Về một bài thơ hay.

Mỗi năm một lần, Facebook nhắc lại những bài viết cũ cùng ngày của các năm trước. Năm nào tôi cũng đọc lại và thấy chùm (gọi là) “Thơ vỡ” của Nguyễn Đinh Xuân vẫn hay như ngày nào. Xuân vốn là học viên Khóa 23 khoa Vũ khí, Học viện KTQS, từng học môn Thủy lực Máy Thủy lực tôi dạy nên sau này về Báo Quân Đội Nhân dân, gặp nhau trên Facebook vẫn gọi là thầy. Lần đầu tiên tôi “đánh dấu” cảm tình của mình với chùm “Thơ vỡ” của Đình Xuân bằng bài vịnh vui vui, đặt tên là “Vịnh Thơ vỡ” tặng Xuân.

Lần này thi tôi muốn viết đôi dòng để thử lý giải tại sao (theo tôi) đó là chùm thơ hay. Lâu không giao lưu với Xuân, rồi khi tìm lại được trang FB cá nhân, thấy tác giả chúm thơ dường như ít lên FB? Trên mạng, có người hay lên, có người ít lên, thậm chí có người… “biến mất”, tôi coi đó cũng là chuyện thường, vì ai cũng có lý do riêng của mình. Sáng nay đi bộ, tôi chỉ nghĩ về chuyện: tại sao đó là chùm thơ mình thấy hay. Và bây giờ thì ngồi gõ lại, như một cách… “tẩy rỉ” cho bộ não của mình vậy.

Thơ hay, tôi đã từng viết đôi điều gọi là lý giải theo ý mình. Riêng có những điều, giờ tôi ngộ ra thêm mà trước đó chưa viết. Tuy nhiên, lần này thì tôi thấy lẽ ra đây mới là những lý giải quan trọng nhất? Giờ thì tôi thử sắp xếp lại những suy nghĩ về nó, về những điều phải có để bài thơ được gọi là hay. Tôi muốn nói về ngôn ngữ thơ. Tại sao vậy? Vì chẳng phải là dù Thơ, Văn hay nói chuyện với nhau, vẫn chỉ là ngôn ngữ thôi sao? Giờ còn có ngôn ngữ Thơ? Vâng, chính xác đó là ngôn ngữ Thơ. Để tôi từ từ diễn giải ý của mình ra vậy.

Thế này nhé. Để viết ra Văn, Thơ hay chuyện trò, ta đều dùng ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ viết hay nói thì cũng vậy. Nhưng để thành thơ thì ngôn ngữ nhiều khi không “trực chỉ”- tạm gọi thế- khi tác giả muốn nói lên điều gì đó. Để có Thơ hay, ngôn ngữ càng xa dần tính “trực chỉ” đó. Tạm hiểu thế này, ngôn ngữ “trực chỉ” khi viết, gần với ngôn ngữ khi nói chuyện. Ta lập tức hiểu ra điều mà người viết hay người nói muốn thể hiện điều gì đó. Nhưng ngôn ngữ Thơ, nó nặng về ám chỉ hay đúng hơn là nó khơi gợi cho người đọc về một thứ tình cảm ẩn giấu nào đó mà người viết đang muốn nhắm đến.

Thơ hay là khi ngôn ngữ ám chỉ này của tác giả đánh thức được thứ tình cảm trong người đọc in hệt như của mình. Điều đặc biệt là người ta (bao gồm cà những nhà thơ có ít nhiều những bài thơ hay) ít khi sở hữu được cho mình những “ngôn ngữ thơ đặc biệt” ấy trong bài thơ của mình.. Vì vậy, đa phần chỉ viết ra được những bài thơ bình thường, tác giả và người đọc, đọc rồi quên đi. Không như những bài thơ kia, đọc lên thấy rung động thấu tận tâm can, không chỉ một lần, mà mỗi khi đọc lại…

Có nhiều ví dụ về những bài thơ có ngôn ngữ thơ đặc biệt, như bài “Không đề gửi mùa Đông”, cũng tức là bài “Nỗi nhớ mùa Đông” của nữ sĩ Thảo Phương, sau này nhạc sĩ Phú Quang dựa vào đó có bài hát “Nỗi nhớ mùa Đông” rất hay. Ngôn ngữ Thơ trong bài thơ và do đó trong bài hát của tác giả đã kích hoạt tâm trạng của người nghe gần như cùng tần số, khiến cho nó ám ảnh mãi khi ta đọc thơ hay nghe bài hát.

