KINH NGHIỆM

(Ngồi buồn gõ chơi, rèn luyện tư duy… 😍😍👍)

Có lẽ do bệnh nghề nghiệp (?😂) mà tôi thường hay post những (cái gọi là) kinh nghiệm của mình lên Facebook. Vặt thì giới thiệu một loại thuốc trị đau răng uống vào sau 1 ngày hết đau, hiệu nghiệm 100% cho người… sắp chết vì đau? Hay thuốc chữa đau đầu kinh niên, thuốc hạ sốt cho trẻ em. Phức tạp hơn thì sửa bơm tăng áp, sửa điện, nước, sửa khoá số bị quên mã… Với ý muốn phổ biến những gì mà mình trải nghiệm được, làm được… mà tôi thấy nó có ích cho mình và cho rằng nếu nhiều người biết, có thể giúp ích ít nhiều cho họ.

Đương nhiên, mỗi người… 10 tính, có thể ai đó cho những gì mình viết ra họ chả học được gì, thậm chí có hại vì có thể nó không phù hợp với cá nhân họ? Mặc dù đã cân nhắc tính đại chúng của những gì mình làm được hay đã trải qua, và ngầm đánh giá cao khả năng của ai đó muốn học hỏi, có thể lựa cách để áp dụng cho riêng mình, nhưng cũng không phủ nhận họ đã có lý? Tuy nhiên, thiết nghĩ trong số 10 người quan tâm, có 1-2 người làm được theo mình, đã là tốt quá rồi? Và may mắn là tôi đã chứng kiến nhiều người làm theo cách của tôi đã cho kết quả tốt. Số đó, thậm chỉ hơn cái 1-2% kia nhiều. Và tôi quyết định lại… truyền bá KINH NGHIỆM tiếp. 😂

Trước tiên, về nguyên tắc (mà có vẻ ai cũng biết hoặc nếu chưa để ý thì nói cái cũng… thủng ngay?) sức khoẻ con người cũng như hoạt động của một ngôi nhà. Ở khía cạnh: ngôi nhà hoạt động bình thường nếu như điện nước, che mưa nắng, thấm dột… được quan tâm xử lý để luôn hoạt động trơn tru, hỏng đâu sửa ngay đó. Con người thì ăn ngủ bình thường, không có chỗ nào bất thường hay đau đớn gì. Hễ xuất hiện chỗ đau bất thường thì phải tìm cách xử lý ngay.

Muốn vậy phải biết lắng nghe cơ thể để khắc phục chỗ đau nào đó. Có những cách khá hiệu nghiệm để xử lý chỗ đau ngoài. Ví dụ chiếu đèn hồng ngoại, sử dụng máy massage đeo cổ, sử dụng máy đấm mát xa… Thường có thể xử lý các chỗ đau bất thường trên cơ thể bằng một trong những cách trên. Khi đi bộ mỗi sáng, nếu thấy cơ thể (trong ngoài) không có điểm nào bất thường, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc thì sức khỏe không có vấn đề gì, yên tâm mà tận hưởng cuộc sống.

Đó là tạm nói về sức khoẻ vật chất, quan trọng với con người. Còn sức khoẻ tinh thần: sống vui vẻ, lành mạnh và quan tâm văn hoá (âm nhạc, phim ảnh, sách báo…). Nếu thấy mình thích những thể loại trẻ trung, năng động và thỉnh thoảng thấy muốn hát, muốn (dù là) ê a hay ư ử một ca khúc nào đó trẻ trung, hãy yên tâm là mình có sức khoẻ tinh thần tốt, kèm theo đó đương nhiên là sức khoẻ thể chất tốt. Đơn giản là người ốm yếu không thể yêu đời như vậy được, đúng không?

Rõ ràng, tìm cách nâng cao sức khoẻ thể chất và tự mình lắng nghe cơ thể để nhẹ thì tự khắc phục những biểu hiện bất thường ở nơi nào đó trong hoặc ngoài cơ thể; nặng thì nhờ sự can thiệp của bệnh viện để kịp thời đưa sức khoẻ về trạng thái bình thường. Từ đó chú ý nâng cao sức khoẻ tinh thần cho đồng bộ với thể chất. Nói thì dễ vậy và chắc ai cũng biết nó đúng. Vậy thì cuối cùng, thực hiện được hay không chỉ phụ thuộc vào chính mình thôi. (Đúng nhận sai cãi 😂😂😂).

Cuối cùng, tôi có cái tai nghe Bluetooth S10 Pro. Đang dùng ok thì một bên không sạc được, điện không vô. Mà cái này nghe nhạc phải có đôi mới có tiếng bass, mới phê. Nếu chỉ nghe đọc, chỉ cần 1 bên, hết pin thì có bên kia đã sạc đầy, chỉ việc đổi bên là ok. Vậy mà một bên hỏng do không sạc được, thì bất tiện lắm. Bèn hì hục cậy ra xem bên trong nó thế nào. Nói vậy vì chắc chắn là có thể tháo ra được, nó cũng chỉ lắp ráp thôi, tuy là nó lắp rất chuẩn, không chút khe hở. Tháo ra rồi thì biết là miếng nhựa gắn hai điểm tiếp xúc hai cực sạc bị bong ra. Chỉ việc lắp lại, nhỏ chút keo con voi là lại ok.

