KINH NGHIỆM

(Ngồi buồn gõ chơi, rèn luyện tư duy… 😍😍👍)

Có lẽ do bệnh nghề nghiệp (?😂) mà tôi thường hay post những (cái gọi là) kinh nghiệm của mình lên Facebook. Vặt thì giới thiệu một loại thuốc trị đau răng uống vào sau 1 ngày hết đau, hiệu nghiệm 100% cho người… sắp chết vì đau? Hay thuốc chữa đau đầu kinh niên, thuốc hạ sốt cho trẻ em. Phức tạp hơn thì sửa bơm tăng áp, sửa điện, nước, sửa khoá số bị quên mã… Với ý muốn phổ biến những gì mà mình trải nghiệm được, làm được… mà tôi thấy nó có ích cho mình và cho rằng nếu nhiều người biết, có thể giúp ích ít nhiều cho họ.

Đương nhiên, mỗi người… 10 tính, có thể ai đó cho những gì mình viết ra họ chả học được gì, thậm chí có hại vì có thể nó không phù hợp với cá nhân họ? Mặc dù đã cân nhắc tính đại chúng của những gì mình làm được hay đã trải qua, và ngầm đánh giá cao khả năng của ai đó muốn học hỏi, có thể lựa cách để áp dụng cho riêng mình, nhưng cũng không phủ nhận họ đã có lý? Tuy nhiên, thiết nghĩ trong số 10 người quan tâm, có 1-2 người làm được theo mình, đã là tốt quá rồi? Và may mắn là tôi đã chứng kiến nhiều người làm theo cách của tôi đã cho kết quả tốt. Số đó, thậm chỉ hơn cái 1-2% kia nhiều. Và tôi quyết định lại… truyền bá KINH NGHIỆM tiếp. 😂

Trước tiên, về nguyên tắc (mà có vẻ ai cũng biết hoặc nếu chưa để ý thì nói cái cũng… thủng ngay?) sức khoẻ con người cũng như hoạt động của một ngôi nhà. Ở khía cạnh: ngôi nhà hoạt động bình thường nếu như điện nước, che mưa nắng, thấm dột… được quan tâm xử lý để luôn hoạt động trơn tru, hỏng đâu sửa ngay đó. Con người thì ăn ngủ bình thường, không có chỗ nào bất thường hay đau đớn gì. Hễ xuất hiện chỗ đau bất thường thì phải tìm cách xử lý ngay.

Muốn vậy phải biết lắng nghe cơ thể để khắc phục chỗ đau nào đó. Có những cách khá hiệu nghiệm để xử lý chỗ đau ngoài. Ví dụ chiếu đèn hồng ngoại, sử dụng máy massage đeo cổ, sử dụng máy đấm mát xa… Thường có thể xử lý các chỗ đau bất thường trên cơ thể bằng một trong những cách trên. Khi đi bộ mỗi sáng, nếu thấy cơ thể (trong ngoài) không có điểm nào bất thường, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc thì sức khỏe không có vấn đề gì, yên tâm mà tận hưởng cuộc sống.

Đó là tạm nói về sức khoẻ vật chất, quan trọng với con người. Còn sức khoẻ tinh thần: sống vui vẻ, lành mạnh và quan tâm văn hoá (âm nhạc, phim ảnh, sách báo…). Nếu thấy mình thích những thể loại trẻ trung, năng động và thỉnh thoảng thấy muốn hát, muốn (dù là) ê a hay ư ử một ca khúc nào đó trẻ trung, hãy yên tâm là mình có sức khoẻ tinh thần tốt, kèm theo đó đương nhiên là sức khoẻ thể chất tốt. Đơn giản là người ốm yếu không thể yêu đời như vậy được, đúng không?

Rõ ràng, tìm cách nâng cao sức khoẻ thể chất và tự mình lắng nghe cơ thể để nhẹ thì tự khắc phục những biểu hiện bất thường ở nơi nào đó trong hoặc ngoài cơ thể; nặng thì nhờ sự can thiệp của bệnh viện để kịp thời đưa sức khoẻ về trạng thái bình thường. Từ đó chú ý nâng cao sức khoẻ tinh thần cho đồng bộ với thể chất. Nói thì dễ vậy và chắc ai cũng biết nó đúng. Vậy thì cuối cùng, thực hiện được hay không chỉ phụ thuộc vào chính mình thôi. (Đúng nhận sai cãi 😂😂😂).

Cuối cùng, tôi có cái tai nghe Bluetooth S10 Pro. Đang dùng ok thì một bên không sạc được, điện không vô. Mà cái này nghe nhạc phải có đôi mới có tiếng bass, mới phê. Nếu chỉ nghe đọc, chỉ cần 1 bên, hết pin thì có bên kia đã sạc đầy, chỉ việc đổi bên là ok. Vậy mà một bên hỏng do không sạc được, thì bất tiện lắm. Bèn hì hục cậy ra xem bên trong nó thế nào. Nói vậy vì chắc chắn là có thể tháo ra được, nó cũng chỉ lắp ráp thôi, tuy là nó lắp rất chuẩn, không chút khe hở. Tháo ra rồi thì biết là miếng nhựa gắn hai điểm tiếp xúc hai cực sạc bị bong ra. Chỉ việc lắp lại, nhỏ chút keo con voi là lại ok.