Để tôi nói rõ về khái niệm “ngôn ngữ thơ” tôi tự đặt ra, qua ví dụ về bài thơ này. Chẳng hạn như bắt đầu là “”Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi”. Đó là ngôn ngữ Thơ. Bởi nếu không, sẽ nôm na là: Mùa Thu đã qua rồi. Mùa Đông đang ngoài cửa. Lá vàng cuối cùng cũng rụng nốt. Cảm giác như ai đó đã bỏ ta mà đi vậy. Ngôn ngữ thơ đã đánh thức nỗi nhớ của bất cứ ai có tâm trạng ấy: Xa miền Bắc, nghe một tiếng gió ngoài cửa, nhìn một chiếc lá rụng… cũng nhớ đến quay quắt mùa Đông.

Hay tiếp theo: “Nằm nghe xôn xao tiếng đời/ Mà ngỡ ai đó nói cười/ Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy/ Giờ đây cũng bỏ ta đi”. Bình thường, không ai nói “Xôn xao tiếng đời” và sao tự nhiên lại xuất hiện “Cánh buồm xưa ấy” để mà nhớ? Đó là thứ ngôn ngữ đặc biệt đột nhiên cựa quậy xuất hiện, giúp nhà thơ viết ra diễn tả nỗi lòng mình và chính nó đã chạm đến nỗi lòng của người đọc nữa. Cánh buồm cô đơn trên biển mù xa là hình tượng, nó góp phần miêu tả nỗi lòng tác giả và tác động cả đến người đọc, nó là ngôn ngữ Thơ đấy.

Còn nhiều nữa. Nhưng trên kia, tôi nhắc đến chùm “Thơ vỡ” của Nguyễn Đình Xuân và khen hay. Giờ tôi dành một chút để lý giải cái hay của nó, theo tôi. Ví dụ:

THÌ THẦM ĐÊM
Cả tiếng lá cũng xơ xác đợi em
Những mắt đèn quầng lên trong im lặng
Em gần đấy mà một người trống vắng
Phố chung mơ day dứt sự chia phôi.

Đây rõ ràng là ngôn ngữ thơ, nó gợi sự liên tưởng chứ không “trực chỉ”: “Tiếng lá” chỉ tiếng động và “xơ xác” chỉ hình ảnh. Nhưng khi viết “Cả tiếng lá cũng xơ xác đợi em” thì ta hiểu tâm trạng của của chàng trai khi bị cô gái bỏ rơi. Nguyễn Du viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” chính là vận vào trường hợp này. Chàng trai thất tình cho rằng tiếng lá cũng não nề, xơ xác như tâm trạng mình? Tương tự vậy, chàng ta cũng cho rằng, đèn phố cũng quầng thâm thiếu ngủ, đến con phố cũng day dứt như tâm trạng mình? Đó là ngôn ngữ Thơ, ngôn ngữ hình tượng, ngôn ngữ gợi sự liên tưởng…

Con đường xưa em đã đi với ai
Gió không thổi thì thầm bên tai nữa
Nỗi nhớ nén trong khuông lòng đóng cửa
Để riêng đêm lại mở ngắm hình hài.

