Về Trung Quốc


(Nghĩ rộng ra khi xem phim TQ)

1- Cần phải khẳng định ngay đây là một đất nước hùng mạnh về mọi mặt: Quản lý đất nước, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật… Là đất nước duy nhất có riêng một trạm Vũ trụ có khả năng thay thế trạm vũ trụ đa quốc gia ISS trong tương lai gần. Hệ thống giao thông của Trung Quốc phát triển nhanh nhất và tiên tiến nhất trên thế giới. Đến mức một sinh viên từng học ở một thành phố lớn nào đó, sau khi ra trường dăm năm quay lại, đã bị lạc trong chính thành phố mà anh ta từng quá quen sau mấy năm Đại học. Ví dụ, hồi đang học chỉ có 1-2 tuyến tàu điện ngầm, sau 3-5 năm ra trường quay lại, anh ta bị lạc vì có đến gần 20 tuyến tàu điện ngầm mới…

2- Là một đất nước theo một cách nào đó có ý thức (?) “lợi mình hại người” tầm cỡ quốc gia? Riêng trong nước thảng hoặc cũng xảy ra tình trạng đó nhưng có thể chỉ mang tính riêng lẻ? Ví dụ thì có nhiều, ai cũng có thể nghĩ ngay ra trong đầu, nhưng tầm cỡ quốc gia thì rõ ràng nhất là Tiktok. Phiên bản trong nước cực kỳ có ích cho việc hướng thiện cho người dùng. Nhưng phiên bản quốc tế thì không cần phải nói về sự độc hại của nó, vì ai cũng biết rất rõ. Trong nước thì có “sữa đầu to”, dùng cho trẻ em nhưng không có chút dinh dưỡng nào, thông số dinh dưỡng của sữa là giả mạo, sử dụng hoạt chất rẻ tiền và độc hại.

Riêng về giáo dục dân trí và đạo đức xã hội, phim ảnh của Trung Quốc dành cho nội địa, đặc biệt thông dụng cho công chúng là phim truyền hình, tính giáo dục của phim rất cao. Một mặt TQ có ý thức kiểm duyệt chất lượng chặt chẽ, hầu như không lọt ra đại chúng phim độc hại (mà VN đang chiếu mỗi đêm?). Phần khác, chấm điểm người xem phim truyền hình thông qua tỷ lệ rating sau từng đêm sẽ quyết định chính xác phim thành công hay không để sản xuất tiếp hay dừng lại. Tức là khả năng phim kém chất lượng được lưu hành ra công chúng là rất ít. VN được xem phim tốt của TQ là vì đồng thời xem phim chiếu song song với các đài truyền hình các địa phương của họ.

3- Tính giáo dục của một bộ phim truyền hình thuộc hàng top (mà may mắn VN được xem song song) ưu việt ở chỗ có tác dụng phủ sóng mọi thành phần, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và giới tính… của xã hội. Nó khiến cho một cô gái vừa trở thành công chức biết ứng xử ra sao trong môi trường cạnh tranh của công ty; một giám đốc biết điều hành thế nào để cty vượt lên, trở thành hùng mạnh; một nhà báo hay luật sư phải hành xử nghề nghiệp như nào để tồn tại có ích cho xã hội; một ông chồng hay bà vợ phải đối xử với một nửa của mình, với gia đình, con cái ra sao để đạt được hạnh phúc bền vững…

4- Pháp chế, chế tài của TQ cực kỳ hiệu quả và kịp thời. Mọi biểu hiện làm suy đồi đạo đức gia đình xã hội hay chuẩn mực phát triển lành mạnh của đất nước đều bị xử lý nghiêm khắc và tận gốc rễ. Chính vì thế mà hẹp trong phạm vi gia đình, làng xã, khu phố; rộng trong phạm vi các thành phố, các tỉnh hay trên toàn quốc, sự vận hành của các bộ máy đều khá trơn tru và hiệu quả. Đó chính là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của TQ trong những thập niên gần đây.

