Hướng dẫn

(Giành cho người sử dụng trang WordPress) 
 
Trang WordPress cập nhật Trình soạn thảo Gutenberg mới, phiên bản 5.0. Tuy nhiên, ở phiên bản này, việc soạn thảo khá phiền phức so với phiên bản cũ, còn gọi là kiểu Cổ điển.
Mình đã gặp khó khi đăng bài theo kiểu Khối này và lục tìm các hướng dẫn đưa về phiên bản Cổ điển để đăng bài mà các hướng dẫn đó rất phức tạp. Lại phải cài đặt Plugin, cài xong cũng chả dễ dàng gì làm tiếp. Chưa kể cài đặt vớ vẩn không khéo dính chưởng phần mềm đểu, khiến cho laptop đầy virut.
 
Sau khi mò mẫm, mình đã phát hiện ra một cách hết sức đơn giản, chỉ phải 2-3 lần click chuột là quay về phiên bản Cổ điển để đăng bài dễ dàng như trước. Sau đây là các bước cho những ai đang dùng WordPress, theo các hình sau:
1. Bấm vào Viết bài mới. Sẽ ra trang soạn thảo Gutenberg kiểu khối, rất khó sử dụng.
2. Bấm vào dấu (+) nền xanh trên góc trái hình
3. Xuất hiện các tùy chọn.
4. Bấm vào icon hình bàn phím có chữ Cổ điển. Xuất hiện màn hình soạn thảo kiểu cũ là OK.
 
Bấm vào “Viết bài mới”
 
Đây là trình soạn thảo mới, kiểu Khối, khá khó sử dụng nếu không quen. Bấm vào dấu (+) trong ô xanh, trên, trái để trở về kiểu Cổ điển quen thuộc.
 
Bấm chọn icon hình bàn phím có chữ “Cổ điển”.
 
Đây là trình soạn thảo kiểu Cổ điển, rất dễ thao tác vì đã quen thuộc.
 
 
 

Học và Chơi

Năm 2005 tôi dạy một môn cho lớp chuyển loại kỹ sư ở Trường kỹ thuật Hải Quân Sài Gòn. Lúc đó tôi còn chưa có laptop, phải mượn của một thầy trong trường. Trước đó, tôi đã bắt đầu sử dụng máy tính cho giảng dạy, cái laptop do cậu cả mượn cho. Cũng tầm đó, tôi đã tập chơi chơi blog, bắt đầu là sử dụng Yahoo.360, mạng xã hội thông dụng nhất thời bấy giờ. Sau đó, khi Yahoo.360 chuẩn bị khai tử, tôi tìm ra trang Opera và bắt đầu viết bài bên đó, “lót ổ” sắn, phòng khi phải “chuyển nhà”.

Hồi mới soạn bài trên máy tính, tôi gặp khá nhiều khó khăn, do chưa quen. Laptop thời đó còn hiếm, chủ yếu dùng máy bàn, rất ít giáo viên sử dụng máy tính trong giảng bài nên máy chiếu ở trường cũng chỉ có một vài cái. Dần dần, do sử dụng nhiều nên bắt đầu có kỹ năng. Đặc biệt, chơi blog cũng góp phần nâng cao kỹ năng đó. Nó giúp tôi thành thục trong các giao tiếp trên mạng, cách tìm kiếm tài liệu, cách trình bày bài giảng khoa học hơn.

Chính việc soạn bài, bổ sung bài giảng thường xuyên nên một thời gian dài, ngoài giờ lên lớp, tôi hầu như suốt ngày ngồi máy tính. Cách giải lao tích cực là không soạn bài thì đọc và viết blog. Chính vì thế mà thời gian đó, tôi viết rất nhiều, chỉ viết cho mình, thỉnh thoảng có ai đặt hàng thì viết bài đăng báo. Tôi viết đủ thể loại, kịch bản cho Thiếu nhi (phải có đến hơn 40 kịch bản được sử dụng cho chương trình Thiếu nhi của VTV), truyện ngắn, Tiểu thuyết (viết dở), tạp văn, thơ, bình luận…