Đây lại là sự giãi bày. Giãi bày tâm trạng mình. Nối nhớ nén lại, chỉ mở ra khi đêm về vì những đêm hai người đi bên nhau trước kia đã khắc sâu vào tâm khảm, giờ thì chỉ còn lại một người thôi. Không còn tiếng thì thầm bên tai và người ấy thì đã đi cùng ai trên lối cũ?… Còn nhiều nữa, cả ở những bài khác trong chùm thơ nhưng tôi tạm dừng lại… Vì bài đã dài và quan trọng là tôi đã nói được phần nào ý mình.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, cả một bài thơ, không nhất thiết phải nén chặt những ngôn ngữ thơ. Một phần vì nó là thứ của hiếm ông Giời thảng hoặc mới ban một chút cho ai đó biết nắm bắt tức thời và thi triển nó ra. Huống chi là của hiếm không nên thừa thãi? Phần khác nó chỉ cần đủ liều lượng cho một bài thơ hay. Tất nhiên, người thực sự tài năng thì đủ sức phân phối để ngôn ngữ thơ kết tinh thành một tuyệt phẩm để đời. Truyện Kiều là một trong số những tuyệt phẩm như vậy.

Cuối cùng, chắc chả ai cự nự chuyện tôi đưa thứ “của nhà giồng được” vào đây làm ví dụ?😜 Đây là ngôn ngữ thơ trong một bài thơ của chính mình:

THU HÀ NỘI.

Hồ Gươm mờ trong sương chiều
Dập dìu người đi dạo phố
Lá vàng rơi trên lối nhỏ
Chuông chiều rơi trong thinh không…

Người về nhớ mùa Thu không?
Hà Nội Thu vàng mấy độ
“Bữa ấy có người qua ngõ
Sau lưng thềm lá rơi đầy…”

Đọc trên Facebook:

Đọc lên, ta thấy được tâm trạng của mình trước mùa Thu nao nao đã dần qua. Và “Người về” tuy không chỉ rõ là ai nhưng thực ra là chỉ bất cứ ai khi bắt gặp mùa Thu ấy, khi nhớ về “ai đó” có thực hay tưởng tượng ra, như đã từng lưu dấu trong tâm tưởng của mình…

PNH: 19-11-2021

Sinh viên năm ba Phạm Anh Minh

Thế là lại qua một mùa hè tại Hà Nội với ông bà và Chitbon Phạm Anh Minh chính thức trở thành sinh viên năm 3 qua hơn 2 tháng rồi. Chỉ khác với hè năm nhất, năm hai, hè năm ba vì Covid nên gặp khá nhiều trục trặc trong kế hoạch nghỉ hè của chú. Bố mẹ đặt vé 15/5 cùng Chitbon ra Hà Nội chơi rồi vào trước, để Chitbon nghỉ hè với ông bà đến 15/8 thì về lại Sài Gòn chuẩn bị vào học năm 3.

Không ngờ, dịp nghỉ lễ 30/4—1/5, nhiều địa phương như Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Sài Gòn bùng nổ đợt dịch Covid khủng khiếp. Mọi chuyến bay đều bị hủy và kế hoạch đi Hà Nội của cả nhà Chitbon bị phá sản. May là đến 15/6, qua chỉ thị 16 (cấm mọi đi lại), sang chỉ thị 15 (cho phép đi lại hạn chế), Chitbon được bố tranh thủ đưa lên máy bay ra Nội Bài rồi ông lên đón trót lọt về Hà Nội. Bố quay vào ngay chuyến tiếp theo trong ngày, tránh bị cách ly 2 tuần như quy định hồi đó.

Bắt đầu từ đó, tình hình dịch Covid của Sài Gòn từng ngày, từng giờ chuyển nặng, cao điểm là phong tỏa toàn bộ thành phố liền trong mấy tháng. Ca nhiễm và tử vong ở Sài Gòn hàng ngày tăng chóng mặt. Bố mẹ Chitbon bị tự nhốt trong nhà nhiều ngày liền, chỉ ra ngoài theo phiếu một tháng vài ba lần mua đồ ăn, như toàn bộ dân Thành phố thời gian đó. Sau này nhiều năm nữa, Chitbon có dịp hồi tưởng lại giai đoạn đặc biệt này qua Google. Riêng ở Hà Nội thì Chitbon vẫn có một kỳ nghỉ hè không đến nỗi nào: vẫn đi lại vận động trong 4 tầng nhà; cầu lông với bà; đá bóng với ông; sau đó thêm một vài ông bạn cùng lứa nữa.

