Ngày ấy…

(Nhân FB nhắc lại bài viết cũ )

Ngày ấy xa rồi em nhỉ
Thuở em đôi tám má hồng
Anh hãy còn xoan mơ mộng…
Cái thời em hãy còn không (1)

Trời xe duyên mình hai đứa
Một ngày nên vợ nên chồng
Hơn bốn mươi năm rồi nhỉ
Bên nhau hương lửa vẫn nồng…

24/2/2023

(1): Trong câu Ca dao: .. “Sao anh không hỏi những ngày còn không/Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá cắn câu…”

Tản mạn về Thơ

Xin nói trước là tôi không định nói gì về Thơ, mà chỉ test xem mình còn viết ra cái gì nữa không. Lâu quá rồi, từ năm 2014 khi không đi dạy nữa thì tôi ít viết dần rồi hầu như ngưng hẳn. Nói viết, là khi viết ra bài ra vở hẳn hoi, đòi hỏi đầu tư “chất xám” và cảm xúc dài hơi. Chứ gọi là viết năm câu ba điều kiểu Status ngăn ngắn trên Phây, thì tôi thi thoảng cũng mổ cò trên điện thoại rồi thản nhiên cho ra lò.

Hôm nay đi bộ ra hồ Giảng Võ, mưa phùn vẫn rơi và đường sá nhớp nháp, nhưng với tôi thì không nhằm nhò gì. Không phải vì tôi ở bẩn nên không thấy bẩn như thiên hạ thấy? Mà tôi coi mục đích là tối thượng, mọi cái không liên quan đến mục đích là chuyện nhỏ, có thể bỏ qua. Như đi bộ là mục đích, mưa phùn đường sá nhớp nháp là chuyện nhỏ, đại loại thế.

Rồi. Nói chuyện đi bộ. Tôi đi bộ mỗi sáng. Chuyện này nói rồi, ai khó tính có thể bĩu môi: cha này nói hoài. Sorry. Chuyện là tôi đi bộ cứ cắm cúi đi, rồi tự động đi đủ vòng hồ, tập đủ các động tác vận động các khớp: hông, cổ, vai gáy, gối… nhưng trong đầu vẫn nghĩ đủ thứ chuyện. Do vậy mà tôi cứ cắm cúi đi, không để ý đến ai xung quanh, càng không thích bắt chuyện với ai như nhiều đám ồn ào ngoài hồ. Có khi cũng là dịp tôi tự bào chữa cho tính (xấu?) không ưa giao tiếp của mình?

Anh cả tôi ngồi giữa cuối bàn.

Như hôm nay, tôi nghĩ về anh cả tôi (tính theo nam, là bác Huyên) hôm về rằm. Không biết nhân mạch chuyện nào đó, anh nhận xét: xưa đọc Thi nhân Việt Nam thấy nhiều nhà thơ hay. Giờ đọc lại thấy nhiều bài rất thường. Tôi thấy anh đúng. Cũng hơi ngạc nhiên vì không phải ai cũng nói ra được điều đó. Phải nghĩ nhiều lần về điều đó rồi nhân mạch chuyện mà thốt ra vậy. Anh tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, đã từng xông pha ngoài đời nhiều năm, lại có năng khiếu văn chương thơ phú nên đã nói vậy hẳn là đã nghiền ngẫm nhiều rồi?

Tôi đồng ý với anh vì từng biết nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiếng từng gặp cảnh tự nhiên mất cảm hứng, thời gian dài không viết được gì ra hồn. Lê Lựu nói đại ý: nhiều ngày đánh vật không được trang nào. Có cố mà viết ra rồi hôm sau lại xé sạch (hồi các ông còn viết tay ra giấy), từng lo lắng có khi bị tạch đời văn bút? Nhà thơ cũng vậy, khi bị mất cảm hứng có cố ra thơ cũng chỉ ra loại thứ phẩm.