Sau này nhiều trang mạng bị khai tử (yahoo.360; YahooPlus. Multipy, Opera) nên tôi bị mất khá nhiều bài, nhưng cho đến nay số bài viết còn lại vẫn tập hợp được trên dưới 1000 trang A4. Nói vậy để biết rằng, tuy chơi blog nhưng chính nó lại giúp tôi rất nhiều trong công việc và mở mang kiến thức. Người ta gọi đó là “chơi mà học, học mà chơi” vậy. Nhiều người ít sử dụng mạng xã hội, kỹ năng viết và trình bày hạn chế, đọc và nhìn bài viết của họ là ta biết ngay. Từ ngày về trang Wordpess, trang của tôi dần có nhiều người xem, ở nhiều nước nhưng chủ yếu họ ở Việt Nam. Biết vậy vì trang WordPress có cái bảng thống kê người đọc (như ảnh chụp màn hình).

1

2

Nói về việc chơi blog, nhiều người chơi theo những “kiểu” khác nhau. Ví dụ cũng có một trang theo phong trào, nhưng ít khi sử dụng nó, đặc biệt là các trang mạng xã hội xưa khá khó sử dụng. Có người ít viết lách bài bản do không thích, kiểu như có người thích đọc sách, có người không vậy. Tôi thì thích đọc và cũng thích viết. Càng viết nhiều càng dễ có cớ để viết, về bất cứ thứ gì. Kinh nghiệm là lâu lâu không viết, viết lại rất khó. Cũng còn tùy cảm hứng nữa.

Các nhà văn lớn nhiều khi cũng gặp tình trạng cảm hứng tự nhiên “lặn” mất, ngồi xuống lại đứng lên, viết rồi lại xóa. Họ có khi rất hoảng vì cứ tưởng thế là toi rồi, nhưng không phải, chỉ là nhất thời mất cảm hứng thôi… Tuy vậy, lâu không viết được gì thì cũng nguy thật. Người ta nói “văn ôn võ luyện” mà. Ông Lê Lựu từng nói đại ý: nhiều khi cầm bút mà trong đầu chả có chữ nào. Cố gắng viết suốt đêm, hôm sau đọc lại phải bỏ tất, vì đó không phải thứ mình muốn viết. Thậm chí có nhà văn không viết được gì suốt một thời gian dài, có cố cũng chỉ ra thứ sản phẩm loại 2, loại 3…

Đó là mở rộng ra chứ như tôi, chơi blog chỉ do thích mà viết, cảm xúc tự tuôn ra… ngòi bút (ý quên, màn hình) vậy, không nhằm mục đích gì lớn, chơi là chính, học chỉ là… “phái sinh”, là sản phầm đi kèm thôi. Vì thế, nhiều khi bắt gặp được ai đó viết kiểu đó, nghĩa là viết chơi, viết cho mình, tôi rất chú ý. Cho đến nay, tôi gặp được chừng 4-5 người viết blog mà mình thấy thích đọc. Họ viết cho riêng mình với lối viết thông minh và có cá tính.

Trang của họ ít người đọc và comment nhưng bài viết rất ấn tượng, tôi thường theo dõi đọc và có thể hình dung ra tính cách của tác giả các bài viết đó. Giờ tổng kết lại, họ thường là các cô gái đã học xong đại học, đã đi làm và… đều chưa chồng, là tôi đoán thế, mà cũng không khó đoán lắm? Họ thường viết về thời sinh viên, về bạn bè, về tình yêu và những trăn trở về tình bạn, tình yêu mà họ đã hay đang trải qua. Tôi không thích đọc những trang blog mà chủ nó nổi tiếng, có nhiều tác phẩm được đăng, rất nhiều người đọc và comment. Có lẽ vì tính riêng tư của các bài viết đó không còn nữa, nó đã bắt đầu có “màu mè” rồi?

Giờ thì tôi phải có vài ví dụ, nếu không bài viết này chán phèo? Có lẽ đầu tiên là ở trang mạng Yahoo.360, tôi tình cờ đọc được các bài viết của một cô gái đang có người yêu. Các cô gái biết viết lách, mà đang yêu hay đã từng yêu, thường viết rất hay. Tất nhiên là họ phải có năng khiếu viết. Họ viết như nhật ký, nhưng nếu tôi đọc được (mà không phải friends) là do họ để ở chế độ public, có lẽ vì biết không nhiều người đọc đến? Tức là, ta đọc được tâm trạng rất thật, biết được suy nghĩ thật của người viết.