Điều đặc biệt duy nhất là kỳ nghỉ hè của Chitbon thay vì 3 tháng như dự định, từ 15/5 đến 15/8/2021, phải lùi 1 tháng đến 15/6, theo đúng lịch là chỉ còn 2 tháng. Nhưng lại kéo dài đến tận… 5/11, nghĩa là 4 tháng 20 ngày, bao gồm cả hai tháng phải học online ở Hà Nội!!! Và cái ngày mà Chitbon tạm biệt Hà Nội cũng gay cấn y chang ngày chú tạm biệt Sài Gòn trước đó: Nghĩa là bố chú lên máy bay (mới được phép bay tuyến Sài Gòn-Hà Nội) ra Nội Bài chờ, ông bà đưa chú lên rồi theo bố đi chuyến tiếp theo về Sài Gòn! Những tình huống này, chép lại đây để sau này khi dịch dã qua đi Chitbon có dịp ôn lại như một “khúc quanh” đặc biệt trong thời thơ ấu của mình?

Lại nói sau khi thoát ra Hà Nội trót lọt, tuy không nóng bỏng  tang thương như Sài Gòn, Chitbon cũng trải qua những tháng ngày gian khó ở Hà Nội: chỉ được đi bộ ra hồ với ông chừng mươi hôm thì Hà Nội áp dụng chỉ thị 16, vậy là đành phải ở nhà. Ông thì vẫn nhúc nhắc ra ngõ phố mỗi sáng sớm vừa đi bộ hạn chế, vừa để mắt theo dõi Công an, dân phòng… kết hợp đi chợ mua thức ăn. Những ngày đó, Chitbon cùng bà lên sân thượng chơi cầu lông, tập thể dục…

Với trẻ con thì được vận động 4 tầng nhà như vậy là ổn. Thậm chí vận động nhiều, mỗi ngày chú bé còn tắm thay quần áo đến 4-5 bộ, (may quần áo là do bà thu nhỏ từ quần áo của ông, hai ông cháu cả mùa hè như xài đồ bộ quần đùi áo 3 lỗ!!!), hễ mồ hôi mồ kê nhễ nhại là lại tuột quần áo vô xả nước tắm.  Trong khi nếu ở Sài Gòn thời gian đó chú cũng “bị giam lỏng” cùng bố mẹ trong 4 bức tường chung cư hơn sáu mươi mét vuông, có giai đoạn còn không được cả ra hành lang?

Tuy nhiên, với một chú bé tràn đầy năng lượng như Chitbon, chơi như thế dường như chưa đủ vì không thể thay thế cho việc ra ngoài như ở trạng thái bình thường. Nhiều lúc nhảy nhô chán, chú bé lại tìm đến TV, điện thoại và ipad, đặc biệt là sau này phải học online, không tránh những tác hại của mấy thứ đồ điện tử này. Nhiều nội dung treenn Youtube rất nhảm nhí mà phải kiểm soát rất gắt gao mới nhắc nhở chú bé được. Vậy là ông phải học chơi Beyblade, thứ con quay xuất xứ từ Nhật mà chú bé vẫn chơi với bạn trong Sài Gòn (xem clip). Bà phải học chơi cờ vua (Xem clip) để chia nhau “đối phó” , nhằm giảm bớt thời gian tiếp xúc mấy đồ điện tử của chú bé.

Đặc biệt, sau độ một tháng ra Hà Nội thì ông bà thỏa thuận được với Chitbon là bỏ hẳn game, đó là hai game mà chú vẫn được chơi hạn chế hồi ở Sài Gòn là Xe tăng và Minecraft. Ông bà nhận thấy dù hạn chế tuần 1 lần thì sau khi chơi chú bé có trạng thái tinh thần không tốt: mất tập trung, hay cáu bẳn và xuất hiện những hành vi tiêu cực. Điều này phải là thật gần gũi theo dõi mới nhận ra và đó chính là điều ông bà thấy đáng lo ngại trong khi thậm chí là bố chú bé cũng không nhận ra và cho rằng kiểm soát chơi ít không sao, không nên cấm tiệt.