Tuy nhiên, cái nam châm để nó tự hút tai nghe vào khi sạc lại bị bong ra. Hì hục lắp được vô, yên chí đóng nắp lại, sạc vô ok. Nhưng không hiểu sao, thay vì nam châm hút vào khi đặt vô lỗ sạc, giờ nó lại đẩy ra? Đoán là đặt viên nam châm trái cực ban đầu. Lại hì hục cậy ra. Lắp cục nam châm này rất khó: kẹp panh thì nó hút cứng vào panh, lỏng ra thì nó hút cứng vào bên loa… Bèn bỏ cục nam châm đi, lắp vào.

Bảng mạch qua kính lúp iPhone, mũi tên chỉ mối đấu dây bị đứt.
Bảng mạch qua ống kính macro iPhone 15 pro, mũi tên chỉ mối đấu dây bị đứt.

Nhưng rồi lại phát sinh vấn đề mới: do nhấc ra nhét vào mấy lần, một cực sạc mảnh như tơ bị đứt. Ôi chao, cái bảng mạch bé bằng cái móng tay, chi chít mối hàn. Bèn chụp cái bảng mạch qua kính lúp iPhone và qua ống kính macro iPhone 15 pro, phóng to lên, tìm ra mối đấu, hàn vào. Cắm thử, sạc ok. Vậy là xong. Biết là cái hộp tai nghe này của Tàu, rẻ bèo (tiên sư anh Tàu, làm giỏi thế 😜), có thể vứt đi thay cái khác. Đặt Shopee, chỉ hôm sau là đến tay. Nhưng sửa được mà dùng lại có cái thú riêng của nó chứ, nhỉ?sạc ok. Vậy là xong. Biết là cái hộp tai nghe này của Tàu, rẻ bèo (tiên sư anh Tàu, làm giỏi thế 😜), có thể vứt đi thay cái khác. Đặt Shopee, chỉ hôm sau là đến tay. Nhưng sửa được mà dùng lại có cái thú riêng của nó chứ, nhỉ?

Hoá ra, làm được cái gì, đưa kinh nghiệm lên mạng để ai đó có hứng mà làm theo cũng hay. Có việc mà làm, mang lại lợi ích dù không đáng bao nhiêu, nhưng mang lại niềm vui chinh phục lại rất đáng để làm đấy chứ?

(19/4/2024)

VỀ NGƯỜI CHỊ TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH VÀ HOÀNG CẦM


(Viết và post bài trên xe bus Hà Nội-Vĩnh Yên-Hà Nội. 15/4/2024)

Tình cờ lần đầu tiên tôi đọc được bài thơ về Chị của Nguyễn Bính (xem cuối bài). Chính cảm xúc của bài thơ này đã giúp tôi chỉ trong vòng 20-30 phút đã viết xong bài thơ “Một ngày trời đổ cơn mưa”. Tôi biết đây là bài thơ mình ưng ý, chỉ còn việc sửa chữa đôi chút sau mỗi lần đọc lại. Lâu lắm tôi không viết được bài (gọi là) thơ nào, những bài mà tôi thấy tâm đắc, nó gây xúc động mạnh cho chính mình (và cho người đọc) khi viết, khi đọc.

Tôi nghiệm ra là có những bài thơ tác động được đến mình khi đọc, theo cái nghĩa nó hâm nóng cảm xúc thơ của mình, để mình có thể viết ra được thơ. Thơ viết ra hay hay không, còn tuỳ cảm xúc được hâm nóng đó đủ nhiều hay ít. Nếu nhiều thì viết ra một mạch thật nhanh và kết thúc gọn bài thơ, thường đó là bài thơ hay. Cảm xúc ít, không đủ chín thì thường viết dang dở và có cố hoàn thành cũng không ưng ý.

Quay trở lại chủ đề thơ về Chị mà tôi biết, có nhiều người nổi tiếng viết ra. Nguyễn Bính nổi tiếng về thơ lục bát, nhưng thơ về Chị thì tôi vừa được đọc bài “Thư cho Chị” và lập tức bị hâm nóng cảm xúc để viết ra bài thơ nói trên. Tôi nghĩ đến “Lá Diêu bông” của Hoàng Cầm, bài thơ quá nổi tiếng và thử tìm hiểu các bài thơ về Chị của hai Thi nhân kia. Biết được nhiều điều thú vị về người Chị của hai nhà thơ, về tình cảm của họ dành cho Chị theo những tâm thế khác nhau.