Nhiều bài viết rất tâm trạng. Có một bài viết miêu tả chuyến đi chơi kiểu ‘phượt bụi” với người yêu lên một thị xã miền núi. Trời mưa, đi bộ  mệt và chàng cõng nàng đi trong mưa, về nhà cả hai đều bị cảm một trận. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ của họ. Tôi bị lây cảm xúc và từng đề cập đến tình tiết này trong bài thơ về sự “Dại khờ” trong tình yêu:

“Ai đó bảo tình yêu là dại khờ

Lại ai đó bảo rằng không phải vậy

Vậy “Tình yêu dại khờ” là sao?

Không dại khờ là sao?

 Anh dại khờ cõng em đi trong mưa

Thị xã hoang vu miền sơn cước

Mặc lưng em ngấm nước

Lạnh đến thấu xương.

 Em bảo anh không dại khờ

Anh yêu em và tình yêu có lửa

Lửa tình yêu đôi lứa

Cháy mãi trong tim nhau

Em có thấy lạnh gì đâu?”

Một lần khác, ở trang Opera, tôi tình cờ biết được trang của một cô bác sĩ thực tập ở Đại học Y Hà Nội. Nguyên là trang Opera có đặc tính, ai ghé trang mình đều để lại “danh tính”, tức là lưu lại hẳn cái avatar trong mục “khách ghé thăm”. Tôi chỉ việc bấm vào đó là sang trang của cô. Chà, đây là một trang có nhiều bài viết khá hay. Cô viết rất thông minh, sắc sảo và chân thật? Cô kể nhiều về công việc trực bệnh viện, về nghề nghiệp, về bạn học, về cả một “anh Thầy” tỏ tình với cô, nhưng theo kiểu rất… xấc.

Cô trích hẳn một đoạn thoại qua tin nhắn Opera giữa hai người, kiểu như anh Thầy muốn làm quen, nhưng không tế nhị lắm, kiểu bề trên nên cô gái tự ái, từ chối. Có lẽ ai cũng biết, tình yêu trai gái đích thực thì không phân biệt đẳng cấp, ngôi thứ… nhưng anh Thầy kia thì không biết vậy? Đó là một đoạn đối thoại thể hiện cá tính và cả sự thông minh nữa. Còn lại là những đoạn viết về các quan hệ trong gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, về thời sinh viên… Rất riêng tư và có lẽ vì thế nên khá thú vị. Khi Opera khai tử thì tôi không còn biết gì về cô nữa.Cô cũng có Facebook nhưng tôi không biết và theo như cô nói trong các bài viết thì FB chỉ là nơi giao lưu bạn bè thôi, cô chỉ viết bài ở blog Opera.

Ở Opera, tôi còn biết vài ba người nữa có bài viết khá hay. Một cô giáo ở Sài Gòn, kết friends khi đọc bài của tôi và tôi cũng sang trang của cô nên đọc được các bài viết ở đó. Một cô gái là sinh viên năm cuối ở Đà Lạt, có nhiều bài cảm nhận về tình bạn, tình yêu rất thú vị. Một cô gái trẻ khác, cũng là sinh viên, thường hay sang đọc bài của tôi và biết viết truyện ngắn khá hay. Tình cờ sau này, có một anh bạn đọc bài của tôi, rồi kết bạn, hóa ra lại là học viên tại Học viện KTQS, sau tôi hai khóa, và là bố của cô sinh viên kia… Opera chết thì tôi cũng mất liện lạc với họ luôn. Có điều này: friends trên mạng, dường như chỉ có giá trị trong một giai đoạn nào đó, đặc biệt là khi chuyển trang khác thường là “mất” luôn, chỉ còn lại hy hữu một vài trường hợp.

