Về tuổi tác

(Viết cái gì đó để quên Covid đi…)

Tôi nhiều lần nghĩ về các giai đoạn cuộc đời con người nói chung, nhưng đặc biệt về chính mình nói riêng. Cụ thể hơn, là tôi nghĩ về tuổi của mình qua các giai đoạn đặc biệt của cuộc đời, khi danh xưng của mình thay đổi. Ví dụ: từ “anh” sang “chú”; từ “chú” sang “bác”; từ “bác” sang… “ông” (chắc đến đây thôi, mặc dù sau “ông” là… “cụ”, nhưng chắc tôi sẽ không nói đến nữa, đơn giản vì lúc ấy nhiều khả năng tôi sẽ không còn chơi blog nữa?) 😅

Vậy cụ thể là tôi nghĩ gì? Xin thưa, khi còn trẻ, cụ thể là khi chưa lấy vợ, các cô gái gọi là anh và tôi đương nhiên là xưng anh với họ, tất nhiên là tôi muốn nói đến các cô ít tuổi hơn. Các cô gái tôi muốn nói ở đây là những người gặp gỡ trong các giao tiếp xã hội, khi mới tình cờ hoặc đã có thời gian giao tiếp với họ. Dần dà, sau khi lấy vợ, rồi cái bản mặt mình già đi một chút (tôi đoán thế), tôi bắt đầu thấy có một sự chuyển biến trong cách xưng hô. Đa phần các cô gái vẫn gọi là anh và mình cũng tự tin xưng như vậy. Nhưng rồi cũng có cô nào đó gọi là chú và mình bắt đầu phải để ý đến danh xưng của mình.

Tuy nhiên, cái giai đoạn này khá dài. Nghĩa là các cô gái gọi là anh cũng nhiều, các cô gọi là chú cũng lắm, trong một thời gian khá lâu. Sau đó, tôi bắt đầu chủ động xưng chú với các cô gái. Nói vậy nhưng để quen với danh xưng mới này cũng phải mất kha khá thời gian. Bởi vì dù mình khá tuổi, không muốn bày đặt xưng anh em với các cô gái, nhiều khi có thể bị cho là cố tình trẻ hoá mình đi với động cơ không đứng đắn chẳng hạn. Tuy nhiên, cũng có nhiều cô gái có nguyên tắc bất di bất dịch là không gọi ai bằng chú bao giờ (?). Đó là vào những năm trong ngoài năm 2000, khi tôi hay tranh thủ đi quay phim cho các em ở VTV. Đa phần họ sinh năm ngoài 1970, nghĩa là kém tôi gần 20 tuổi, nhưng họ đã dõng dạc tuyên bố như vậy.

Sau này, nhiều cô gái học cùng lớp Báo chí bằng 2 với tôi, họ sinh năm 1971-1975, kém tôi trên dưới 20 tuổi, chúng tôi vẫn xưng hô anh em với nhau. Dù khi cùng lúc gặp vợ tôi, họ vẫn nghiêm chỉnh xưng… cô cháu, trước khi quay lại thản nhiên tán phét anh em với tôi. Nói vậy để biết, việc chuyển giai đoạn khi xưng hô không hề nhanh và đơn giản, không chỉ phụ thuộc tuổi tác mà còn nhiều yếu tố khác nữa… Sang giai đoạn tiếp theo, khi các con tôi đã lấy vợ thì tôi bắt đầu chuyển qua xưng bác bới các cô gái, vì họ ở tầm tuổi con mình. Lúc này tôi đã gần 60, và việc xưng hô như vậy thật tự nhiên, với họ cũng như cho mình, tuy rằng, nhiều lúc họ cũng quen xưng chú cháu.

Khi tôi có cháu nội, đã bắt đầu quen với cách xưng hô ông-cháu, thì với các cô gái, tôi thi thoảng bắt đầu với danh xưng ông, dù khá là ít khi. Mặc dù các cô gái có ông bà tầm tuổi mình nhưng với họ cũng như với tôi, xưng bác cháu vẫn thuận miệng hơn, đại để thế. Đặc biệt, tôi cũng thấy khá tự nhiên khi xưng hô với các cô gái là bác, nhưng không phải là cháu mà là con, theo cái cách xưng hô với đứa cháu nội vốn lớn lên với bố mẹ nó trong Sài Gòn. Trong đó, các cô gái tự xưng là con, không chỉ với bố mẹ mà với thầy cô, ông bà và nói chung là người lớn tuổi, nghe rất dễ chịu.

Tôi năm nay đã cập kê cái tuổi 70, bỗng dưng nhớ lại những giai đoạn chuyển tiếp trong cách xưng hô của mình, bèn cầu kỳ ngồi gõ ra bài viết này. Mặc dù có vẻ như chả nói lên điều gì nhưng tôi vẫn luôn theo châm ngôn từ hồi tập viết: phải viết ra được những gì mình nghĩ, dù chỉ được 80-90%, đã coi là thành công rồi. Tôi giờ không coi là tập viết, mà phải coi là “thử còn viết được không, hay già rồi, không viết được nữa”? Lại nghĩ, dù là tập viết hay viết thử coi, cũng đều mang lại lợi ích là rèn luyện bộ óc, hạn chế nó bị già đi theo tuổi tác…

Quay lại chủ đề bài này, giờ tôi vẫn đang ở giai đoạn có danh xưng “bác”, nghĩa là vẫn chưa chuyển hẳn sang “ông”. Mà thời gian quá độ “chuyển loại”, theo kinh nghiệm bản thân là khá dài. Tức là còn lâu lâu nữa, tôi mới thực sự chuyển sang danh xưng “ông”, nghĩa là còn khá lâu nữa, tôi mới chịu bó tay xin… già? Haha… 😂

Xem giao lưu trên Facebook ở đây