Bàn về “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp

thiep
Phi lộ: (6 năm rồi nên được “Giải mật” cu Phong nhé. Hehe… ) Một lần, khi cháu Phong- con trai áp út bác Huyên- học quay phim ở một trường ĐH, nhận được đề văn, gọi điện nhờ chú Hùng viết hộ. Lúc này, cu cậu đã đi làm ở VTV nên bận. Lâu không thấy đưa đề bài. Nhắc nó, nó comment lại: “He he..mấy hôm nay bận bù đầu nên làm cái gì cũng quên, cụ trưởng thôn thông cảm, đề bài là:
“Nêu cảm nghĩ của mình về nhân vật Quang Trung trong “Phẩm tiết”.
Gợi Ý: Con người đời thường của vua Quang Trung trong tác phẩm”.
Tôi vốn quen viết bài theo đơn đặt hàng của một vài nhà báo, lập tức một mạch viết ra cái… thứ này, gửi cho cu cháu. Sau đó cũng quên, không hỏi cháu Phong có dùng không. Nay đọc lại thấy thú vị bèn lưu lại cho đám cháu chắt nội, nhỡ một ngày nó lục “tàng thư” của ông, cụ nội nó… Hihi…
Bài làm:
Thời bây giờ (khi viết bài này, năm 2012), đem truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (sau đây tôi xin được viết gọn là NHT) ra “com-măng” (bình luận – tiếng… bồi) thì có thể gọi là “Đem chuyện trăm năm giở lại bàn” (là nói về thế kỷ: TK 20 sang TK 21) rồi. Còn chi li ra mà tính năm, thì cũng gọi là “Đem chuyện… lâu năm giở lại bàn” vậy!
Do có độ chênh về thời gian, tức là vênh về rất nhiều lĩnh vực khác: kinh tế, chính trj, xã hội… đặc biệt là về nhận thức giá trị tinh thần, vật chất…, việc bàn về ai đó và tác phẩm của họ (đặc biệt là của NHT) có thể gây ra đôi chút phiền toái, hoặc chí ít là… cụt hứng (?) cho người tham gia.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh được điều đó, khi không thể không bàn, bằng những “quy ước” sau:
– Tạm thời gạt bỏ định kiến về các nhân vật trong một truyện cụ thể nào đó của NHT.
– Coi như chúng ta đã đủ trình độ nhận thức để không bị truyện của NHT… “đầu độc” (như một số nhà phê bình chuyên nghiệp lo vậy!)
– Hoàn toàn cảm tính, không để vướng bận toan tính gì, nhằm có được cảm nhận thực sự của mình về câu chuyện, về nhân vật trong truyện ngắn NHT.
Với tinh thần đó tôi xin bắt đầu những cảm nghĩ của mình về truyện ngắn NHT, về “Phẩm tiết” và về riêng con người đời thường của Quang Trung trong tác phẩm rất độc đáo này.
Nguyễn Huy Thiệp, vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, là một cây bút truyện ngắn làm lu mờ các cây bút truyện ngắn đương thời.
Lần giở lại báo chí thời đó, từ những tờ đặc thù như Quân đội nhân dân, Nhân dân, Hà Nội mới… đến các báo địa phương như Cánh én (Nha trang), Tạp chí Sông Hương (Huế)… đặc biệt là tờ báo văn học rất uy tín và được nhiều bạn đọc yêu văn chương mến mộ là Văn nghệ, hầu như đều có đăng truyện ngắn NHT hàng tuần, thậm chí là hàng… ngày, vì bút lực của NHT hồi đó rất mạnh!
Người ta dường như quên đi các cây bút truyện ngắn khác, có lẽ bởi như người được ăn một bát phở ngon của hàng “Thìn” chẳng hạn, lại có rất đông người cảm nhận như mình, lại cùng chen chúc nhau vào phở “Thìn”, hẳn nhiên là người ta không còn hứng thú với hàng phở nào đó khác, chỉ đơn giản vì nó… không “Thìn”. Có thể, phở ở đó cũng ăn được, nhưng chỉ là khi người ta chưa ăn phở “Thìn”. Đại loại thế.
Vậy truyện ngắn NHT có gì?
Trước tiên là nó khác hẳn với các “tay” bút truyện ngắn cùng thời: sắc sảo hơn, hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn… Một chút triết lý, một chút đời thường, một chút dung tục… Ngôn ngữ giản dị, bóc trần (hay lột truồng?), gọi đúng ngay tên sự vật, hiện tượng… Lối kể chuyện ngắn gọn, thông minh, dí dỏm…
Đặc biệt, bao giờ câu chuyện cũng kết thúc khá đặc sắc và để lại cho người đọc điều gì đó để suy ngẫm. Đây là thế mạnh, cũng là tử huyệt của truyện ngắn NHT: Nó khiến cho người đọc vị nể một tác giả thâm sâu trong cấu tứ, trong ẩn ức, ước lệ: đọc rồi, đừng nói chuyện “phủi tay” mà đi, phải lưu tâm tới nó, phải day dứt với nó…
Nhưng, bên cạnh đó, cũng không vô lý đâu, nếu người ta vạch vòi, bắt bẻ, thậm chí dọa bỏ tù anh vì chính câu chuyện đó, vì cái kết đó, chí ít thì cũng đổ cho anh cái tội… ăn cắp ý tưởng!!!