Ở Multiply tôi không đọc được ai khả dĩ hay ho nhưng sang WordPress mãi gần đây tôi mới được đọc mấy bài viết khá thú vị cũng của một cô gái, làm việc ở Sài Gòn. Đã ra trường mấy năm và thường nhớ về thời sinh viên bằng những kỷ niệm ngắn, rất cá tính. Những bài viết theo kiểu riêng tư (nhưng ai cũng có thể đọc) như vậy phản ánh khá chính xác con người tác giả. Vì họ viết cho chính mình, trung thực và giàu cảm xúc. Có lẽ bản chất của con người là luôn muốn biết người khác thực sự đang nghĩ gì, nên nếu ai đó viết hay, sắc sảo thì thích đọc chăng?

Cuối cùng, như tiêu đề bài viết “HỌC VÀ CHƠI”, tôi ghép vào đây bài viết kiểu triết lý, gọi là “Lẩy Nhà tiên tri”, do lấy cảm hứng từ tác phẩm thơ triết lý “Nhà tiên tri” của Kanlil Gibran để kết thúc bài viết này:

Chương…: Về viết blog.

Một blogger tiến lên: “Xin ngài nói về blog”

Nhà tiên tri đáp rằng:

Blog là blog nhưng lại… không chỉ là blog

Nó là con “Đa sắc”, tùy theo mắt mỗi người nhìn nó ra sao.

Máy cắt cỏ trong mắt kẻ tầm thường chỉ dùng cắt cỏ

Trong mắt anh Hai lúa thông minh lanh lẹ,

– lại yêu ruộng đồng như chính sinh mệnh mình-

một ngày kia máy cắt cỏ (vốn chỉ dùng cho nhà giàu làm đẹp vườn hoa cây cảnh, sân gôn…) biến thành máy gặt lúa vô cùng sành điệu, đỡ đần cho người nông dân khi vào vụ gặt.

Với kẻ tự coi mình là giới thượng lưu, chỉ bạn bè với trang viết hạng sang,

blog chỉ là “trò nghịch dại”, nhố nhăng, ảo vọng, hão huyền…

Với kẻ coi học hành là tối thượng, bất chấp sang hèn, thực ảo, miễn là nơi để trau chuốt “đường gươm, mũi kiếm” cho chốn “trường văn, trận bút” thì đâu có sá gì rộng hẹp, gần xa…

Vì khối kẻ “thượng lưu” cả đời ngủ trong nhung lụa há đã bằng một blogger 8X tái bản như điên “Chuyện tình ở New York”, vốn chỉ định viết mà chơi?

Bảo rằng sang thì mồng tơi, cà muối, cá kho… đã đua nhau trở thành đặc sản cho giới thượng lưu ở chốn đô thành.

Bảo rằng bình dân thì ngày nào ở quê mẹ con thằng Bờm chả xơi thứ ấy?

Đó chả phải là triết lý ru?

Bất cứ một việc gì dù nhỏ, sự dụng công há chẳng để lên đầu?

Một bài viết dù ở đâu cũng là tâm huyết của chàng… thợ gõ, có sá chi “miếng đất cắm dùi”?

Vì cây trái khi đã biến thành hàng hóa, thì người xơi nó chỉ cần biết có ngon hay không, há lại còn quan tâm đến nó mọc ở đâu ru?

Vả chăng, dẫu biết nó mọc ở Vườn thượng uyển, mà quả… chua loét thì nào ai dám nhá?

Mới hay mọi sự là ở tự mình

Ở cái tâm và cái tài của mình.

Như con mèo trong câu chuyện ngụ ngôn về tài bắt chuột, đâu có phụ thuộc màu lông?

Mà cho dù là vì màu lông thì có hề chi, chỉ cần rốt cuộc chuột chúng mang về là to hay bé?

Như Chế Lan Viên trong “Sổ tay thơ” của mình đề nghị:

“Đã đến lúc ta cần cân các nhà thơ như cân củ

Xem nhiều hay ít bột

Chứ như đám dây leo nhì nhằng trên cỏ

Nó chỉ bốc hương bốc hơi thôi chứ củ nỗi gì…”

29/11/2016

Trao đổi với Hoàng Tuấn Công

Đôi lời:

Tôi tình cờ đọc được một bài của Hoàng Tuấn Công rồi lạc vô Thư phòng của anh. Đọc tiếp một số bài và thấy thích thú các bài viết đầy nội lực văn chương lẫn kiến thức ở đây. Bài viết này thực ra là để trả lời một cái comment của anh, khi tôi có một ý kiến nho nhỏ cho một bài trong đó (xem link cuối bài). Tôi đăng vào đây như một bài trao đổi khi đọc văn…

Trao đổi với Hoàng Tuấn Công

(Tôi viết HTC chỉ để cho ngắn gọn, không có ý gì khác).