Về điều này, do thấy bố chú bé quan niệm như vậy, nhưng là người gần gũi theo dõi tâm lý bé sau khi chơi game, cộng thêm những cảnh báo phổ biến trên báo chí, ông bà đã quyết định thỏa thuận và may thay là Chitbon  đồng ý bỏ game. Cho đến nay, chú bé đã vài tháng không động vào hai game kia nữa. Hy vọng về Sài Gòn chú bé cũng không dính vào nữa, dứt hẳn vĩnh viễn? Vì suy cho cùng, mọi ca nghiện game đều có xuất phát điểm là hạn chế và được kiểm soát? Nhưng những thứ gây nghiện, bao gồm game đều không khó khăn để thoát khỏi tầm kiểm soát của nhạn nhân.

Quay lại tình hình dịch dã. Dần dần, có lẽ là căng thẳng mãi cũng… chán (?), dân tình đã bắt đầu nhúc nhắc: xe đạp đèo mấy bó rau trên con đường vắng đi bán dạo, nét mặt tỉnh bơ như đi đâu về, không dám ra mặt bán, sợ bị bắt. Hàng thịt thì cho người “bắt hình dong”: ai có vẻ muốn mua thì dẫn vào ngõ sâu có người nhà nấp kín một chỗ bán cho. Hàng thịt quen của mình không được mở bán, chỉ buổi tối nhắn tin đặt hàng, sáng sớm ông chồng xin được giấy phép “hàng thiết yếu” mang từng bọc nhỏ người ta đặt trước, đưa đến điểm bán cũ, ai mua thì ra lấy…

Cá biệt xuất hiện một số hộ không biết bằng cách nào, được phép mở quầy sâu sâu một chút trong ngõ, bán rau thịt. Nhưng người mua chỉ được đứng xa xa gọi, hàng rau thịt cho người mang đến đưa tận tay. May được miếng ngon, còn chủ yếu là hàng thứ phẩm, so với khi được chọn mua, mà giá đã đắt thêm khá nhiều. Xen vào trạng thái đấy là mấy chú Công an hay dân phòng luôn miệng đe nẹt, không giống lo cho dân mà giống ra oai lấy le cho mình? Dân tình dạo đó sợ CA, dân phòng, vì quả thực là (một số ít?)  họ cũng hống hách và quyền uy như chuyện về ác ôn thời Ngụy?

Dù vậy. chú Sinh viên năm 3 đã phải trải qua một mùa hè có thể gọi là bất như ý: thay vì được cùng ông bà đi khách sạn 5 sao như dự kiến, đành quanh quẩn “Vinpearl Hào Nam”, từ tầng 1 lên tầng 4 chơi với bà, hết cầu lông, lại Yoga, sau này là cờ vua… Ít lâu sau, phát hiện trước cổng chùa Thanh Nhàn có cái sân khá vắng người, liền mang bóng rổ, rồi bóng đá ra chơi. Dần dần, chiều nào cũng ra đá bóng rồi quen với mấy chú bé trạc tuổi mình. Từ đó, đá bóng mỗi chiều là niềm vui của Chitbon. Tuy vậy, ông bà cũng thay nhau ra trông, thêm nhiệm vụ làm trọng tài hòa giải các tranh chấp giữa các cầu thủ nhí, vốn xảy ra thường xuyên và không ai chịu ai…