Ví dụ những truyện như “Kiếm sắc”, như “Vàng lửa”, như “Không có vua”, như “Tướng về hưu” và đặc biệt, như “Phẩm tiết”. Và, ta sẽ dừng lại ở truyện này, cũng chỉ trong giới hạn quan tâm đến cái cách NHT viết về “con người đời thường” của vua Quang Trung!
Trước tiên là lời, tạm gọi là “phi lộ” cho những miêu tả của NHT về đời thường của vua Quang Trung và vua Gia Long, (tuy nhiên, ta sẽ chỉ lưu ý về Quang Trung), đó là khởi đầu cho việc xuất hiện nhân vật (được coi là lịch sử), cùng thời với hai vị vua trên, Bà Ngô Thị Vinh Hoa:
“Việc tìm ra ngôi mộ cổ ở vùng lòng hồ trong khu vực thủy điện sông Đà khiến tôi lại lên Tu Lý, huyện lỵ Đà Bắc… Ngôi mộ này là của bà Ngô Thị Vinh Hoa sống cách đây gần hai trăm năm. Truyền thuyết người Mường vùng này kể rằng bà đã lập ra dòng họ Quách”
Trong khi xem cái cách NHT giới thiệu nguồn gốc nhân vật nữ chính này, ta cũng nhân tiện cảm nhận lối kể chuyện đã nói ở trên của ông:
“Ngô Thị Vinh Hoa là con thứ mười của Ngô Khải. Khải là hậu duệ của Chương Khánh Công Ngô Từ, người đã sinh ra bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Ngô Khải là bậc đại phú, nhà gần chùa Tiên Tích, chuyên buôn hàng tơ lụa. Nhà Khải kho đụn không khác gì phủ Chúa, đầy tớ vài trăm người. Khải giao du rộng, chơi với toàn người sang”
Còn nữa, nhưng đó là nguồn gốc của bà Vinh Hoa. Còn đây là sắc đẹp và tài năng đặc biệt, khiến cho sau này, vua Quang Trung phải “mê mẩn”, khi được tiếp xúc với bà:
“Vinh Hoa lớn lên, hát hay, đàn giỏỉ, đẹp lồ lộ, nói câu nào thiêng câu ấy. Khải rất sợ. Tỉ như trời nắng chang chang, nàng buột miệng “ngày kia trời mưa”, quả nhiên ngày kia mưa thật. Tỉ như có người đi qua, nàng bảo “mai ông này chết”, quả nhiên người ấy không ốm đau bệnh tật gì hôm sau lăn ra chết. Trai gái lấy nhau thường dắt đến trước mặt nàng nhờ xem, nàng gật đầu là lấy được, nàng lắc đầu thì chịu, ba đầu sáu tay gì lễ cưới cũng không thành”…
Trước khi gặp Vinh Hoa, nhân buổi gặp mặt các phú hộ thành Thăng Long (Kẻ Chợ), Quang Trung đã gặp Ngô Khải, cha của Vinh Hoa. Trong bữa tiệc, Quang Trung tỏ ra là người không chỉ giỏi võ công (Chỉ một trận dẹp tan 20 vạn quân Thanh) mà còn rất khéo léo khi muốn thu phục giới doanh thương Bắc Hà:
“Bữa tiệc của vua Quang Trung có đủ mặt mấy trăm gia đình giàu có ở Kẻ Chợ. Khải ngồi chiếu trên cùng. Vua Quang Trung nói: Ta xuất thân áo vải cờ đào, vì nước xả thân, dẹp yên bốn cõi. Thời chiến ta lấy kẻ có sức lực làm điểm tựa, thời bình ta lấy kẻ có trí lực làm điểm tựa. Nay các ông đến đây, đều là những người có của, tức là những người có trí lực cả; ta cho ăn cho uống, xin các ông vì ta mà mở mang công nghệ, bán buôn, làm cho nước giàu dân mạnh”.
Đó là lời nói trong đời thường của kẻ trượng phu: dân dã nhưng đầy uy lực, đủ để thu phục nhân tâm nhưng cũng có thể trấn áp kẻ ác tâm vậy.
Tuy nhiên, do bị làm phản mà Ngô Khải đã không dưng rước vạ vào thân, khi kẻ phản đồ mang phẩm vật giả cho Khải tiến vua, còn Khải thì trước đó đã vì say mà nói sái một câu trước mặt Vua và bá quan cùng khách khứa.
Trong tình huống như vậy, vị vua áo vải Quang Trung đã nói những câu mà hậu thế chúng ta (đặc biệt là các nhà phê bình văn học thế kỷ XX, thời “Phẩm tiết” ra đời) đã vì thế mà ầm ĩ lên, thế này:
“Vua Quang Trung giận lắm, mắng rằng: Thằng Khải kia, tài bằng cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồm, còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ, có ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm tưởng xênh xang ư?”
Đời thường, lại say say một chút, lại bị Khải nói chọc một câu, kiểu trọc phú Bắc Kỳ coi thường dân “áo vải cờ đào” như vậy, rồi Quang Trung mắng thế, có lạ không, mà la toáng lên làm vậy?
Đã thế, sao không “lên lớp” luôn ông Putin, Tổng thống đáng kính của Liên bang Nga, là “cần nói năng lịch sự một chút, ai nguyên thủ lại nói thế”, khi ông thường xuyên (hoặc không hiếm khi) nói thế này:
(Trích dẫn:
“Anh cần luôn luôn tuân thủ pháp luật, chứ không phải đợi đến khi bị người ta tóm… dái”.
(Báo Daily Telegraph)
 