Hoàng Cầm (sinh năm 1922) thì từ 12 tuổi đã đa tình, yêu chị 20 tuổi theo kiểu luyến ái nam nữ, theo cách riêng của mình. Nguyễn Bính (sinh năm 1918) thì do thiếu tình cảm của mẹ từ bé (mẹ mất khi mới 3 tuổi), không có chị hay em gái nên đã cảm mến người chị hơn 8 tuổi, vốn là người yêu (ngoài luồng?) của anh trai. Tình yêu của Nguyễn Bính với chị, do đó mang nặng kiểu tình cảm gia đình, không theo kiểu luyến ái nam nữ. Tuy nhiên, có lẽ là Thi sĩ nên khi làm thơ, họ không ngại ngần biến thứ tình cảm đó thành tình yêu. Và “Thư cho chị” là kiểu tình yêu như vậy, em yêu chị và chị thì đã có người mình yêu? Đó là nỗi buồn của người rất yêu mà không được yêu lại: day dứt, tủi hờn và buồn thảm…

Cả Nguyễn Bính và Hoàng Cầm đều từ tình cảm dành cho người phụ nữ lớn tuổi hơn, người Chị mà cho ra những bài thơ gây xúc động cho người đọc nhiều thế hệ. Tuy họ viết về người Chị theo kiểu tình cảm khác nhau, nhưng điểm chung là hết sức chân thực nên độc giả nhiều thế hệ sau đều bị họ hay thơ của họ mê hoặc. Có lẽ, một điểm chung nữa: họ đều là những tài năng thi ca của dân tộc, một dân tộc vốn rất nhiều những thi nhân đỉnh cao như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương…

Cuối cùng, không thể không nhắc đến hậu thế của các thi nhân trên, họ cũng rất thành công khi viết về chị của mình như Trần Tiến với bài hát “Chị tôi” mà ai cũng biết. Như Chu Vĩnh Phương, có lẽ ít người biết hơn, cũng viết về người Chị thân thương của mình (xem cuối bài), mà có lần tôi đã bình về bài thơ này của anh. Cầu chúc cho anh an lành nơi miền cực lạc… Và riêng tôi, khi chị thứ hai mất, ngoài bài viết chân tình tiễn đưa chị, tôi cũng mượn lời anh rể, gián tiếp viết về chị của mình:

NỖI NIỀM
(Thay lời anh rể TMT)

Em về với mẹ với cha
Để anh lẻ với chiếc nhà quạnh hiu
Để khi nắng sáng mưa chiều
Anh âm thầm với bao nhiêu nỗi buồn

Chẳng bao giờ hết nhớ thương
Để anh thấm nỗi đoạn trường không em
Xuống nhà. Im ắng. Lại lên
Ngẩn ngơ khi thấy bóng rèm khẽ lay…

30/12/2016
(Sau những lần nghe anh tâm sự)


CHỊ TÔI
(Chu Vĩnh Phương)

Lỡ duyên rồi lại lỡ lầm
Chị đành ở vậy âm thầm xót xa

Rời làng theo bước người ta
Nắng mưa ga xép, hanh sa lâm trường
Một đời chịu khó chịu thương
Lúc vui chị khóc, khi buồn lặng đau

Cậy ai nương náu mai sau
Mẹ cha đành vậy, lòng đau mấy phần
Ông bà đã khuất cõi trần
Các em thơ dại, chị thân héo mòn

Ấp ôm đứa cháu sớm hôm
Sống lần hồi với xóm thôn tháng ngày
Cầu trời hương khói gió bay
Khấn đất, đất chín tầng dày lặng im!


THƯ CHO CHỊ
(Nguyễn Bính)

Viết cho chị cánh thư này
Một đêm lữ thứ em say rượu cần
Nhớ người cách một mùa xuân
Hình như người đã một lần sang sông
Ồ! say! thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị ơi!
Làm sao giấc ngủ không dài
Sao đêm không ngắn, mà trời cứ mưa ?

Làm sao em sống như thừa
Cố đem men rượu tẩm vừa lòng đau
Kể từ hai đứa thôi nhau
Em thường chả có đêm nào không say

Sao em đơn chiếc thế này ?
Sao em lại khóc như ngày chị đi …?
Ở đây còn có vui gì!
Vườn dâu xa lắm! lối về chị xa

Con đường sang xóm Trữ La
Cách một ngày ngựa, cách ba ngày đò
Lúc này em nghĩ mà lo
Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời!

Hôm qua có chuyến đò xuôi
Toan về Hà Nội lại thôi không về
Em trồng được một cây lê
Hẹn bốn năm nữa thì về hái hoa

Nhưng là vườn đất người ta
Mình là khách trọ một vài đêm thôi
Sáng mai có lẽ em xuôi
Nếu không đãng trí và trời không mưa

Nhưng mà khăn gói gió đưa
Lại về Hà Nội thì chưa muốn về
Đò thuê, ngày ngựa cũng thuê
Sang nhìn qua kẻ lỗi thì sang sông

Ồ! say! thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị cho ?

—– Hết—–

MY LOVE (2)

(Để tặng My Wife nhân ngày 8/3)

Tôi đặt tên cho stt này như vậy vì tròn 10 năm sau bài viết “MY LOVE” (24/02/2014) tôi lại muốn viết thêm về My Wife. Để khẳng định lại một lần nữa những gì đã viết 40 năm trước và thêm những gì cả hai trải qua sau 40 năm…

Tôi muốn nói đến những tố chất bản năng của nàng mà mình thầm lặng chứng kiến: chân thành, vị tha, hiền thục, yêu thương mọi người, đặc biệt là hết lòng vì bạn bè hay người thân của cả hai bên gia đình.