Sức ép của TQ lên VN là có thật và không thể coi là không gây cho chúng ta nhiều khó khăn, ở nhiều thời điểm. Nhưng thừa nhận mặt mạnh của họ để học tập và khắc chế khi cần là tư duy sáng suốt mà không chỉ lãnh đạo VN cần có mà mỗi chúng ta cũng nên có. Đó chính là lý do mà mình phải dành ra hàng tiếng đồng hồ ngồi gõ Smart Phone để lưu lại những dòng này. Vẫn biết ít người đọc những gì dài dòng và… hại não, nhưng người viết nhiều khi là vì chính mình mà không sợ mang tiếng ích kỷ (?). Vả chăng, viết cũng chính là cách rèn luyện sức khoẻ tinh thần, hệt như khi ta đạp xe loăng quăng hay chạy bộ mỗi sáng để rèn luyện sức khỏe thể chất vậy…

21/4/2023

Kể chuyện ngày xưa…

(Phụ lục của Thông báo số 2)

1- Phi lộ:

Tôi năm nay vừa tròn 70, người xưa nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy- nghĩa là người thọ 70 xưa nay hiếm”. Và tôi nghĩ rằng: sau chuyến đi lần này của lớp CN11, kết nối tối đa các bạn phía nam với lớp xong, nhân đêm Gala tôi sẽ trịnh trọng xin nhường chức “Trưởng đoàn du hý” cho các vị trẻ trai trong lớp. Để mình về vườn, sắp xếp lại đám xương già, hưởng thụ nốt những năm tháng hiếm hoi còn lại mà lão Tạo hoá (chắc cũng già lẫn?) tạm thời quên mất cả việc gọi mình lên hầu Hội bàn đào của các vị chư tiên?

Nhân đây, tôi công khai hé lộ danh tánh những người kế vị nhóm “ngũ trụ” Hội du hý lớp CN11 sắp tới. Mục đích để chặn họng đám tiktoker thi nhau loan tin lên mạng về các vị kế nhiệm sắp tới, hệt như tình trạng tin fake loạn cào cào hiện nay. Cụ thể, trưởng đoàn năm sau sẽ là “Trương phó chủ nhiệm” (tức Trương Khánh Bình-gọi theo kiểu tàu, họ kèm chức vị to nhất khi tại vị: nguyên là Phó chủ nhiệm chính trị Học viện). Hai phó trưởng đoàn phía bắc là “Nguyễn tổng giám” (Tức Nguyễn Thiện Khôi, nguyên là Tổng giám đốc Cty) và Lê quản gia (Tức Lê Đức Chung, nguyên là Chuyên viên tư vấn đám chuyên gia đầu tư nước ngoài tại Việt Nam-nôm na là… chăn gà?)

Hai phó trưởng đoàn phía nam là “Nguyễn trưởng ban” (Tức Nguyễn Hoài Nam, nguyên là Trưởng ban Pháp chế Thành phố Hà Nội) và Thái… Mỹ nhân (Tức Thái Văn Quang, từng có biệt danh  “tay không đoạt Mỹ nhân”: tương truyền, chỉ nhõn 1 lần lò dò về Hải Phòng chơi nhà Lê Hùng, biết chú này có cô chị xinh đẹp đang là sinh viên ở Hà Nội, đã lộn về làm quen rồi… đoạt luôn. Hồi đó trong tay Quang chỉ có… mồ hôi, nhưng trên vai  lại sở hữu tận hai… xơ mít?)

2- Để Mỵ nói cho mà nghe…

À, thực ra là để tôi kể hầu chư vị đôi câu chuyện với khá nhiều kỷ niệm cho những ai học Lạng Sơn và Học viện KTQS nói chung, học lớp CN11 nói riêng. Mà chuyện thì nhiều, cũng chả hiểu sao mình 70 tuổi rồi mà trí nhớ còn sáng rực như đèn pha, soi rọi từng ngóc ngách những câu chuyện từ cách đây tận ngót 50 năm, kể từ năm 1975-76 hồi trên Lạng Sơn rồi về Vĩnh Yên, ngày lớp CN11 nhập trường. Kể hết thì cực dài, mà tôi đã từng kể rải rác đâu đó rồi (xem các link cuối bài) nên bài này chỉ kể giới hạn các chuyện liên quan đến các chàng ngự lâm quân phía nam, ít tham gia hoặc thậm chí chưa từng tham gia du hý cùng lớp CN11 lần nào. 