Một chiều, Chitbon lại quần đùi áo 3 lỗ chạy ra đá bóng, chú sốt ruột nên ra trước, không đợi ông bà như mọi khi. Chừng 20-30 phút, bà nhắc ông ra trông chừng. Gần tới sân chùa, đã thấy chú Sinh viên năm ba sụt sịt mếu máo, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi đang từ sân chùa thất thểu đi ra. Giật mình, hỏi thì chú vừa nấc vừa sụt sịt: thế này thì làm sao mà cười được nữa, hờ hờ… Ông đến gần, chú bé nhe răng: gẫy răng rồi ông ơi, sứt răng… Thoạt tiên là ông cũng hoảng: răng cửa bị mẻ một góc, mặt mũi nhem nhuốc, tèm lem nước mắt nước mũi. Chú kể bị chèn ngã sứt răng rồi, làm sao mà cười được nữa. Khổ, không kêu đau, chỉ lo sứt răng khi cười bị chế nhạo như trên lớp có đứa từng bị…

Ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, trấn an cho chú: Ok không sao, về tắm rửa ông đưa đi hàn, lại đẹp ngay. Tuy nói vậy nhưng không hề nghĩ lại có thể hàn một cái răng cửa bé tý  bị mẻ một góc như kia? Làm sao có thể lại ăn uống, cắn như cũ được cơ chứ? Về nhà gọi ngay cho nữ bác sĩ Lê Yến, một thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II ngành răng, Thượng tá quân đội, quân y viện 108. Nguyên là từ cách đây hơn chục năm, vốn là sĩ quan cao cấp, giảng viên tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, tôi vẫn thường khám bệnh ở  Vện Quân y 108. Do nhiều lần vào xử lý các loại răng vốn rất cà mèng của mình ở khoa răng, tôi quyết định chọn cô Bác sĩ lúc đó còn trẻ, mới chỉ mang quân hàm cấp úy nhưng làm răng rất có nghề này. Sau này, để tránh đi xa đến Viện 108, tôi vẫn thường đến phòng khám riêng của cô cho đến khi về hưu và thành khách chung thân của cô về răng cho đến nay.

Quay lại chú Chitbon. Trước đó chú bị lung lay một răng hàm, đã hẹn BS Yến và may mắn là chiều hôm Chitbon gãy răng lại tình cờ nhằm đúng lịch hẹn gặp cô để nhổ. Sau khi nghe kể, xem ảnh chụp răng bị mẻ của Chitbon gửi qua Zalo, BS Yến nói ngắn gọn: hàn đẹp chú nhé. Tôi thở phào nhẹ nhõm, cả bà và Chitbon đã hết lo lắng. Về chuyện răng miệng của con cháu, nhân tiện tôi dừng lại đây một tẹo. Hai cậu con trai tôi hồi bé chừng 5-7 tuổi, hễ chơi tận đẩu tận đâu nhưng khi phát hiện răng bị lung lay là chạy bạt mạng về nhà lấy sẵn kìm nhọn loại bé đưa tận tay cho bố nhổ.

Nhớ lại mà buồn cười với hai chú bé và cũng thấy mình đáng tự hào? Mình phải thế nào hai đứa bé mới không hề sợ, còn tin tưởng cho nhổ răng chứ? Mặt mũi tỉnh bơ, nếu không nói là hớn hở khi hai đứa có răng lung lay cứ nhe răng cho bố nhổ mà chả hề sợ hãi gì. Nói thêm là bộ kìm nhỏ này là do bà xã hồi đi Liên xô sắm về. Đến thời cháu, chú Chitbon từng nghe kể chuyện bố và bác hồi bé, cũng yên tâm khi nhe răng cho ông nhổ mỗi khi có răng lung lay. Tuy nhiên chỉ là răng cửa, răng hàm thì ông quyết định nhờ BS quen, cho yên tâm.

Như đã kể trong bài viết “Sự cố”, hôm đó chỉ chừng một tiếng sau, BS Yến đã xử lý ngon nghẻ cái răng mẻ,còn đánh sạch các vết đen bám mặt răng và nhổ răng hàm lung lay, một lúc ba việc hoàn hảo luôn. Hai ông cháu vui vẻ ra về. Lúc này ông mới dám chụp ảnh răng gẫy, vẻ mặt mếu máo và kèm theo ảnh “thành phẩm” hàm răng sau khi xử lý xong cho bố mẹ chú bé. Không ai ngờ được là cái răng cửa mỏng mảnh bị sứt kia lại được hàn hoàn hảo như vậy. Quả là kỹ thuật nha khoa đã tiến bộ ghê gớm, cộng thêm tái năng của vị BS, thạc sĩ chuyên khoa II ngành răng, thượng tá Lê Yến nữa.

