Chợ Giời Facebook

facebook

Chợ Giời Facebook
(hay là sự biến tướng đáng ngại của một trang mạng xã hội)

Không thể phủ nhận tính phổ cập của Facebook trong đời sống tinh thần của cộng đồng thế giới nhưng cũng phải thừa nhận rằng, Facebook dường như đang dần thoát khỏi (hay được khuyến khích thoát khỏi?) sự kiểm soát bới những người điều hành nó?

Xã hội văn minh có vẻ như chú trọng phân biệt lứa tuổi cho các sản phẩm tinh thần, kiểu như sách, như tin, như phim ảnh… thường chú trọng cảnh báo lứa tuổi nào không nên xem. Thậm chí trong các phim bạo lực phương Tây, bao giờ cũng có một dòng cảnh báo để nếu ai không muốn, biết đường mà tránh, không xem nó.

Trang mạng nổi tiếng Facebook, thoạt kỳ thủy vốn khá lành mạnh và người ta dường như không phải lo ngại gì khi các cháu bé 8-9 tuổi trở lên đã có tài khoản trên đó. Tuy nhiên, nếu để ý thời gian gần đây, trang tiếp xúc chung cho các Friends List (trang Home) đã mỗi ngày một tràn ngập các trang web có nội dung không hề được coi là lành mạnh, nếu không nói là độc hại với người đọc, đặc biệt là với các cháu bé.

Hãy hình dung trang Home này như một cái chợ Giời, trong đó phần cho các thành viên trong Friends List rất khiêm tốn và chen chúc khuất lấp cho các ngõ nhỏ, còn phần quảng cáo cho các trò chơi mập mờ, nhố nhăng, cho các trang web, mà chiếm đa số là các trang cố tình giật tít hoặc cho nổi bật những hình ảnh khêu gợi tính dục (cách nói nhẹ đi của Khiêu dâm) và các tin cướp, hiếp, giết…

Rõ ràng, các thành viên có mặt trong cái chợ Giời này vốn dĩ chiếm đa phần là những người tử tế, các công chức, sinh viên, học sinh, một số các bậc cha chú đáng kính, thêm các thành phần rất đặc biệt là các cháu bé, bỗng nhiên bị lu mờ, lấn át bởi những sản phẩm ô nhiễm chen vai thích cánh ồ ạt lấn lướt. Phần giao lưu của những người tử tế hoàn toàn bị khuất lấp và trở nên yếm thế trước những sự thể hiện quá khích, lộ liễu của các trang web đen, các trò chơi tiềm tàng ẩn họa.

Các trò chơi tưởng như vô thưởng vô phạt như bói toán, đoán xem ai quan tâm đến bạn, ai vào thăm trang của bạn nhiều nhất… Phải thừa nhận những kẻ đứng sau các trò chơi này là các “chuyên gia tâm lý” vốn có thâm niên cao trong Facebook, họ biết rõ các Facebooker muốn biết điều gì. Điều đáng ngai là để chơi các trò đó, bạn buộc phải điền các thông số liên quan đến thông tin cá nhân và thông qua đó, bạn đã vô tình giao trứng cho ác: mật thư của bạn bị lộ và các thông tin liên quan đến bạn bị lợi dụng cho các câu trả lời giả dạng ngây ngô nhưng chứa đựng nhiều phần sự thực lẽ ra chỉ riêng bạn biết.

Đặc biệt, trong một số trường hợp, dựa trên các thông tin ăn cắp đó, kẻ lợi dung các trò chơi có thể xuyên tạc thêm với nhiều ác ý, khiến cho các bạn nghi kỵ lẫn nhau. Nguyên do là những gì trong mật thư chỉ hai người biết và chỉ có giới hạn, nhưng do bị những kẻ đứng sau trò chơi xuyên tạc, kích động, nó đã khiến cho người nọ nghi ngờ người kia, phá hoại không thương tiếc các mối quan hệ của họ. Trò đùa quái ác này tưởng như vô hại nhưng lắm lúc lại gây ra những bi kịch cho những người có tâm lý nhậy cảm, dễ bị tổn thương do bị khủng hoảng niềm tin bạn bè, người thân. Chưa kể đối với các cháu bé non nớt, tác hại là không thể lường hết được…

Cuối cùng, mục đích dạo chơi để giao lưu giữa những người bạn trong Friends List giờ đây đã trở nên nhạt nhòa, vì đầy rẫy các link không hiểu bằng cách nào tràn ngập trang Home cứ dẫn dắt người ta, thay vì đọc của bạn bè, lại vì tò mò mà cứ bị hút vào đó với những tin tức cướp, hiếp, giết và sex… không giới hạn. Những bài viết của bạn bè vốn dĩ đã ít, lại nhạt nhòa khiến cho người đọc mải mê chìm đắm trong các trang web và các trò chơi vô bổ nhưng độc hại kia.