Trước tiên, nhắc để khỏi quên. Nghe nói Nguyễn Văn Hồng hiện đang định cư ở Sài Gòn. Có ai đó trong lớp từng biết thông tin này? Hình như Đặng Quốc Tiến lớp Đạn11 biết thì phải. Anh chàng này biết khá nhiều các cựu binh kể từ hồi ở Lạng Sơn rồi về Học viện, cả hội đi tây sau đó như Hồng? Ai có thông tin thì nhắn Hồng tham gia lần này. Vì tuy chỉ học cùng chỉ chừng mấy tháng rồi đi Tiệp, nhưng Hồng cũng gây ấn tượng vụ cô giáo Đoan dạy Nga văn đột nhiên bị ngất, chính là Nguyễn Văn Hồng, lúc đó là lớp trưởng nhanh tay xử lý êm đẹp?

Dù chỉ học chung gần năm, nhưng giờ già rồi, có cơ hội gặp nhau cũng tốt?

Lại nói, sau khi Hồng đi Tiệp thì mình lên thay làm lớp trưởng từ đó cho đến khi ra trường rồi được thầy Bồng và Trưởng phòng cán bộ là bác Phương chọn giữ lại làm giáo viên bộ môn Chế tạo máy và được xếp vào tổ Thủy lực của thầy Giang. Cũng vì làm lớp trưởng từ khi còn học chung 2 năm, gồm 32 tên như cái danh sách lớp ghim đầu trang mà mình biết khá rõ học lực và đặc điểm từng người. Chính vì thế mà trong các bài viết về lớp CN11, mỗi người đều có cá tính riêng biệt, không ai lẫn với ai, đọc qua là lập tức hình dung ra ngay. Những ai từng tham gia du hý cùng lớp CN11 3 lần gần đây, ngoài được khắc họa trong các phần về Lớp CN11, còn được thêm đôi dòng mới mẻ vừa phát sinh nữa…

Để khỏi dài quá, lại không bị trùng lắp, lần này tôi tập trung vào mấy anh chàng sẽ tham gia chuyến du hý phương nam lần này, cho trọn bộ sử ký lớp CN11, làm kỷ niệm cho mỗi cá nhân trong lớp. Trước tiên là Nguyễn Chí Kiên. Tôi biết Kiên cũng từng là học sinh trường Trỗi tức có liên quan đến con em cán bộ miền Nam tập kết? Ai từng học trường Văn hóa Bộ tổng tham mưu (riêng hồi đóng quân ở Thị xã Lạng Sơn) đều biết, trường này là nơi tập trung nhiều con em cán bộ miền Nam tập kết hoặc cả những Anh hùng dũng sĩ từ chiến trường ác liệt trong Nam ra. Cũng là nơi có nhiều con em các vị tướng hay nguyên thủ quốc gia về học.

Kiên học lực bình thường nhưng hồi đó rất có tố chất thủ lĩnh. Quanh Kiên hay có các em sinh viên vừa từ trường phổ thông vào Học viện, mới khoác áo lính từ năm nhất. Khi mình làm lớp trưởng thay Hồng thì tiếp quản luôn anh chàng cựu binh có tính cách khá đặc biệt này. Không tỏ ra là ngang ngạnh nhưng cũng chẳng hề là gương mẫu, ít ra là nói riêng khía cạnh giờ giấc ngủ nghỉ. Một đôi lần lớp trưởng bị nhắc nhở có người của lớp chưa về phòng khi đã đến giờ ngủ.

Nghe tiếng đàn, mò ra sân bóng nhỏ cạnh dãy nhà bộ môn Đạn, cạnh khu nhà ăn thì anh chàng Kiên đang say sưa chơi ghita, chung quanh là các chàng lính trẻ như Quyết xù, Dương Thịnh… đang chăm chú lắng nghe. Gọi về thì các chú lính trẻ về ngay, riêng anh chàng Kiên thì khệnh khạng một lúc mới về, chắc cũng ghét cái thằng mình phá quấy lắm. Tuy vậy nhưng anh chàng này khá có bản lĩnh, ít khi thể hiện chống đối ra mặt…

Sau này thì tôi không có tin tức gì nhiều về Kiên. Hồi nào đó nghe lõm bõm Kiên lấy vợ, ở Lạng Sơn một thời gian, kinh doanh máy tính? Gần đây thì nghe tin Kiên đang ở Sài Gòn nên rất mong lần này Kiên tham gia tái ngộ cùng các chiến hữu một thời ở lớp CN11. Mọi kỷ niệm dù đẹp hay chưa đẹp, đối với lứa tuổi 60-70 đều đáng trân trọng, nhất là khi ta đã từng có những năm ngồi bên nhau, cùng một lớp, dưới một mái trường khá đặc thù này. May thay là trong bức ảnh chụp lớp Cắt gọt hôm học môn thầy Bồng, có cả Chí Kiên, bức ảnh do mình chụp (Mai Khánh gọi là “hiếp ảnh gia”) nên không góp mặt, thật tiếc.