Trước hết xin cảm ơn chủ Thư phòng đã trả lời một cách trọng thị ý kiến của tôi, cho dù sau những hàng chữ có thấy thấp thoáng đôi chút… nộ khí (?). Chính vì thế mà tôi chỉ định bấm một like rồi xin rút lui. Nhưng lại nghĩ: HTC đã chịu chăm chút trả lời mình, làm thế e… thất lễ? Đành xin phép dài dòng một chút, hy vọng chủ Thư phòng hạ hỏa… 

1. Tôi vốn thực thà nên ngay từ đầu đã viết “mới đọc đến đây”, chứ nếu không viết thế mà sửa lại đôi chút, chắc đã không bị chê là hồ đồ (Anh Hùng đọc lướt nên chưa hiểu vấn đề) rồi. Vậy tại sao tôi lại đã comm. khi mới đọc đến đó? Vì thú thực là tôi đã dừng lại ở đoạn so sánh kia, ngẫm nghĩ rồi tặc lưỡi bỏ qua, đọc tiếp. Nhưng rồi hai lần nữa, tôi cứ không tập trung được, lại quay lại đoạn đó rồi quyết định comm đã, như anh thấy. Vậy cái đoạn mà tôi comm, nhất định là tôi đã đọc kỹ, anh phê “đọc lướt” là tôi… bị oan rồi?

2. Tại sao tôi lại nói anh “so sánh có vẻ không ổn”? Có lẽ vì tôi cũng hay sử dụng phép so sánh khi viết, nên khi thấy anh so sánh vậy, cứ thấy… chưa ổn thật, kể cả sau khi anh đã giải thích thêm. Tôi vốn hay đọc và cũng thích viết, nhưng không có tố chất một học giả như anh (điều này thì anh đừng nghi ngờ, vì tôi nói thực lòng), chỉ amater với mục đích quyến rũ “đám thanh niên” chịu khó đọc bài của mình, vì thấy đa phần chúng có vẻ lười đọc?

Nhưng do “lây” anh đôi chút từ khi đọc loạt bài của anh trên TCTP nên lần này tự hứa là sẽ chịu khó phân tích để anh hiểu là tôi không “đọc lướt” (cái đoạn định comm) ấy đâu. Thế này nhé:

– Giả sử gọi A1 là “sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở”; A2 là Sữa. B1 là sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở” của PGS TS Nguyễn Công Lý; B2 là “món ăn dặm”; B3 là cái “Bình sữa”, loại chuyên dụng, có núm vú cao su.

– Ta sẽ lập luận như sau: PGS TS Nguyễn Công Lý (tôi viết tắt NCL cho gọn) viết: “Tài liệu này nhằm cung cấp cho giáo viên Ngữ văn Trung học cơ sở và các em học sinh (…) những kiến thức cơ bản về từ Hán Việt (…) giúp người dạy, người học nắm vững hơn vốn từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6,7 và lớp 8,9…” nghĩa là B1 ra đời chỉ để “phục vụ” A1. Nhân tiện (tôi nhấn mạnh, chỉ là “nhân tiện” thôi nhé) “tài liệu cũng mở rộng, cung cấp thêm một số từ Hán Việt thường gặp mà sách giáo khoa không nêu và cung cấp các từ đồng âm của các yếu tố Hán Việt (nếu có)”.