Những ngày nghỉ hè rồi cũng qua đi, mà dịch Covid chẳng hề giảm nhiều. Chú Sinh viên năm 3 đành chuẩn bị vào năm học mới tại Hà Nội bằng hình thức online. Cần nhớ là sách vở đồ dùng học tập cho năm lớp 3 chú bé đã được bố mẹ chuẩn bị sẵn, nhưng lại để ở nhà… Sài Gòn. Mà đầu tháng 9 là cả nước đều bị phong tỏa, các cửa hàng không được mở cửa, không ai được đi ra đường và do đó không thể mua sách vở cho năm học mới.

May sao, đúng dịp có thể “nhúc nhắc” trong việc bán sách và đồ dùng học tập cho trẻ em, tôi lên mạng tra ra số điện thoại cửa hàng sách Giáo dục ở Giảng võ. Cô gái nhân viên cho số Zalo và tôi lên Google tra ra bộ sách cần cho học sinh lớp 3 rồi nhờ cô chọn sẵn. Hôm sau hẹn giờ ra thì thấy cửa cuốn mở hé, nói tên thì cô tuồn tập sách ra, nhận tiền, làm hóa đơn là xong. Thật là, có cái thời đặc biệt: mua sách cho trẻ em học mà quá mua hàng cấm?

Vậy là ông lại phải gánh thêm nhiệm vụ chuẩn bị phương tiện cho Sinh viên năm 3 Phạm Anh Minh học online ở Hà Nội, trường học của chú là Tiểu học Trần Hưng Đạo tại Q1, Tp Hồ Chí Minh. Cần nói thêm về trục trặc giáo viên chủ nhiệm lớp 3-1tiểu học Trần Hưng Đạo của chú bé. Sau khi phân công một thầy mới làm giáo viên chủ nhiệm, họp phụ huynh làm công tác chuẩn bị đâu vào đó xong thì hôm sau có thông báo thầy chủ nhiệm đã xin chuyển đi nơi khác. Vậy là mọi chuyện lại về… Mo.

Dạo đó, Sài Gòn trải qua mấy tháng tang thương, giáo viên thiếu, nhiều em bé bị mồ côi cha hoặc mẹ nên các trường học gặp nhiều khó khăn. Lớp 3-1 không có GV chủ nhiệm, đành tách thành 5 nhóm ghép vào 5 lớp 3 khác. Chitbon cùng chừng 10 bạn khác của lớp 3-1 được ghép vào lớp 3-5. Lại thay đổi sách giáo khoa tiếng Anh, vì mỗi cô tự chọn sách tiếng Anh cho lớp mình phụ trách. Mà sách tiếng Anh lớp 3 vốn là của nhà xuất bản Đại học sư phạm Tp Hồ Chí Minh, chỉ xuất bản trong Sài Gòn, khá hiếm. Riêng tìm cho chú bộ sách ông cũng phải trổ hết tài vặt, sau đó khi có GV chủ nhiệm mới, quay về lớp 3-1, ông lại một phen lên mạng lục tìm bộ sách tiếng Anh mới, với đủ mọi khó khăn như thế.

Vào học, do đã từng nhiều năm sử dụng laptop dạy học cho sinh viên, việc lo cho Chitbon học online không coi là quá khó. Nhưng giai đoạn đầu cũng lắm phen phiền phức. Dô chưa ổn định nên TKB lớp học thay đổi liên tục. Lớp chính khóa đã vậy, còn tuần thêm mấy buổi học online tiếng Anh Apolo nữa. Thêm chú bé lại tò mò và nhanh nhạy, cứ hở ra là sục vào các loại cài đặt trong laptop nên cũng gây ra không ít lỗi phải xử lý. Mấy năm dùng máy không sao, riêng đợt học online vài tháng của chú, ông đã phải 3-4 lần mang máy ra hiệu để xử lý lỗi này lỗi kia, thay nọ thay kia…