Đến Nguyễn Hoàng Lương. Anh chàng này hiền lành, bề ngoài có vẻ không thích kết giao ồn ào? Không biết vì lý do gì mà từ K10 xuống học cùng lớp Cắt gọt K11? Sau này quen trên Facebook một anh chàng K13, vốn là con em cán bộ Viện 103, mới biết Hoàng Lương cũng là con em cán bộ ở đó. Có lẽ bố mẹ cũng là cán bộ miền Nam tập kết nên sau này Lương về định cư ở Sài Gòn? Tính Lương ít giao tiếp ồn ào nên thông tin về Lương sau khi ra trường đến giờ mình cũng không rành. Hy vọng lần này Lương cố gắng tham gia cùng lớp để lấp đầy khoảng vắng các thành viên của lớp CN11.

3- Các vị phu nhân của các anh chàng Ngự lâm quân lớp CN11

Đặc diểm của các anh chàng ngự lâm quân lớp CN11 là có nhiều vị phu nhân rất xinh đẹp. Nổi bật nhất có lẽ là phu nhân Lê Đức Chung, chàng “chăn gà” tài năng xuất thân từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến mức, sau khi về hưu thì đám gà cũ mách cho đám gà mới chạy hết theo Chung nên dù ngoài 60 xuân vẫn cứ công việc đều đều. Bà vợ xinh đẹp đã đành, có cô cháu gái bé bé cũng hứa hẹn xinh đẹp như bà?

Không lẽ cứ kể mãi ra vẻ đẹp các vị phu nhân của các chàng ngự lâm CN11? Anh chàng  Đỗ Hồng Sơn kia, già từ khi mới vào năm nhất (được mệnh danh là già làng?) vậy mà có vị phu nhân Thanh Loan cũng cực kỳ xinh đẹp, phom chuẩn…. Hôm nọ họp bô lão, Sơn gọi kêu không đi được, hỏi sao? Nói huyết áp cao. Ngạc nhiên, người ta có thuốc hàng ngày điều tiết mà. Sơn kêu: Không ăn thua? Lên quán cà phê mách, các bô lão nói: chắc phải thay thuốc?

Phu nhân Thái Văn Quang thì khỏi nói rồi, vốn là Mỹ nhân bị chàng xơ mít đoạt gọn sau một lần về Hải Phòng thăm bạn. Đến phu nhân Lê Đình Hải, bị cưa đứt từ khi đang ngồi ghế Trung học phổ thông năm cuối? Mà anh chàng này lạ lắm, ở miền bắc, nhưng từ hồi đang học tại lớp CN11 đã thích nói giọng miền Nam (chắc vì miền nam hay nói “á đù” mà Hải có biệt danh Hải đù?), nghe ngô ngọng vậy mà vớt được cô vợ xinh đẹp, là con gái cưng của ông Hùng, trưởng phòng cán bộ Học viện đấy. Đến phu nhân Lê Minh Tuấn, con gái xinh đẹp của một vị tướng cũng phải lòng anh chàng ngự lâm quân CN11 này. Ông bà này cũng có một cô cháu gái rất xinh, không biết đọ với cháu gái Lê Đức Chung thì sao nhỉ?

Còn phải kể đến vị phu nhân của Lê Văn Hợi. Chồng bị gọi lên Giời hầu bàn đào sớm, sau này em thay chồng tham gia nhiệt tình các chuyến đi của lớp CN11, lại còn “đóng góp” thêm một cô bạn thân xinh đẹp đi cùng nữa (Giờ em này luôn được coi là khách VIP của lớp). Phu nhân của Nguyễn Thanh Lâm, Trương Hùng, Phạm Ngọc Hùng, Nguyễn Thiện Khôi, Trương Khánh Bình,  Mai Khánh, Nguyễn Thành, Lê Hùng… những người từng góp phần không nhỏ cho sự thành công của lớp. Chính vì lẽ đó mà lần này, trong đêm Gala, mình muốn có một cuộc trình diễn catwalk của các quý bà, bên cạnh là các cô cháu gái xinh đẹp nữa. Chắc chắn sẽ tô điểm thêm sự tươi mới cho đêm Gala của các ông chồng U70 đấy nhỉ?