Như người đi dạo chợ Giời thoạt tiên với mục đích thăm các gian trưng bày sản phẩm của bạn bè, nhưng các sản phẩm vốn nghèo nàn lại bị dồn cho khuất lấp trong các ngõ ngách, nên người ta cứ thế vô tình bị hút vào những thứ rác rưởi, độc hại nhưng khoác bên ngoài những thứ màu mè lấp lánh, đến độ quên mất mục đích của mình khi đi, thậm chí là quên cả đường về…

P/S: Người viết bài này vừa ngậm ngùi tạm thời chia tay bạn bè trên Facebook (hy vọng khi quay lại rác đã bớt đi). Viết bài này như một cảnh báo các bạn trẻ và các bậc phụ huynh…


Thank you Hảo khách!

Nàng thơ.

1378374036-nang-tho-1

Nàng thơ.

Có thể nhiều khi chúng ta không để ý điều này: làm bất cứ một việc gì cũng phải có sự hứng khởi, ta hay gọi nôm na là có hứng. Làm nghệ thuật: văn chương, hội họa, âm nhạc… lại càng đặc biệt cần có cảm hứng mới hy vọng cho ra những tác phẩm tuyệt vời…

Trong nghệ thuật nói chung, nhưng thường là trong văn thơ, khởi nguồn cho niềm hứng  khởi trứ danh đó được gọi bằng cái tên mỹ miều là Nàng thơ. Nàng thơ có thể là một nhân vật cụ thể nào đó nhiều khi không phải là một người tình đúng nghĩa mà chỉ là người mang lại cho thi nhân một nỗi nhớ nhung mơ hồ nào đó, có hương vị như tình yêu… Cũng có khi nàng thơ chỉ là một hình tượng trong tâm hồn nhậy cảm của Thi nhân, mang hình hài của một “người trong mộng”, có thực ngoài đời.

Tuy nhiên, Thi nhân vốn thuộc loại người đặc biệt nên dù là tưởng tượng thì hình hài đó đã gắn bó như máu thịt rồi nên trong tác phẩm của họ, ta dường như thấy được chân dung Nàng thơ rất sống động như từng bắt gặp đâu đó ngoài đời… Và vì yêu nghệ thuật mà nhiều khi thiên hạ cứ nhất định muốn biết người trong mộng đó của Thi nhân, dù có thật hay không. Có rất nhiều ví dụ về những Nàng thơ của các bậc Trưởng lão của nền thơ Việt một thời…

Hoàng Cầm viết nên “Lá diêu bông” hết sức lãng mạn, từng làm ngẩn ngơ bao nhiêu thế hệ trai thanh gái lịch, khi trong tâm tưởng chàng tài tử “bên kia sông Đuống” ấy cứ vương vấn một bà chị họ (có khi cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi?) xinh đẹp, đa mang… Nguyễn Bính, bậc thầy thơ lục bát ái tình viết những câu thơ đẹp tựa ca dao nhờ nương theo những cảm xúc khi thầm yêu trộm nhớ những cô thôn nữ má thắm yếm đào mà vốn dĩ nhút nhát, thường chàng chỉ dám xa xa đứng ngó…

Xuân Diệu thì đặc biệt hơn, nàng thơ của “Ông Hoàng thơ tình” này có khi là thiếu nữ, có khi lại là một chàng trai… Khi viết đến đây, tôi chợt nhớ mình từng có một bài viết liên quan đến sự xuất hiện của Xuân Diệu trong làng Thơ mới, nhưng vì bài viết khá nhiều nên e là khó tìm được ngay. May thay, khi thử gõ lên Google cái tên bài “Như một niềm kinh dị” thì tôi đã thấy lập tức xuất hiện (như một niềm kinh dị?):

Đọc ở đây.