Ông Putin thường đặc biệt nóng nẩy khi nói chuyện về Checnhya. Câu nói dữ dằn nổi tiếng đầu tiên ông đã thốt ra chính là hứa sẽ “đái vào đầu” phiến quân Checnhya.
Còn để trả lời cho một câu hỏi khó chịu của một nhà báo người Pháp, ngay tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu ở Brussel, Tổng thống Nga đã đề nghị: “Nếu anh muốn hoàn toàn trở thành người Hồi giáo cực đoan, và sẵn sàng tiến hành cho mình thủ tục cắt (cắt bao qui đầu cho các bé trai, theo phong tục đạo Hồi), tôi khuyên… làm phẫu thuật theo cách sao cho ở anh không cái gì mọc dậy được nữa”.
 
Cả những nhà nghiên cứu chính trị lẫn các nhà ngôn ngữ học, không ít người đặt câu hỏi: giữa sự nổi tiếng và thái độ đôi khi thô bạo của Putin, liệu có gì liên quan? Phải chăng bằng cách nóng nẩy và bộc trực thái quá kia, Tổng thống phô trương sự gần gũi với nhân dân của mình?
 
Không chỉ “đái vào đầu”, trong ngôn từ nguyên thủ Nga còn có thuật ngữ… “tẩn cho ắng họng”. Có gì trùng hợp chăng, nếu vào năm 1999, Putin vừa mới xuất hiện trên đấu trường chính trị, chỉ số uy tín của ông chỉ là 2-3%, còn sau quyết tâm “đái vào đầu” phiến quân Checnhya, thì các nhà xã hội học đã ghi nhận sự tăng vọt cảm tình ở Nga dành cho Tổng thống.
 
Nhà văn Nga Viktor Erofeev bình luận như thế này về đặc điểm ngôn từ của Putin: “Ở Nga, lời nói thông tục là hiện tượng ngữ âm độc nhất vượt ra khỏi khuôn khổ một hiện tượng ngữ âm bình thường. Đó là thứ ngôn ngữ áp chế, ngôn ngữ mệnh lệnh, ngôn ngữ hoang sơ”.
 
Nhưng, sau khi thừa nhận rằng ông Putin biết rất nhiều từ lóng thịnh hành trong đám thanh niên đường phố và tù nhân, tất cả những người ưa nhặt nhạnh những từ “độc” như thế trong các phát biểu của lãnh đạo ở Nga đều đồng thanh mà rằng, về mặt này, so với Khrutsev và Gorbachev, thì Putin chỉ là… học trò.
 
Tại Nga, một cuốn sách nhan đề “Putinki” vừa mới được phát hành với số lượng in 40.000 bản, tập hợp những cách ngôn của người đứng đầu nhà nước. Dưới đây là một số ví dụ:
– “Tại sao ở chỗ chúng ta không được như thế (như ở Liên minh châu Âu)? Tại vì rằng, tôi xin lỗi, tất cả chỉ ngồi ngoáy gỉ mũi và tán chuyện chính trị”.
 