– Ta sẽ xem, “món ăn dặm” B2 có vai trò tương tự (để so sánh) với “Sữa” A2 không? Rõ ràng, B2 ra đời không phải để phục vụ (hay dễ nghe hơn là “làm rõ những đặc điểm nào đó” trong) A2. Tôi đồng ý với lập luận của HTC là “món ăn dặm” cùng với “Sữa” bổ sung dinh dưỡng cho bé; tương tự B1 song hành cùng A1 mở mang kiến thức cho học sinh. Nhưng đây chỉ là mục đích thứ cấp, sau mức sơ sấp, quyết định sự ra đời của B1, là để giải nghĩa cho A1. Nói vậy vì không cần B1, người ta có thể dùng Từ điển bỏ túi, ít từ nhưng thông dụng để thay thế tốt hơn nhiều, mà không cần đến chức năng thứ cấp của B1.

– Tôi comm vậy vì nếu thay B2 bằng ví dụ khác, có lẽ hay hơn chăng, là giả dụ thôi, như cái “Bình sữa” (B3) chẳng hạn. Lúc đó tương quan so sánh sẽ là: B3 ra đời là chỉ để phục vụ (hay nói dễ nghe hơn là nhằm mục đích cho bé dễ sử dụng tối đa) số A2 trong khẩu phần của bé hơn. Rõ ràng, không có B3 cũng được, bé sẽ uống A2 bằng thìa, nhưng lượng sữa thực nhận của bé sẽ giảm đi do rơi rớt… Tương tự như vậy là khả năng hiểu A1 của học sinh sẽ tốt hơn nếu có B1, nếu không có thì mức độ hiểu sẽ giảm đi… Ngoài ra, B3 cũng có tác dụng thứ cấp là dùng cho bé uống nước, uống thuốc…

Tóm lại, thưa anh HTC, tôi không có ý làm phiền anh khi chưa chịu đọc, hay đọc lướt mà đã ý kiến ý cò. Tôi cứ nghĩ mãi, rồi mới quyết định comm thế đấy ạ.

3. Ở đoạn cuối, anh lại nhắc “Vậy nếu quan tâm tới vấn đề, PNH chịu khó đọc kỹ nhé. Hoặc chí ít cũng phải đọc xong xuôi rồi mới góp ý”. Tôi không tự ái đâu, vì biết anh không những có kiến thức mà rất chững chạc khi trao đổi, thậm chí, tôi từng comm là anh quá “mát tính” khi kỳ khu sửa lỗi chính tả cho GS Lân, mà không mảy may nóng giận. Trong khi nếu là tôi, tôi chỉ làm được thế khi sửa lỗi chính tả cho… trẻ trâu, ý là các em còn ít học thôi. Dù vậy, tôi lại không đồng ý với anh rồi.

Tại sao ư? Giả dụ đang ăn cơm anh mời, tôi bỗng thấy một hạt cơm vàng vàng, khác hẳn những hạt cơm trắng khác, cứ định “ăn bừa” đi, nhưng lại thấy gợn gợn, đành hỏi chủ nhà nó là hột gì, sạn hay thóc, liệu có ăn được không, giả dụ thế. Anh có nỡ trách tôi là mới “ăn lướt” mà đã thắc mắc nọ kia không? Có chân thành khuyên tôi cứ “ăn thật kỹ, hay chí ít là hãy ăn hết bữa rồi hẵng góp ý” không?

Hoặc, tôi cũng thích so sánh: giả sử tôi đi từ A đến Z, trên con đường anh làm, rất đẹp và chất lượng (thực sự là cho đến giờ, đã đọc anh kha khá nên tôi có thể kết luận như vậy). Nhưng mới đến B, tôi thấy một “con lươn” gồ lên rất bất thường, phải phanh lại. Đi qua rồi, mặc dù đường rất đẹp, rất tốt… những tôi cứ băn khoăn, sao lại có một chỗ nhô lên thế nhỉ, bèn quay lại. Nhưng rồi chưa tìm ra nguyên nhân, lại tặc lưỡi bỏ đi, rồi quay lại hai lần nữa thì thấy có vẻ không ổn. Anh bảo, phía trước có cánh rừng, thường mấy con Sóc hay chạy qua đường. Làm “con lươn” vậy để giảm tốc độ xe, để người đi đường chú ý mà tránh, không cán lên lũ Sóc.