Tuy rằng nhiều lúc vì quá tin người, đặc biệt ở thời đại “mạng mẽo” này mà đôi lúc gây ra những thiệt hại về tinh thần (và cả vật chất) cho chính mình và cho cả người thân yêu của mình, dù rằng không cố ý, hoặc thậm chí là không hề ngờ đến?

Chứng kiến việc đối xử hết sức nhiệt thành và vô tư của nàng với người thân của mình (anh chị em ruột hay họ hàng, bạn bè…) tôi tự nhủ mình thật may mắn khi đã kết đôi và ăn đời ở kiếp với một người như vậy 😍👍.

Ngoài ra, cũng như hơn 40 năm trước, chúng tôi vẫn là “một cặp giời sinh” rất mực ăn ý và hợp nhau, dù là ở nhà hay đi du lịch đây đó. Có lẽ đó là điều quan trọng để một cặp sống vui vẻ bên nhau, không hề cảm thấy một chút chịu đựng hay gượng gạo nào?

Và, để không khiến cho bạn bè thấy “nhiều chữ” quá, xin copy and past lại mấy vần thơ vốn là cảm hứng xuất hiện trong một lần đọc lại “MY LOVE”:

NGÀY ẤY…
Posted on 26/02/2023

Ngày ấy xa rồi em nhỉ
Thuở em đôi tám má hồng
Anh hãy còn xoan mơ mộng…
Cái thời em hãy còn không (1)

Trời xe duyên mình hai đứa
Một ngày nên vợ nên chồng
Hơn bốn mươi năm rồi nhỉ
Bên nhau hương lửa vẫn nồng…
24/2/2023

(1): Còn son rỗi, trong câu Ca dao: .. “Sao anh không hỏi những ngày còn không/Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá cắn câu…”

MY LOVE

Hồ Tràm 2-2024
Nhà bác Huyên ngày rằm 2024
Phú Mỹ Hưng Q7- Tết 2024
Holiday Inn Resort Hồ Tràm-Tết 2024
Emeranda Ninh Bình 2021
Emeranda Ninh Bình 2021
Emeranda Ninh Bình 2021

TÁN TỈNH? 😍

(Tức cảnh nhân xem ảnh 😍😂)

Xưa yêu quên tán? Thì nay tán!
Lẻ bốn mươi năm? Chẳng hề chi!
Bên tượng, Chàng-Nàng còn e thẹn
Cứ mãi nhìn nhau chẳng nói gì… 😍😍

2/2024

Nghe Hà Anh Tuấn hát “Tháng tư là lời nói dối của em” trên Zing ( Bài hát thật tuyệt, đầy tâm trạng cho những kẻ yêu nhau):

Thành cổ Sơn Tây

Năm 1972, (đúng dịp 12 ngày đêm Hà Nội và cả nước bắn B52 Mỹ rụng như sung), mình đang học lớp Hoá nghiệm viên ở xã Sơn Đông, nơi sơ tán của Cục Hoá học, Bộ tổng tham mưu.

Trước đó, khi có ngày nghỉ, mình và Hoàng thường mượn xe đạp của anh Hạnh, cán bộ phòng Vật tư của trường đi thăm thành cổ và dạo quanh thị xã Sơn Tây.

Đúng 52 năm sau, có dịp thăm lại, thấy khác nhiều nhưng cũng bồi hồi xúc động. Hồi đó mình 19 tuổi và giờ đây, đã qua tuổi 71 rồi… Kinh thiệt?

Đi Trung Quốc.

Nhân chuyến đi Cửu trại câu TQ tour 7N6D, rút ra một vài kinh nghiệm cho ai chưa từng gặp những tình huống tương tự. Đoàn đi gần 30 người, đủ các lứa tuổi từ 17 đến 75. Trong số đó có hai cao thủ hơn tuổi mình sinh năm 1950 và 1948. 😂 Một chàng trai đang năm cuối PTTH, đang chuẩn bị du học, đi cùng bố.

Trước tiên phải nói ngay: Đi các điểm du lịch Trung Quốc, mới thấy TQ có ý thức đầu tư cho ngành du lịch cực kỳ bài bản. Có thể hiểu một phần nào về vấn đề này khi xem bộ phim TQ nhiều tập khá thú vị trên YouTube: “Đi đến nơi có gió”: https://youtube.com/playlist?list=PLh4trvZExvP0-iQ803d_NK7sfCzfOB7hI&feature=shared. Nhóm các vị cao niên đều có chung một quan điểm là: còn có thể đi được thì tranh thủ đi. Kinh thật, hoá ra không phải chỉ mình nghĩ vậy? 😂

Giờ vào chuyện. Ngoài các thành phố lớn, các điểm du lịch thú vị của TQ thường ở những điểm cao mấy nghìn mét so với mực nước biển. Tây tạng, Cửu trại câu là vài ví dụ. Ở những nơi này, áp suất không khí không phải 1at như ở mặt biển hay vùng đồng bằng ta vẫn sinh sống. (at: chỉ số áp suất khí quyển, đọc là át mốt phe=760mm Hg, môn học mình vẫn dạy luôn có khái niệm này 😂)