– “Ở đây chẳng có cuộc thí nghiệm nào hết. Hãy tiến hành thí nghiệm trên lũ chuột ấy” (khi nói về việc Chính phủ định tước bớt các ưu đãi dành cho quân nhân).
 
– “Bây giờ trả lời cho đề nghị để các quân nhân Nga tham gia chiến dịch ở Iraq, tôi rất muốn nói: “Đi mà tìm những thằng ngốc ấy!” (tại cuộc họp báo về kết quả hội đàm với ông Berlusconi ở Roma, 5/11/2003)
 
– “Trên truyền hình của chúng ta có nhiều bạo lực và cái được gọi là sex” (tại cuộc gặp với các cựu chiến binh ở Saint-Peterburg, 26/1/2004).
 
– “Nếu con người vừa ý tất cả, thì anh ta hoàn toàn đần. Một người khỏe mạnh và có trí nhớ bình thường thì không thể luôn luôn vừa ý với mọi thứ” (trả lời phỏng vấn của nhà báo Nga, 24/12/2000).
 
Lại còn Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ai trách Tổng thống Bush nói những lời đời thường thế này:
 
– Tôi muốn nhắc mọi người rằng, tuy tôi thường xuyên đi cùng Condoleezza Rice trong khi cô ấy có học vị Phó Tiến sỹ khoa học, còn tôi chỉ là cậu học sinh suốt ngày bị điểm 3, nhưng xin hỏi ai đang là Tổng thống còn ai chỉ là người giúp việc?
 
Tuy nhiên, sau đó không biết có phải vì quá “cao hứng” mà Tổng thống Bush đã lỡ miệng trước bàn dân thiên hạ: – Giá mà cô ấy (Rice) là bạn gái của tôi!
 
Thường thì các nguyên thủ tầm cỡ thế giới không mấy khi nói về thu nhập của bản thân, nhưng đương kim ông chủ nhà Trắng đã có lần tự “vạch ví cho người xem lương” thế này:
– Sau khi về hưu tôi sẽ làm nhà diễn thuyết thuê để làm phồng cái ví lúc nào cũng lép kẹp của tôi.
 
Có lúc một mình, ông Bush đã từng ân hận:
– Thật khủng khiếp, tôi đã làm những việc đáng ra không nên làm. Tôi đã bắt đầu trả lời trên truyền hình và còn nói những lời có lẽ mẹ tôi không ủng hộ.
 
Lại một lần nữa Tổng thống Bush vạch áo cho người xem lưng:
Mọi người nghĩ rằng tôi bạc tóc là do làm Tổng thống? Không, nguyên nhân là ở hai đứa con gái!
 