Hàng ngày, tầm 6 giờ sáng, Chitbon theo ông đi bộ ra hồ, lúc này đã hết phong tỏa. Về nhà ăn sáng tắm táp xong thì ông chuẩn bị laptop, Chitbon tranh thủ xem TV về trò chơi Beyblade. Tám giờ kém thì chú bé đã ngồi sẵn sàng chờ giờ học của cô giáo lớp 3-1 trong trạng thái mát mẻ và tỉnh táo. Hết buổi học tầm 10g sáng,  nghỉ một lát thì tranh thủ làm bài tập trong trang Olm.vn, một trang web của cô cho học sinh làm bài tập, chấm điểm trực tuyến, mục đích để buổi chiều nghỉ chơi cho thoải mái. Các chiều T3-T5 thì Chitbon học Apolo online từ Sài Gòn.,,

Vài tháng sau thì mọi chuyện OK, chú bé đã học thành nếp nên mọi việc đã trở nên nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình kèm chú bé học, ông cũng phát hiện ra là cho dù ông bà có yêu quý cháu, có thể lo cho bé học, nhưng về lâu dài, bé vẫn phải được bố mẹ kèm cặp và phải được sống hàng ngày cạnh bố mẹ. Bé ở với ông bà chỉ chơi vài tháng hè thôi, ở lâu dài để ông bà kèm cháu học hành chỉ là giải pháp tình thế. Sự phát triển của bé phải được chính bố mẹ kèm cặp. Do vậy, khi việc di chuyển bằng máy bay được mở cửa, mặc dù nhớ cháu, ông bà vẫn đành để Chitbon về lại Sài Gòn.

Qua gần năm tháng bên cháu, ông bà thấy một chú bé đã khôn lớn lên nhiều lắm, hết sức tình cảm và có tâm hồn nhân hậu. Bé đã biết cư xử sao cho ông bà thấy hài lòng và yêu quý mình, với một bản năng hết sức trong trẻo và đáng yêu. Ngoài ra, bé cũng cư xử với người lạ đầy tính nhân hậu như ông trời phú cho nét tính cách ấy: dù là người bán tăm dạo, người khuyết tật ngoài đường… hễ bắt gặp là cháu đều xin ông bà cho tiền hay mua hàng cho họ. Tuy mải chơi nhưng Chitbon biết quan tâm đến ông bà, hỏi han giúp bà những việc lặt vặt hàng ngày. Quanh quẩn bên cạnh những lúc bà làm việc dọn dẹp một mình cho bà vui. Những ngày hết giãn cách, chiều chiều, ông bà lại cho Chitbon dạo phố phường Hà Nội, mua đồ chơi, hay đi thăm Hồ Gươm. Chú bé luôn mang lại niềm vui cho ông bà… Viết đến đây lại thấy xúc động khi nghĩ về cháu.

Giờ thì chú Sinh viên năm 3 đã ổn đinh việc hàng ngày học hành bên bố mẹ. Cứ đến giờ là ông lại biết chú đã ngồi vào bàn học tiết gì, giờ nào giải lao, giờ nào học Apolo, giờ nào đi chơi với bạn… Hy vọng tết này hết Covid để chú theo bố mẹ ra Hà Nội với ông bà. Nhưng với tình hình này, Covid đang rất căng mà chỉ còn 2-3 tháng nữa là Tết thì e là lại lỡ hẹn? Như cái hẹn của ông với lớp CN khóa 11, lên kế hoạch từ ba tháng trước mà nay đã qua tròn 5 tháng rồi vẫn không thực hiện được. Có lẽ phải dời cái hẹn đến hè sang năm, chú Chitbon lại ra Hà Nội với ông bà và mong là đừng để cho Covid kéo dài một cái hè nữa, trước khi chú bé trở thành Sinh viên năm tư…

Baif trên Facebook