4- Lời kết

Cuối cùng, dù gì thì mình cũng thuộc loại Cổ lai hy rồi, nói năng có chỗ nào lỗ mỗ, nhỡ khiến ai đọc được thấy “đùa nhảm quá”, xin được lượng thứ. Hãy cứ cho rằng bố này tuy thế cũng chỉ muốn mua vui cho bà con “một vài trống canh”, thôi thể tất cho hắn. Vả chăng, nếu còn tại chức, kỳ sau không bầu trưởng đoàn nữa, nay nó đã từ chức rồi, nói phỏng có ích gì ? Xin cảm ơn quý zị.

https://ngochunghvktqs.wordpress.com/2022/06/21/gap-go-46-nam/

Lớp Công nghệ Cắt gọt K11

Lấy nhầm vợ

(Chuyện như tôi biết)

Hai người khác giới (mà có thể cùng giới cũng vậy, vì câu “đi với bụt mặc áo cà sa; đi với ma mặc áo giấy”, vốn không phân biệt giới tính?) ghép với nhau thành vợ chồng, thực tế chứng minh cực kỳ có ảnh hưởng lẫn nhau. Câu chuyện này giới hạn vợ ảnh hưởng đến chồng.

Chuyện như tôi biết thì anh chồng vốn hiền lành chất phác, không may cưới phải cô vợ “xấu dần đều”? Nói vậy vì có thể mới lấy nhau cô kia có thể không tệ đến mức như mười mấy năm sau? Nói anh chàng kia không may… là xét khi thành vợ chồng, ai bị phụ thuộc vào ý chí của ai.

Trong “ca” này, tôi biết chắc anh chồng tuy bản tính tốt, nhưng thiếu bản lĩnh, bị cô vợ chi phối cả tinh thần và vật chất. Nói đúng sự vật hiện tượng thì anh ta chỉ như cái bóng bên vợ. Còn cô vợ thì bằng thứ nghệ thuật bẩm sinh nào đó, đã hoàn toàn chinh phục niềm tin vô điều kiện của anh chồng vào mình, mọi nhẽ?

Có lẽ vì bị kìm nén bản tính của một người trưởng thành quá lâu bên cô vợ vốn coi mình chả có chút đồng cân nào. Dễ hiểu là khi có điều kiện sống ở ngoài, vốn cũng có chút tài nên dễ sa vào cạm bẫy? May mắn lập tức thoát ra nhờ bạn bè, người thân nhưng từ đây anh chồng bắt đầu chứng kiến bản chất thực sự của cô vợ và bị khống chế đến tận cùng!

Không tiện kể hết mưu ma chước quỷ mà một cô vợ vốn coi thường chồng thi triển để hạ gục chồng. Chỉ biết kết cục là anh chồng bị buộc ly hôn và trắng tay khi bị đuổi ra khỏi nhà, kèm thêm thân tàn ma dại. Dấu ấn đau đớn nhất để lại cho anh chồng, có lẽ là niềm tin rằng cô vợ vẫn là người tốt nhất mà anh ta biết trên cõi đời này? Trong khi ai ít nhiều chứng kiến cũng biết thừa là anh chồng đã gặp phải “ma nữ thuộc loại thượng thừa”!

Mấy đứa cháu nghe chuyện, đã phán một câu mà chắc ai cũng thấy bất ngờ vì quá chính xác: “LẤY NHẦM VỢ”. Và đó chính là cái tiêu đề mà tôi trịnh trọng đặt cho “câu chuyện quái gở” về nhân tình thế thái này. Có lẽ sau một vài vụ án ầm ĩ trên mạng gần đây như bồ trai đóng đinh vào đầu đứa bé và bồ gái trẻ tra tấn đến chết bé gái (đều là con riêng người tình), thì phải thêm vào tiêu đề: YÊU NHẦM BỒ? Có điều, hai kiểu Bồ trên đều đã trả giá, riêng cô vợ ra tay tàn độc không kém này rồi cũng vậy, chỉ là theo một motip khác và là sớm hay muộn thôi?

*******

P/S: Những bạn bè tầm tuổi 60-70 mà tôi biết, họ đều có những bà vợ “tuyệt cú mèo”. Đó đều là những người phụ nữ tương xứng với các ông chồng tuyệt vời, yêu vợ hết nhẽ. Dù trong số đó cũng có những anh chồng thuộc diện… “kính vợ đắc thọ”, na ná như anh chồng trong câu chuyện kia?