Khi lên cao, áp suất giảm xuống dưới 1at, tức là cơ thể sẽ cảm thấy thiếu Oxy để thở. Cảm nhận điều này ai cũng nhận ra: dù chỉ đi bộ bình thường, nhưng giống y chang khi ta leo cầu thang bộ nhiều tầng, hay khi chạy tốc độ cao nhiều phút liên tục. Tức là phải thở hồng hộc, thở rất gấp để hít đủ Oxy, tim đập rất mạnh. Chỉ tưởng mình bị, khi lên xe mới biết rất nhiều người cũng trải qua trạng thái này. Không có cách nào khắc phục, chỉ giảm hoạt động nhiều nhất có thể và nếu điều kiện cho phép.

Đặc biệt nguy hiểm cho những người cao huyết áp (Nhưng cũng nói thêm là ông sinh năm 1948, uống thuốc cao huyết áp mỗi ngày vẫn đi tốt, không vấn đề gì 👍). Như ở Cửu trại câu, áp suất khí quyển chỉ chừng 0,7-0,8at, nước sôi chỉ ở 70độ, pha trà chỉ như khi pha nước chưa sôi. Kết hợp với trạng thái áp suất thấp, là nhiệt độ dưới âm ở vùng cao, rất dễ bị shock nhiệt. Bản mỗ bị ít ra là 2 lần: lần đầu vào phòng khách sạn, thường có thói quen cởi bớt quần áo, lập tức bị. Lần thứ hai bị khi đang ngâm nóng, chuyển sang tắm tráng bằng vòi sen khi chưa điều chỉnh nhiệt trước. Lần này bị nhẹ vì lập tức lại vào ngâm bồn. Khi bị shock nhiệt, nhiệt độ cơ thể bị giảm xuống dưới mức thân nhiệt bình thường 37 độ.

Biểu hiện rất kinh: mọi chỗ trong cơ thể, đặc biệt là tay, chân đều run lên bần bật cùng lúc cơ thể bị ớn lạnh ở mức độ… khủng khiếp. Đó chính là phản xạ tự nhiên của cơ thể với mục đích làm nóng người lên. Tuy nhiên, nếu bị nặng thì phải lập tức tác động bằng máy sấy tóc mà khách sạn nào cũng có. Sấy ngực, bàn chân và khắp cơ thể nhanh nhất có thể. Nếu không thì xả nước nóng vào bồn rồi ngâm mình vào (nên nếu khách sạn có bồn tắm, việc đầu tiên khi vào là xả nước nóng đầy bồn).

Có lẽ những người xây dựng tour đã lường trước nên họ cho đi các điểm ở mức tăng dần độ cao, nên cơ thể có điều kiện thích nghi dần. Điều đó có tác dụng giảm thiểu các tác hại đã kể trên.

Trở lên là vài kinh nghiệm cho những ai chưa từng ở những nơi có độ cao mấy nghìn mét khi đi du lịch. Điều cuối cùng muốn nói là hãy đi nếu điều kiện cho phép. Vì thực sự Trung Quốc có nhiều nơi rất đẹp mà hiện nay, không phải là khó khăn lắm để mọi người có thể đi thăm. Tour nhan nhản trên Facebook, khá rẻ với điều kiện tham gia ngày càng tiện dụng. Không phải đi đâu, chỉ việc đăng ký và làm theo hướng dẫn trên mạng…

Đọc “Hai số phận”

(Tác giả: Jeffrey Archer.

Tôi thấy như chưa muốn bỏ sách xuống khi đọc hết trang cuối và đành tìm đọc hết những chữ có in trên bìa và các trang lót…😂)

Tôi viết bài Review cuốn sách này một phần vì muốn chia sẻ những gì đã cuốn hút mình khi đọc. Nhưng có lẽ một phần quan trọng vì muốn biết mình còn viết được gì khi đã bước qua tuổi 70… Biết rằng ít có ai muốn đọc dài nên tôi tự nhủ sẽ viết ngắn nhất có thể.

Phải nói ngay rằng, đã lâu lắm, tôi mới đọc một mạch cuốn sách gần 800 trang, bìa cứng, nặng trĩu trên tay. Bắt đầu là sự ra đời của 1 trong 2 nhân vật chính, như tên gốc của cuốn tiểu thuyết: Abel và Kane. Dù tên của nhân vật thay đổi trong quá trình trưởng thành, nhưng bắt đầu chính là Abel, người Ba Lan. Một cô gái thuộc địa hạt vị Nam tước trong vùng, đã đẻ rơi Abel trong một khu rừng rồi tắt thở khi chưa kịp cắt rốn. Một chú bé săn thỏ tình cờ là ân nhân cứu mạng, khi kịp đưa chú bé đỏ hỏn về cho mẹ sau khi tự mình cắt rốn theo cách người ta từng làm vậy cho cừu.