Vậy, tôi có ý kiến là làm thế không ổn, nó xấu đường đi. Có thể chăng ngang hay cắm bên cạnh đường một cái biển “Chú ý có Sóc chạy ngang” được chăng? Nghe góp ý vậy, liệu anh có trách tôi mới đi lướt đã ý kiến nọ kia không? Anh có khuyên tôi lần sau hãy đi chậm, đi hết từ A đến Z rồi hãy góp ý không?

4. Xin thú thực với HCT là tôi đã mạn phép anh in vài bài hay hay gửi cho các anh tôi, những người yêu thích văn chương, chữ nghĩa nhưng không có mạng và máy tính, vì họ đã già (70 trên 70 cả rồi). Tôi cũng gửi link bài của anh cho bạn bè tôi, họ cũng đã tuổi ngoài 60… Ai đọc xong họ cũng hít hà, vì anh viết rất tuyệt, văn chương thanh thoát, nghĩa lý thâm sâu. Thậm chí tôi còn thấy tiếc vì bố tôi đã mất lâu rồi (ông vốn giỏi chữ Hán, cũng rất thích đọc sách quốc ngữ) nếu không tôi cũng in cho ông đọc, vì tôi biết ông rất thích đọc kiểu bài anh viết.

5. Từ hôm qua, tôi đã “đọc xong xuôi” rồi, và không nghi ngờ gì, tôi hoàn toàn đồng ý với những phân tích của anh, thậm chí là thấy rất chí lý và vẫn khâm phục khối kiến thức anh có, khả năng lập luận chặt chẽ và phong cách viết chững chạc của anh. Nghĩa là, từ B, tôi thấy cho đến Z, đường rất tốt và phong cảnh rất đẹp. Có lẽ, tôi sẽ lại đi nữa, nếu sau đó con đường của anh vẫn trải dài trước mặt…

Link bài trên trang của Hoàng Tuấn Công:

http://tuancongthuphong.blogspot.com/2014/09/nhung-sai-lam-cua-pgsts-nguyen-cong-ly.html

Chợ Giời Facebook

facebook

Chợ Giời Facebook
(hay là sự biến tướng đáng ngại của một trang mạng xã hội)

Không thể phủ nhận tính phổ cập của Facebook trong đời sống tinh thần của cộng đồng thế giới nhưng cũng phải thừa nhận rằng, Facebook dường như đang dần thoát khỏi (hay được khuyến khích thoát khỏi?) sự kiểm soát bới những người điều hành nó?

Xã hội văn minh có vẻ như chú trọng phân biệt lứa tuổi cho các sản phẩm tinh thần, kiểu như sách, như tin, như phim ảnh… thường chú trọng cảnh báo lứa tuổi nào không nên xem. Thậm chí trong các phim bạo lực phương Tây, bao giờ cũng có một dòng cảnh báo để nếu ai không muốn, biết đường mà tránh, không xem nó.

Trang mạng nổi tiếng Facebook, thoạt kỳ thủy vốn khá lành mạnh và người ta dường như không phải lo ngại gì khi các cháu bé 8-9 tuổi trở lên đã có tài khoản trên đó. Tuy nhiên, nếu để ý thời gian gần đây, trang tiếp xúc chung cho các Friends List (trang Home) đã mỗi ngày một tràn ngập các trang web có nội dung không hề được coi là lành mạnh, nếu không nói là độc hại với người đọc, đặc biệt là với các cháu bé.

Hãy hình dung trang Home này như một cái chợ Giời, trong đó phần cho các thành viên trong Friends List rất khiêm tốn và chen chúc khuất lấp cho các ngõ nhỏ, còn phần quảng cáo cho các trò chơi mập mờ, nhố nhăng, cho các trang web, mà chiếm đa số là các trang cố tình giật tít hoặc cho nổi bật những hình ảnh khêu gợi tính dục (cách nói nhẹ đi của Khiêu dâm) và các tin cướp, hiếp, giết…

Rõ ràng, các thành viên có mặt trong cái chợ Giời này vốn dĩ chiếm đa phần là những người tử tế, các công chức, sinh viên, học sinh, một số các bậc cha chú đáng kính, thêm các thành phần rất đặc biệt là các cháu bé, bỗng nhiên bị lu mờ, lấn át bởi những sản phẩm ô nhiễm chen vai thích cánh ồ ạt lấn lướt. Phần giao lưu của những người tử tế hoàn toàn bị khuất lấp và trở nên yếm thế trước những sự thể hiện quá khích, lộ liễu của các trang web đen, các trò chơi tiềm tàng ẩn họa.