Doãn Hoàng Giang khi viết vở kịch “Hà My của tôi” thì Nàng thơ của ông là một nguyên mẫu có thật ngoài đời, đó là nữ diễn viên Hồng Minh, vốn là một mỹ nhân Hà Thành (đẹp nhất miền Bắc?) những năm 70 của thế kỷ trước và cũng là người bạn tâm giao của ông trong giới văn nghệ sĩ. Các họa sĩ thì nhiều người vì tài năng đặc biệt mà vô tình biến mình thành những cục nam châm hút về những người đẹp mến mộ họ và đến lượt mình, các người đẹp biến thành những Nàng thơ cho các tác phẩm của Họa sĩ thăng hoa. Đó là Thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ Văn Cao; Họa sĩ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… (khi đang viết nháp bài này, tình cờ tôi đọc được bài nói về một trong số rất nhiều Nàng thơ có thực ngoài đời của ông:

Đọc ở đây.  Hoặc ở đây.

Rõ ràng, với nghệ thuật, Nàng thơ không thể thiếu vắng, nó là một thứ men cảm hứng, giúp cho tài năng của người Nghệ sĩ thăng hoa. Đến lượt mình, Nghệ sĩ truyền cảm hứng đó vào tác phẩm, khiến cho nó trở nên xuất sắc, huyền ảo, vượt ra ngoài khuôn khổ một sản phẩm khô cứng, tầm thường. Nếu có một sự tương ứng cảm xúc, tức là có cùng tần số xúc cảm với tác giả, người thưởng thức những tác phẩm ấy có thể dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Thi nhân, nhận dạng được hình hài Nàng thơ ẩn tàng đâu đó, cho dù nhiều khi nó vốn không có thực ngoài đời…

Nhân ngày 20-11

ngày2011

Nhân ngày 20-11

Đối với người thầy, kiến thức là quan trọng, tất nhiên rồi. Nhưng quan trọng hơn là viết ra (bài giảng) và truyền đạt (giảng dạy trên lớp) sao cho người học hấp thụ được kiến thức đó càng nhiều càng tốt. Và trong nhiều trường hợp, đối với người học, điều đó thậm chí lại là tiêu chí quan trọng để đánh giá một người thầy tốt.

Một trong những điểm mấu chốt để đạt được tiêu chí trên là khả năng của người thầy trong việc nắm bắt được những vấn đề mà người học muốn tìm hiểu, đang rất cần giải thích để hiểu. Từ đó, người thầy cần diễn giải thật mạch lạc khi viết hoặc đi sâu phân tích cho tường minh khi giảng dạy trên lớp.

Nó cũng nôm na như biết người ta ngứa ở đâu để gãi đúng vào đó (trong câu “gãi đúng chỗ ngứa”). Kiến thức nhiều nhưng cứ huyên thuyên không đúng vấn đề mà người học thấy cần tìm hiểu, cũng như cứ gãi khắp người ta, chỉ chừa… nhõn mỗi chỗ ngứa vậy. Trong cuộc sống, hai người đối thoại cũng cần tố chất ấy để đạt đến đẳng cấp “nói với nhau nửa câu đã hiểu”.

Đạt được đẳng cấp ấy, người nói và người nghe được gọi là “hợp cạ”. Hẳn nhiên là chỉ những kẻ thông minh và đặc biệt là phải có (cái gọi là) “duyên khởi”, mới tìm được “cạ” của mình. Mà trong đời một con người, không phải lúc nào cứ muốn tìm là được…

Trí tưởng tượng

Trí tưởng tượng

Người thông minh và có năng khiếu khác với người bình thường ở một điều khá quan trọng là trí tưởng tượng. Người đặc biệt tài năng có trí tưởng tượng phi thường, Jules Verne, Albert Einstein hay Leonardo da Vinci là những thiên tài trong số đó. Họ mô tả những sự vật hay đưa ra những Nguyên lý nhờ trí tưởng tượng của họ mà không cần sự kiểm chứng bằng thực nghiệm. Vì nhiều khi Nguyên lý mà họ đưa ra với thực nghiệm có một khoảng cách không thể lấp đầy hoặc cần rất nhiều thời gian sau đó…

Trong điều kiện bình thường, người có đầu óc tưởng tượng dễ dàng hiểu hay làm được những việc mà người khác chỉ nhận ra khi có kiểm chứng thực tế. Nói cách khác là người không có óc tưởng tượng cực kỳ bảo thủ, họ chỉ biết được điều gì đó khi nó đã xảy ra và không hề chấp nhận một thứ logic nào. Đừng hy vọng họ làm tốt một việc có sẵn, càng không hy vọng họ phát mình ra điều gì bởi điều đó cần phải có đầu óc tưởng tượng.

Hẳn nhiên là họ lại tin tưởng số đông vì coi ý kiến của nhiều người như một sự kiểm chứng. Có biết đâu số đông đó nhiều khi là tập hợp những người thiếu đầu óc tưởng tượng vì họ dễ tìm được tiếng nói chung…