Sau này, vị Nam tước không biết vô tình hay cố ý đã đích thân đến lều người gác rừng, vốn là gia nhân của mình, xin được đưa Abel về cùng học với Leon, con trai cùng tuổi của ngài. Sau này, trước khi chết trong hầm giam do lính Nga Sa hoàng, Nam tước (người biết rõ từ lúc nào đó, Abel cũng có đặc điểm chỉ có 1 núm vú như mình) đã trao cho Abel chiếc vòng bạc gia truyền. Trước 2 người hầu cận trong lâu đài của mình, ông muốn họ xác nhận sẽ trao quyền thừa kế cho Abel.

Trải qua muôn vàn trắc trở, nhiều lần cận kề cái chết, Abel cuối cùng đã trở thành công dân Mỹ và là chủ tịch một chuỗi hàng nghìn khách sạn của tập đoàn Nam tước trên khắp thế giới. Trước đó, xuất hiện nhân vật thứ 2 của câu chuyện: Kane. Khác với số phận lận đận của Abel, Mỹ gốc Ba Lan, Kane thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời của Mỹ. Ông nội và cha đều là những chủ ngân hàng tiếng tăm ở Mỹ và đều từng tốt nghiệp Harvard. Sau khi cũng tốt nghiệp xuất sắc Harvard, Kane trở thành phó chủ tịch ngân hàng mà ông và cha mình đều là chủ tịch.

Tuy nhiên, do chơi thân hàng chục năm cùng học với con trai của một chủ tịch ngân hàng khác lớn hơn ngân hàng cha ông mình, Kane được ông chủ tịch coi như con và đã nhìn nhận ra tài năng của anh. Bước ngoặt xảy ra khi con trai duy nhất của ông chủ tịch này bị ung thư chết. Mất mát này đã giáng đòn chí mạng khiến ông bố gục ngã rồi qua đời. Trước đó, ông đã kịp để lại di chúc chỉ định Kane là người kế nhiệm, làm chủ tịch ngân hàng của ông. Chẳng phải dễ dàng gì nhưng nhờ sự xuất sắc của mình, Kane đã trở thành chủ tịch như di chúc đã đặt ra.

Bắt đầu xuất hiện mối quan hệ của Abel và Kane, vốn là “Hai số phận” khác biệt nhau. Trong một giai đoạn, chuỗi khách sạn của ông chủ Abel (lúc đó Abel chỉ là giám đốc điều hành) bị sự cố, sắp phá sản. Kane là chủ ngân hàng buộc phải theo quyết định của ban giám đốc, khi đó ông chưa là chủ tịch, buộc ông chủ của Abel phải quyết định đấu giá hết các khách sạn để trả nợ. Sau một chầu rượu say khướt với Abel, ông chủ này đã nhảy từ lầu 17 xuống, kết thúc cuộc đời mình. Cái chết của ông chủ khiến Abel đau khổ vì ông đã đặt hết niềm tin vào Abel, thậm chí trao hết tài sản của mình cho anh qua chúc thư tuyệt mệnh.

Abel cố gắng thuyết phục Kane cho lùi thời hạn trả nợ để kinh doanh phục hồi trở lại các khách sạn. Tuy nhiên, Kane do không được toàn quyền nên buộc phải theo quyết định của ban Giám đốc, chỉ cho thời hạn 30 ngày. Abel cho rằng do lỗi của Kane mà ông chủ của mình bị chết thảm nên thề sẽ trả thù khi có dịp. Gần đến hạn, chuẩn bị bán đấu giá các khách sạn để trả nợ ngân hàng thì có một nhân vật bí ẩn đồng ý trả nợ ngân hàng và giao Abel toàn quyền lãnh đạo chuỗi khách sạn để trả nợ sau 2 năm. Do tài năng của mình, sau 2 năm Abel đã trả hết cả gốc lẫn lãi số nợ cho người ẩn danh và bắt đầu nổi lên là một ông chủ khách sạn hàng đầu của Mỹ với hàng nghìn khách sạn Nam tước trên khắp thế giới.

Món nợ với Kane (lúc này đã là chủ tịch ngân hàng liên kết rất lớn) bắt đầu được Abel có dịp trả bằng cách thâu tóm cổ phần ngân hàng. Mục đích để loại bỏ Kane, mong đối thủ có cái kết bi thảm như ông chủ xưa kia của mình. Số phận trớ trêu đã sắp xếp cho con trai ưu tú của Kane tình cờ bắt gặp con gái cưng của Abel và cả hai yêu nhau say đắm. Cả 2 ông bố đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau nên cực lực phản đối 2 con, dù rất yêu chúng. Tuy nhiên, mặc dù rất yêu bố của mình, cả hai đã bỏ đi sang một thành phố khác cách rất xa hai gia đình và quyết định cưới nhau. Chỉ có các bà mẹ của cả hai bí mật giấu 2 ông bố qua lại thăm các con mình.

