Mẹ vợ tôi.

DSCF0233

Tôi năm nay 65 tuổi, mẹ vợ tôi 87, hơn tôi gần 2 con giáp. Chừng cách đây mấy hôm, bà còn khỏe, vẫn thường đạp xe đi chơi loanh quanh trong xóm, miệng nhai trầu đỏ tươi, dáng vẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Tôi từng nghĩ, sau này bằng tuổi bà, còn lâu tôi mới được như vậy. Vậy mà vừa nghe tin hôm kia, do huyết áp tăng vọt lên 180, bị đột quỵ, bà đã suy sụp đi nhiều lắm…

Vợ tôi vốn nhậy cảm, buổi tối nghe tin khóc sùi sụt, định thu xếp lên ngay. Tôi cũng hoang mang nhưng trấn an vợ: thôi, cứ hỏi cặn kẽ xem sao đã, có gì sáng mai lên cũng được mà. Nhà bà toàn dân ngành y, đăng đàn chữa bệnh cho thiên hạ, mọi người khắc lo cho bà được, sao em đã vội nôn nóng? Nói vậy nhưng nếu không được các chị em gọi về khuyên nhủ, chắc tôi cũng không cản được vợ tôi lên ngay tối đó…

Sáng hôm sau, tôi tháp tùng vợ lên. Thấy bà sắc mặt rất xấu, nằm co ro mà thấy tội nghiệp khi chạnh nghĩ mới lần gặp trước đó, bà còn nhanh nhẹn, luôn tay luôn chân, ít khi chịu ngồi một chỗ. Được cái ấm lòng là ngoài một cậu giai, bà có đến 4 cô con gái (thực ra họ đều đã là bà nôi, ngoại cả rồi), lại có cả một đàn cháu gái. Có việc, là đám chị em phụ nữ già trẻ lớn bé quần tụ xung quanh mỗi người một tay chăm sóc cho bà.

Chợt nghĩ: hóa ra, hạnh phúc của người già nhiều khi không phải gặm nhấm niềm tự hào về mấy thằng con đại gia, ngựa xe như nước, lắm của nhiều tiền, mà chính là ở mấy bà con gái hiểu chuyện, cùng một đàn cháu gái xinh xắn vô tư mà tình cảm, ngoan ngoãn kia. Tôi là con rể, nhưng có khá nhiều kỷ niệm với mẹ vợ từ khi 4 cô con gái nhà mẹ đang xoan, chính thức còn chưa có chàng trai nào “rắp ranh bắn sẻ…”

Là chàng trai đầu tiên nhắm nhe cô gái thứ hai nên mẹ quý tôi lắm. Tôi là bộ đội đi học đại học, thời đó cả nước đói kém nên sinh viên lính cũng chẳng khá khẩm hơn. Thậm chí vì môi trường học hành quá nghiêm khắc nên tôi khá gầy còm, 1m68 mà chỉ nặng chừng bốn mấy ký. Qua người yêu tôi biết, ai có ý chê tôi gầy gò xấu giai, mẹ lại tự tin gạt đi “nhưng nó hiền lành tử tế, học giỏi là được”? Hóa ra, các bà mẹ bằng một thứ linh cảm giời sinh nào đó đã nhận ra “chất” của một con người và hẳn là đã thuộc nằm lòng câu ca xưa “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”?

Có lẽ nhờ đó mà sau này, các con rể và con dâu của bà đều là những người tử tế, hiểu chuyện và có tình.  Ngoài ra, bà vốn là một phụ nữ có nét đẹp nền nã, dân giã và hiền dịu, nên các con gái và sau này đám cháu chắt gái của bà nói riêng, đều được hưởng những nét xinh xắn, ngoan hiền và hiếu thảo. Còn một điều này nữa, không chỉ “nhìn ra chất” con người trong đám dâu rể con cháu, bà còn có khả năng đặc biệt là “giải lời nguyền?” cho các cô gái duyên muộn khác, hoặc thân hoặc sơ mà do chút duyên phận nào đó đã nhờ đến tay bà. Tôi biết chắc hai trường hợp nhờ bà (gọi là) “cắt duyên âm” mà ngay sau đó đã tìm được đối tượng cho mình một cách bất ngờ và mỹ mãn. Họ đều đã có gia đình rất tốt, con cái đề huề, hạnh phúc và hàng năm vẫn cùng phụ huynh qua lại thăm hỏi và tri ân bà.

Lâu lắm tôi không viết lách gì, đêm qua chợt tỉnh giấc, nghĩ đến dáng vẻ ốm đau tội nghiệp của mẹ, tôi thầm hứa sẽ viết đôi điều gì đó, vừa để nhớ lại những kỷ niệm đẹp về mẹ và gia đình thứ hai của tôi, vừa là dịp để cầu chúc cho mẹ sớm vượt qua đận khó khăn này, lại trở nên mạnh khỏe hơn xưa, đặng sớm khuya sum vầy cùng con cháu…

11-3-2018

Bài trên facebook ở đây: :

Thơ tình 8/3

 

Chồng đi chợ mua hoa
Tặng mồng tám tháng ba
Nhưng trình hơi bị kém
Nên vợ… bắt ở nhà

Đành gửi tiền nhờ vợ
(Để lấy “hơi” của chồng)
Hoa mua về vợ cắm
Hỏi chồng “có đẹp không”

Ồ tất nhiên là đẹp
Năm nay sáu mươi rồi
Trông vẫn tươi, vẫn thắm
Như chỉ bốn mươi thôi…

Nhân tiện chúc vợ khoẻ
Luôn tươi tắn như hoa
Dù ngày thường cũng đẹp
Như ngày Tám tháng Ba…

(Chú Chitbon tinh ý lắm, nó bỉu sao ông bà lại gọi nhau là “anh, em”? Hỏi: vậy bố mẹ gọi nhau là gì? Nó trả lời, là “chồng ơi, vợ ơi”. Lại hỏi: thế ông bà ngoại gọi nhau là gì? Nó trả lời, là “ông ơi, bà ơi”. Nếu biết đọc bài này, nó sẽ ngạc nhiên lắm?)

Bài trên Facebook Ở đây: