng
Ba bảy hai mốt ngày
Đầu năm đi chơi phố
Hồ Gươm sương giăng bay…

Một năm vừa khép lại
Với bao nỗi truân chuyên
Bao gia đình khốn khó
Sẽ chẳng bao giờ quên?

Thời gian không dừng lại
Năm mới đã đến rồi
Mang bao niềm vui tới
Chuyện buồn qua mau thôi…

1/1/2022