Hôm đó nhân tiện. tôi kể mình từng chê bài “Tương tư chiều” của Xuân Diệu, bảo đó là loại thơ kỹ thuật xếp chữ, ghép vần. Có thể ông từng có cảm hứng về đề tài đó nhưng rồi chưa kịp viết xong bài thơ thì cảm hứng tắt ngấm. Tiếc cái tứ thơ mà hì hục ghép nối thành bài? Ví dụ những câu này chỉ đơn thuần là ghép chữ, ghép vần, chả truyền cảm xúc gì cho người đọc: “Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối/ Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành/ Mây theo chim về dãy núi xa xanh/ Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ/ Không gian xám tưởng sắp tuôn thành lệ/ Thôi hết rồi còn chi nữa đâu em/ Thôi hết rồi gió gác với trăng thềm/ Với sương lá rủ lên đầu gần gũi/ Thôi đã hết hớn ghen và giận dỗi/ Được giận hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu/ Anh một mình nghe tât cả buổi chiều/ Vào chầm chậm ở trong buồn hiu quạnh/ Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi/ Anh nhớ anh của ngày tháng xa xôi/ Nhớ đôi môi em cười ở phương trời/ Và đôi mắt em nhìn anh đăm đắm”.

Vậy mà hồi xưa, khi đang học cấp 3, tầm 15-16 tuổi, tôi từng nắn nót chép nguyên xi bài đó vào sổ thơ của mình. Có lẽ ấn tượng nhiều về câu chữ sến súa của bài thơ, cộng tên tuổi lẫy lừng của Xuân Diệu nên giờ vẫn nhớ để đọc vanh vách, chỉ khác là đã thấy nó nhạt và thiếu cảm xúc thực sự từ con tim tác giả để không chạm đến con tim độc giả?.

Nói vậy không phải để chê tài của nhà văn nhà thơ mà kỳ thực là con người chịu ảnh hưởng nhiều từ đời sống, từ xã hội và vô vàn tương tác khác nên cảm xúc không phải lúc nào cũng thăng hoa để luôn viết ra những bài thơ hay. Nói thực là dù tài giỏi, trong chục bài thơ viết ra, có khi chỉ được vài bài gọi là để đời mà chính tác giả cũng cảm thấy hài lòng. Còn lại chỉ thường thường bậc trung, thậm chí là dưới mức trung bình.

Bài thơ hay nhất định là phải cảm xúc thực của mình, trọn vẹn từ đầu tới cuối. Nghĩa là có cảm xúc, phải đủ chín muồi rồi viết một mạch ra, xong xuôi chỉ chỉnh sửa đôi chút để hoàn thiện. Cảm xúc mãnh liệt mà không đủ tới, viết chưa thành bài, phải gia công câu chữ, vần điệu thì coi như hỏng, không thể là bài thơ hay được. Có vài ví dụ về thơ giàu cảm xúc thực, tác động được đến cảm xúc người đọc như Xuân Quỳnh. Chị có nhiều bài thơ có thể gọi là rút ruột con tằm mình để ra tơ? Ai cũng có thể tự tìm cho mình những bài thơ của chị để làm ví dụ cho ý này.

Lại có người chỉ viết đôi bài rồi biến mất lặng lẽ, khiến sau này nhiều người nhắc đến với nhiều cảm phục. Như bài “Hai sắc hoa Tigon” của TTKh. Có thể kể bài “Không đề gửi mùa Đông” của bác sĩ (?) Thảo Phương. Bài hát thì có thể kể “Giấc mơ trưa” hay “Chút nắng vàng bay” của Giáng Son. “Bà Tôi” của Nguyễn Vĩnh Tiến, hay gần đây là Phan Mạnh Quỳnh với “Ngày chưa giông bão”; “Có cháng trai viết lên cây”…

Hóa ra là mình già rồi thật, vì còn định viết nhiều lắm mà đã thấy muốn ngả lưng rồi. Than ôi, phải thành thực mà trả lời “No” khi tự mình hỏi rằng ta có thể chống lại tuổi già đang xồng xộc đến không? Đi bộ để hòng kéo dài độ trẻ thể xác, viết lách để hòng kéo dài độ trẻ tinh thần. Mà xem ra cả hai cách đều không ngăn nổi ta đang già đi. Trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi!!! 😂😫

19/2/2023

Phố làng ngày rằm 2023
Phố làng ngày rằm 2023