Mãi đến khi hai con có hai đứa cháu xinh đẹp cho hai ông bố (họ đã kịp gây tổn hại nặng nề cho nhau), cuộc hàn gắn giữa hai nhà mới bắt đầu. Đúng lúc Kane đang chuẩn bị gặp mặt các cháu và con dâu, là con gái cưng của Abel thì ông bị đột tử trên ghế sau một cơn đau tim. Mấy hôm sau, Abel nhận được một bức thư của người chủ ngân hàng riêng đã mất trước đó. Thì ra người viết thư chỉ được công bố thông tin khi người trả nợ bí mật đã chết. Hoá ra, người bỏ tiền riêng cho Abel vay chính lại là Kane. Vì Kane không được phép để lộ thông tin khi đang là chủ tịch ngân hàng nên buộc phải giấu tên. Đến lúc này, cả hai gia đình mới biết sự thật và mới hoá giải được mối hận thù giữa hai ông bố. Một cái kết tuy muộn màng nhưng đầy hạnh phúc cho hai đại gia đình cũng như cho bất cứ ai đọc cuốn sách, từng giờ từng phút theo dõi số phận của hai con người tài năng xuất chúng này.

Tuy nhiên, điều khiến cho người đọc không thể bỏ sách ra, ngay cả khi hết trang cuối, chính là bởi sự hấp dẫn trong những tình tiết câu chuyện. Lối dẫn dắt cực kỳ lôi cuốn của tác giả. Đặc biệt là những điều mà mỗi người tự rút ra bài học cho mình về số phận các nhân vật. Ví dụ, khi bạn có một dòng dõi xuất chúng thì không có lý gì bạn lại là con chiên ghẻ của giòng dõi ấy. Kane thừa hưởng gia tài kếch sù của ông nội và cha, đồng thời cũng thừa hưởng sự xuất chúng của họ: đều tốt nghiệp xuất sắc Harvard và là chủ ngân hàng xuất chúng. Abel, mang dòng máu của một Nam tước thì cũng thừa hưởng ý chí quật cường, không hề bị gục ngã bởi số phận và vươn lên đỉnh cao của sự nghiệp. Liên hệ với những kẻ phá gia chi tử của những gia đình giàu xổi, do ăn cắp và tham nhũng, họ chỉ biết ăn chơi sa đọa và rồi trở thành những kẻ dốt nát, chỉ giỏi tham nhũng đời sau mà thôi?

20:55- 26/9/2023.

Ngày ấy…

(Nhân FB nhắc lại bài viết cũ )

Ngày ấy xa rồi em nhỉ
Thuở em đôi tám má hồng
Anh hãy còn xoan mơ mộng…
Cái thời em hãy còn không (1)

Trời xe duyên mình hai đứa
Một ngày nên vợ nên chồng
Hơn bốn mươi năm rồi nhỉ
Bên nhau hương lửa vẫn nồng…

24/2/2023

(1): Trong câu Ca dao: .. “Sao anh không hỏi những ngày còn không/Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá cắn câu…”

Tản mạn về Thơ

Xin nói trước là tôi không định nói gì về Thơ, mà chỉ test xem mình còn viết ra cái gì nữa không. Lâu quá rồi, từ năm 2014 khi không đi dạy nữa thì tôi ít viết dần rồi hầu như ngưng hẳn. Nói viết, là khi viết ra bài ra vở hẳn hoi, đòi hỏi đầu tư “chất xám” và cảm xúc dài hơi. Chứ gọi là viết năm câu ba điều kiểu Status ngăn ngắn trên Phây, thì tôi thi thoảng cũng mổ cò trên điện thoại rồi thản nhiên cho ra lò.

Hôm nay đi bộ ra hồ Giảng Võ, mưa phùn vẫn rơi và đường sá nhớp nháp, nhưng với tôi thì không nhằm nhò gì. Không phải vì tôi ở bẩn nên không thấy bẩn như thiên hạ thấy? Mà tôi coi mục đích là tối thượng, mọi cái không liên quan đến mục đích là chuyện nhỏ, có thể bỏ qua. Như đi bộ là mục đích, mưa phùn đường sá nhớp nháp là chuyện nhỏ, đại loại thế.

Rồi. Nói chuyện đi bộ. Tôi đi bộ mỗi sáng. Chuyện này nói rồi, ai khó tính có thể bĩu môi: cha này nói hoài. Sorry. Chuyện là tôi đi bộ cứ cắm cúi đi, rồi tự động đi đủ vòng hồ, tập đủ các động tác vận động các khớp: hông, cổ, vai gáy, gối… nhưng trong đầu vẫn nghĩ đủ thứ chuyện. Do vậy mà tôi cứ cắm cúi đi, không để ý đến ai xung quanh, càng không thích bắt chuyện với ai như nhiều đám ồn ào ngoài hồ. Có khi cũng là dịp tôi tự bào chữa cho tính (xấu?) không ưa giao tiếp của mình?

Anh cả tôi ngồi giữa cuối bàn.

Như hôm nay, tôi nghĩ về anh cả tôi (tính theo nam, là bác Huyên) hôm về rằm. Không biết nhân mạch chuyện nào đó, anh nhận xét: xưa đọc Thi nhân Việt Nam thấy nhiều nhà thơ hay. Giờ đọc lại thấy nhiều bài rất thường. Tôi thấy anh đúng. Cũng hơi ngạc nhiên vì không phải ai cũng nói ra được điều đó. Phải nghĩ nhiều lần về điều đó rồi nhân mạch chuyện mà thốt ra vậy. Anh tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, đã từng xông pha ngoài đời nhiều năm, lại có năng khiếu văn chương thơ phú nên đã nói vậy hẳn là đã nghiền ngẫm nhiều rồi?