Hôm nọ có việc đi cà phê với mấy bô lão lớp CN11, tôi vốn không lạ gì cá tính 32 thành viên trong lớp, vậy mà vẫn thấy nể phục một anh chàng vốn thích nói năng kiểu bất cần đời, lại là một ông con cực kỳ hiếu kính với mẹ già. Không phải nể phục vì sự hiếu kính mà nể phục vì cái cách anh ta thể hiện sự hiếu kính: tự tin, tâm huyết và vô điều kiện, bên cạnh cô vợ cũng một lòng như vậy.

Chao ơi, vẫn biết ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” như mình, vốn không nên thấy bất ngờ về mọi sự xảy ra quanh mình, mà vẫn có việc khiến phải nằm bò ra giường gõ Smartphone. Dù chỉ để ghi lại như một thói quen những sự việc đã để lại chút dấu ấn nào đó, ở một phút giây nào đó, trong cuộc đời mình…

Đu trend?

Tình cờ đọc được chia sẻ của anh bạn Thuc Nguyen cái status của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Comment trả lời bạn Thục rồi, vẫn cứ thấy: hoá ra ĐU TREND (mà báo CAND giải thích là “Trend”, một từ tiếng Anh mà có lẽ chúng ta đã quá quen. Nó là “xu hướng”, là “thịnh hành”…) không chỉ là trào lưu của giới Gen X, mà còn len lỏi vào giới học thuật nghiêm túc như Hội nhà văn và Trường đại học?

Hoá ra, miễn là Trend, ai cũng cứ bất chấp mà “nhào zô”? Trong bài viết ông Chủ tịch hội đưa ra một tin tức nghiêm túc, là Lễ ký kết hợp tác (gì đó?) giữa Hội nhà văn với Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Bảo tàng Văn học VN. Sau đó là một TREND đang sốt xình xịch hiện tại, liên quan đến Chat GPT. Mà để ý đi, ngay cái tít ông Chủ tịch cũng viết chưa chuẩn về cái TREND mà ông ý đang đu?

Thôi, hãy bàn về cái gọi là Toạ đàm sau lễ ký kết này, mà tôi tin chính là cái “đinh” mà Ban tổ chức muốn ghim vào cái lễ ký kết kia: về ảnh hưởng của AI đến Viết-đọc. Và đó là cái cớ để các tổ chức nghiêm túc… ĐU TREND: nói như đúng rồi về Chat GPT. Nói vậy vì người ta quảng cáo siêu đến nỗi: ai ai cũng háo hức về thứ trí tuệ nhân tạo thời 4 (hay 5) chấm không có thể tài giỏi hơn con người.

Đến mức, ai cũng muốn “ghẹo”một chút vào mấy từ Chat GPT cho sang chảnh? Dù nó thực sự chưa được chính thức sử dụng tại Việt Nam. Tức là, đa số chỉ gọi là “bắc nồi hông nghe hơi”, qua thông tin quảng cáo và qua một vài ông biết thì ít mà “tỏ ra nguy hiểm” thì nhiều ? Dễ hiểu là khán giả buổi toạ đàm chả biết nói gì nhiều, chỉ đọc vài bài thơ (được cho là) Chat GPT làm ra? Rồi cũng tỏ ra… nguy hiểm (?) bằng cách ồ à với nhau cho xôm tụ?

Cuối cùng, hội thảo chốt lại một câu hỏi: Trong tương lai, Chat GPT tác động thế nào đến sáng tạo (viết-đọc) của con người? Hỏi khó, vì ở Việt Nam nói riêng, thậm chí là trên thế giới nói chung, đã ai thực sự trải nghiệm về Chat GPT mà trả lời? Có khác chi bắt các ông trả lời câu “Nếu là chồng hoa hậu Thế giới, ai sẽ chuẩn bị bữa sáng cho hai người?” (Comment trong bài chia sẻ của bạn Thục). Có thể thêm ví dụ, hãy trả lời câu hỏi “Trong tương lai, khi đi uống cà phê với một con ma, ai sẽ là người thanh toán khi ra khỏi quán”. Trả lời được các câu hỏi trên, chết liền?

À quên, tôi cũng muốn kết thúc bài này bằng một TREND mới cứng: “Đúng nhận, sau cãi!!!”. A hô hô… 😫😫😫