Các trò chơi tưởng như vô thưởng vô phạt như bói toán, đoán xem ai quan tâm đến bạn, ai vào thăm trang của bạn nhiều nhất… Phải thừa nhận những kẻ đứng sau các trò chơi này là các “chuyên gia tâm lý” vốn có thâm niên cao trong Facebook, họ biết rõ các Facebooker muốn biết điều gì. Điều đáng ngai là để chơi các trò đó, bạn buộc phải điền các thông số liên quan đến thông tin cá nhân và thông qua đó, bạn đã vô tình giao trứng cho ác: mật thư của bạn bị lộ và các thông tin liên quan đến bạn bị lợi dụng cho các câu trả lời giả dạng ngây ngô nhưng chứa đựng nhiều phần sự thực lẽ ra chỉ riêng bạn biết.

Đặc biệt, trong một số trường hợp, dựa trên các thông tin ăn cắp đó, kẻ lợi dung các trò chơi có thể xuyên tạc thêm với nhiều ác ý, khiến cho các bạn nghi kỵ lẫn nhau. Nguyên do là những gì trong mật thư chỉ hai người biết và chỉ có giới hạn, nhưng do bị những kẻ đứng sau trò chơi xuyên tạc, kích động, nó đã khiến cho người nọ nghi ngờ người kia, phá hoại không thương tiếc các mối quan hệ của họ. Trò đùa quái ác này tưởng như vô hại nhưng lắm lúc lại gây ra những bi kịch cho những người có tâm lý nhậy cảm, dễ bị tổn thương do bị khủng hoảng niềm tin bạn bè, người thân. Chưa kể đối với các cháu bé non nớt, tác hại là không thể lường hết được…

Cuối cùng, mục đích dạo chơi để giao lưu giữa những người bạn trong Friends List giờ đây đã trở nên nhạt nhòa, vì đầy rẫy các link không hiểu bằng cách nào tràn ngập trang Home cứ dẫn dắt người ta, thay vì đọc của bạn bè, lại vì tò mò mà cứ bị hút vào đó với những tin tức cướp, hiếp, giết và sex… không giới hạn. Những bài viết của bạn bè vốn dĩ đã ít, lại nhạt nhòa khiến cho người đọc mải mê chìm đắm trong các trang web và các trò chơi vô bổ nhưng độc hại kia.

Như người đi dạo chợ Giời thoạt tiên với mục đích thăm các gian trưng bày sản phẩm của bạn bè, nhưng các sản phẩm vốn nghèo nàn lại bị dồn cho khuất lấp trong các ngõ ngách, nên người ta cứ thế vô tình bị hút vào những thứ rác rưởi, độc hại nhưng khoác bên ngoài những thứ màu mè lấp lánh, đến độ quên mất mục đích của mình khi đi, thậm chí là quên cả đường về…

P/S: Người viết bài này vừa ngậm ngùi tạm thời chia tay bạn bè trên Facebook (hy vọng khi quay lại rác đã bớt đi). Viết bài này như một cảnh báo các bạn trẻ và các bậc phụ huynh…


Thank you Hảo khách!

Welcome to Geroi’s blog

Nổi bật

4

(Phạm Ngọc Hùng 2010)

free counter with statisticsTrang này được chuyển nguyên vẹn từ trang Opera sang kèm theo các comments cuối mỗi bài. Tuy nhiên, tác giả những comments đó không cùng sử dụng trang mới nên không thể hiển thị khi bấm vào ava ở mỗi comments. Hiện tại không thể liên lạc lại với họ như khi còn ở trang cũ Opera…

Khi đọc một bài bất kỳ, nếu muốn đọc bài cùng thể loại, hãy bấm chọn “was posted in” hoặc “tagged” ở cuối bài. Thank You!

Ảnh mới nhất 20/1/2024:

(So với ảnh trên, đã qua 14 năm rồi đấy nhỉ?) 😀👍