(Hết trích dẫn)
Tóm lại, chuyện có gì mà ầm ĩ, khi lãnh tụ (dù là nước lớn, chứ không phải nhỏ nhỏ như “nước Đại Việt ta hồi ấy”, lại là xuất thân nông dân) là một người… bình thường?
Rồi khi vua Quang Trung gặp Vinh Hoa:
“Nhà vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay. Vinh Hoa nói năng rành rẽ, đâu vào đấy, nhà vua thích lắm. Nhà vua hỏi gì, nàng trả lời điều ấy, nói thông cả buổi, kim cổ đông tây đủ cả”.
Trước một người đã xinh đẹp, lại tài hoa, còn lạ lùng nữa, cái lạ lùng đặc biệt đến mức “đánh thẳng một gậy” chí tử vào linh cảm con người ta, lại vào một tài năng như Quang Trung, mà như người xưa nói qua lời Đặng Tiến Đông: “Anh hùng và mỹ nhân ở đời đều hiếm…” Tức là đã có sự “đồng thanh, đồng khí” ở đây, sao cưỡng lại được với trời?
Hành động của Quang Trung là bản năng, ngoài tầm kiểm soát, như anh thấy nóng thì rụt tay lại, anh thấy lạnh thì bất giác xuýt xoa… có gì đáng trách ngạc nhiên?
Rồi ra, khi nghe Vinh Hoa đàn, lời lẽ đậm chất linh ứng, mê hoặc, một lần nữa đánh trúng linh cảm không tốt của Quang Trung và đám tùy tướng, ai mà không ghê cho được:
“Tiếng đàn có khí lạnh, mọi người không ai dám thở. Vua Quang Trung hỏi nhỏ: Vận Tây Sơn được mấy đời? Vinh Hoa bảo: Sao không hỏi được bao nhiêu ngày”
Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển như vũ bão, gần ta không được biết chứ thời Ngụy Sài Gòn, có Tổng thống nào lại không có 5-7 ông thầy tướng hay bà đồng cốt trong nhà chuyên… xếp lịch bay, và xem… vận hạn?
Đến khi nghe tin Khải mất, Quang Trung vốn là người nhân hậu, biết trong cái chết của Khải có phần lỗi của mình (do đã xúc phạm Khải mà không tìm rõ nguồn cơn) nên đã có hành động vô thức, đồng cảm và hối lỗi với con gái Khải, là Vinh Hoa:
“Vua Quang Trung giữ Vinh Hoa lại trong cung, rồi sai Đặng Tiến Đông rút quân khỏi nhà Khải. Khi Đông đến nhà Khải thì Khải hổ thẹn đã treo cổ tự tử. Vua Quang Trung thương xót, hối lại thì đã muộn. Nhà vua đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo cho Vinh Hoa việc Khải mất”.
Đó là hành động bình thường của con người ta, khi biết mình có một phần lỗi trong cái chết đó, nhất là con người của dân tộc luôn coi “nghĩa tử là nghĩa tận”. Sao cứ bắt Quang Trung, dưới bộ quần áo ngủ (là con người bình thường) lại không được thế???
Ta trộm nghĩ, nếu mấy nhà phê bình nọ mà là “bảo mẫu” của Quang Trung, chắc nhà vua chỉ “làm vì” cho họ… làm bậy, vì họ cũng chỉ là con người bình thường thôi, ai mà chả vướng dục vọng thấp hèn, lại có Vua che chắn, không ai giám động đến. Như mấy ông Tổng nọ Tổng kia hiện nay???
Đến cái đoạn kết thúc “phần đời thực của Quang Trung”, là cái kết đầy bất trắc, vừa ẩn ý, vừa tử huyệt của NHT, ta bắt gặp những hình ảnh mà “chê thì chê cho chết” được, nhưng “khen cũng khen hết lời” được là khi vua băng hà, không nhắm mắt được (thiếu gì người chết không nhắm mắt được?):
“Con trai nhà vua là Nguyễn Quang Toản vuốt mắt cho cha nhưng hễ buông tay ra mắt nhà vua lại mở trừng trừng. Đến cả Hoàng hậu Ngọc Hân cũng thế. Sau Vinh Hoa phải lấy ngón tay út của mình đặt lên hai mi mắt nhà vua thì mắt nhà vua mới nhắm lại được. Sau đấy, chỗ ngón tay út của Vinh Hoa đen như chàm, rửa thế nào cũng không sạch”.
“Chê cho chết” là ám chỉ coi vua (và định chỉ ai nữa đây?) bẩn và tầm thường, nên chỉ một ngón tay út của cô ca kỹ, cũng gạt cho nhắm mắt luôn, lại còn bẩn tay. Ngoài ra, có thể vạch vòi những sơ suất trong câu cú, phát ngôn của nhân vật (hay tác giả mượn nhân vật) để chê trách NHT, nhưng có ai, có tác phẩm nào mà tránh hoàn toàn được những sai sót đó?
Vậy “khen thì khen” gì: là cái kết rất hợp với toàn bộ không khí ma mị, mê tín mà cung đình xưa thường có. Điều này làm nên tính nhất quán của toàn bộ câu chuyện và không khí mà câu chuyện đó đắm mình.
Ngoài ra, nó còn logic với “cái đồng thanh đồng khí” không phải không hiểu được, theo quan niệm Á Đông mà ta thường gặp. Ngay cả trong Truyện Kiều, thậm chí có hẳn một học thuyết, là thuyết “Tài mệnh tương đố” mà Nguyễn Du bám sát, chứng minh suốt cả 3524 câu Kiều. Chưa kể cái “đồng thanh đồng khí” giữa Kiều với Đạm Tiên…
Vậy, suy cho cùng, khi đã mặc nhiên tuân thủ những quy ước tự đặt ra ở ngay đầu, ta có thể thấy rằng: Quang Trung đã là một con người với đầy đủ cung bậc chân xác nhất của từ đó. Một anh hùng “áo vải cờ đào”, can đảm tài năng và khí phách trong chinh chiến, nhưng rất dễ xúc động (cho dù là khi tức giận hay thương cảm) trong đời thường.
Và, người ta có thể hoàn toàn hiểu ông, thông cảm cho ông theo miêu tả của NHT. Ai không biết, riêng tôi, tôi hoàn toàn không vì “Phẩm tiết” mà mất đi tình yêu và lòng cảm phục với người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ!
Hết
(16-7-2012)