Tôi đồng ý với anh vì từng biết nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiếng từng gặp cảnh tự nhiên mất cảm hứng, thời gian dài không viết được gì ra hồn. Lê Lựu nói đại ý: nhiều ngày đánh vật không được trang nào. Có cố mà viết ra rồi hôm sau lại xé sạch (hồi các ông còn viết tay ra giấy), từng lo lắng có khi bị tạch đời văn bút? Nhà thơ cũng vậy, khi bị mất cảm hứng có cố ra thơ cũng chỉ ra loại thứ phẩm.

Hôm đó nhân tiện. tôi kể mình từng chê bài “Tương tư chiều” của Xuân Diệu, bảo đó là loại thơ kỹ thuật xếp chữ, ghép vần. Có thể ông từng có cảm hứng về đề tài đó nhưng rồi chưa kịp viết xong bài thơ thì cảm hứng tắt ngấm. Tiếc cái tứ thơ mà hì hục ghép nối thành bài? Ví dụ những câu này chỉ đơn thuần là ghép chữ, ghép vần, chả truyền cảm xúc gì cho người đọc: “Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối/ Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành/ Mây theo chim về dãy núi xa xanh/ Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ/ Không gian xám tưởng sắp tuôn thành lệ/ Thôi hết rồi còn chi nữa đâu em/ Thôi hết rồi gió gác với trăng thềm/ Với sương lá rủ lên đầu gần gũi/ Thôi đã hết hớn ghen và giận dỗi/ Được giận hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu/ Anh một mình nghe tât cả buổi chiều/ Vào chầm chậm ở trong buồn hiu quạnh/ Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi/ Anh nhớ anh của ngày tháng xa xôi/ Nhớ đôi môi em cười ở phương trời/ Và đôi mắt em nhìn anh đăm đắm”.

Vậy mà hồi xưa, khi đang học cấp 3, tầm 15-16 tuổi, tôi từng nắn nót chép nguyên xi bài đó vào sổ thơ của mình. Có lẽ ấn tượng nhiều về câu chữ sến súa của bài thơ, cộng tên tuổi lẫy lừng của Xuân Diệu nên giờ vẫn nhớ để đọc vanh vách, chỉ khác là đã thấy nó nhạt và thiếu cảm xúc thực sự từ con tim tác giả để không chạm đến con tim độc giả?.

Nói vậy không phải để chê tài của nhà văn nhà thơ mà kỳ thực là con người chịu ảnh hưởng nhiều từ đời sống, từ xã hội và vô vàn tương tác khác nên cảm xúc không phải lúc nào cũng thăng hoa để luôn viết ra những bài thơ hay. Nói thực là dù tài giỏi, trong chục bài thơ viết ra, có khi chỉ được vài bài gọi là để đời mà chính tác giả cũng cảm thấy hài lòng. Còn lại chỉ thường thường bậc trung, thậm chí là dưới mức trung bình.

Bài thơ hay nhất định là phải cảm xúc thực của mình, trọn vẹn từ đầu tới cuối. Nghĩa là có cảm xúc, phải đủ chín muồi rồi viết một mạch ra, xong xuôi chỉ chỉnh sửa đôi chút để hoàn thiện. Cảm xúc mãnh liệt mà không đủ tới, viết chưa thành bài, phải gia công câu chữ, vần điệu thì coi như hỏng, không thể là bài thơ hay được. Có vài ví dụ về thơ giàu cảm xúc thực, tác động được đến cảm xúc người đọc như Xuân Quỳnh. Chị có nhiều bài thơ có thể gọi là rút ruột con tằm mình để ra tơ? Ai cũng có thể tự tìm cho mình những bài thơ của chị để làm ví dụ cho ý này.

Lại có người chỉ viết đôi bài rồi biến mất lặng lẽ, khiến sau này nhiều người nhắc đến với nhiều cảm phục. Như bài “Hai sắc hoa Tigon” của TTKh. Có thể kể bài “Không đề gửi mùa Đông” của bác sĩ (?) Thảo Phương. Bài hát thì có thể kể “Giấc mơ trưa” hay “Chút nắng vàng bay” của Giáng Son. “Bà Tôi” của Nguyễn Vĩnh Tiến, hay gần đây là Phan Mạnh Quỳnh với “Ngày chưa giông bão”; “Có cháng trai viết lên cây”…

Hóa ra là mình già rồi thật, vì còn định viết nhiều lắm mà đã thấy muốn ngả lưng rồi. Than ôi, phải thành thực mà trả lời “No” khi tự mình hỏi rằng ta có thể chống lại tuổi già đang xồng xộc đến không? Đi bộ để hòng kéo dài độ trẻ thể xác, viết lách để hòng kéo dài độ trẻ tinh thần. Mà xem ra cả hai cách đều không ngăn nổi ta đang già đi. Trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi!!! 😂😫

19/2/2023

Phố làng ngày rằm 2023
Phố làng ngày rằm 2023