Tuy nhiên, cái nam châm để nó tự hút tai nghe vào khi sạc lại bị bong ra. Hì hục lắp được vô, yên chí đóng nắp lại, sạc vô ok. Nhưng không hiểu sao, thay vì nam châm hút vào khi đặt vô lỗ sạc, giờ nó lại đẩy ra? Đoán là đặt viên nam châm trái cực ban đầu. Lại hì hục cậy ra. Lắp cục nam châm này rất khó: kẹp panh thì nó hút cứng vào panh, lỏng ra thì nó hút cứng vào bên loa… Bèn bỏ cục nam châm đi, lắp vào.

Bảng mạch qua kính lúp iPhone, mũi tên chỉ mối đấu dây bị đứt.
Bảng mạch qua ống kính macro iPhone 15 pro, mũi tên chỉ mối đấu dây bị đứt.

Nhưng rồi lại phát sinh vấn đề mới: do nhấc ra nhét vào mấy lần, một cực sạc mảnh như tơ bị đứt. Ôi chao, cái bảng mạch bé bằng cái móng tay, chi chít mối hàn. Bèn chụp cái bảng mạch qua kính lúp iPhone và qua ống kính macro iPhone 15 pro, phóng to lên, tìm ra mối đấu, hàn vào. Cắm thử, sạc ok. Vậy là xong. Biết là cái hộp tai nghe này của Tàu, rẻ bèo (tiên sư anh Tàu, làm giỏi thế 😜), có thể vứt đi thay cái khác. Đặt Shopee, chỉ hôm sau là đến tay. Nhưng sửa được mà dùng lại có cái thú riêng của nó chứ, nhỉ?sạc ok. Vậy là xong. Biết là cái hộp tai nghe này của Tàu, rẻ bèo (tiên sư anh Tàu, làm giỏi thế 😜), có thể vứt đi thay cái khác. Đặt Shopee, chỉ hôm sau là đến tay. Nhưng sửa được mà dùng lại có cái thú riêng của nó chứ, nhỉ?

Hoá ra, làm được cái gì, đưa kinh nghiệm lên mạng để ai đó có hứng mà làm theo cũng hay. Có việc mà làm, mang lại lợi ích dù không đáng bao nhiêu, nhưng mang lại niềm vui chinh phục lại rất đáng để làm đấy chứ?

(19/4/2024)

VỀ NGƯỜI CHỊ TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH VÀ HOÀNG CẦM


(Viết và post bài trên xe bus Hà Nội-Vĩnh Yên-Hà Nội. 15/4/2024)

Tình cờ lần đầu tiên tôi đọc được bài thơ về Chị của Nguyễn Bính (xem cuối bài). Chính cảm xúc của bài thơ này đã giúp tôi chỉ trong vòng 20-30 phút đã viết xong bài thơ “Một ngày trời đổ cơn mưa”. Tôi biết đây là bài thơ mình ưng ý, chỉ còn việc sửa chữa đôi chút sau mỗi lần đọc lại. Lâu lắm tôi không viết được bài (gọi là) thơ nào, những bài mà tôi thấy tâm đắc, nó gây xúc động mạnh cho chính mình (và cho người đọc) khi viết, khi đọc.

Tôi nghiệm ra là có những bài thơ tác động được đến mình khi đọc, theo cái nghĩa nó hâm nóng cảm xúc thơ của mình, để mình có thể viết ra được thơ. Thơ viết ra hay hay không, còn tuỳ cảm xúc được hâm nóng đó đủ nhiều hay ít. Nếu nhiều thì viết ra một mạch thật nhanh và kết thúc gọn bài thơ, thường đó là bài thơ hay. Cảm xúc ít, không đủ chín thì thường viết dang dở và có cố hoàn thành cũng không ưng ý.

Quay trở lại chủ đề thơ về Chị mà tôi biết, có nhiều người nổi tiếng viết ra. Nguyễn Bính nổi tiếng về thơ lục bát, nhưng thơ về Chị thì tôi vừa được đọc bài “Thư cho Chị” và lập tức bị hâm nóng cảm xúc để viết ra bài thơ nói trên. Tôi nghĩ đến “Lá Diêu bông” của Hoàng Cầm, bài thơ quá nổi tiếng và thử tìm hiểu các bài thơ về Chị của hai Thi nhân kia. Biết được nhiều điều thú vị về người Chị của hai nhà thơ, về tình cảm của họ dành cho Chị theo những tâm thế khác nhau.

Hoàng Cầm (sinh năm 1922) thì từ 12 tuổi đã đa tình, yêu chị 20 tuổi theo kiểu luyến ái nam nữ, theo cách riêng của mình. Nguyễn Bính (sinh năm 1918) thì do thiếu tình cảm của mẹ từ bé (mẹ mất khi mới 3 tuổi), không có chị hay em gái nên đã cảm mến người chị hơn 8 tuổi, vốn là người yêu (ngoài luồng?) của anh trai. Tình yêu của Nguyễn Bính với chị, do đó mang nặng kiểu tình cảm gia đình, không theo kiểu luyến ái nam nữ. Tuy nhiên, có lẽ là Thi sĩ nên khi làm thơ, họ không ngại ngần biến thứ tình cảm đó thành tình yêu. Và “Thư cho chị” là kiểu tình yêu như vậy, em yêu chị và chị thì đã có người mình yêu? Đó là nỗi buồn của người rất yêu mà không được yêu lại: day dứt, tủi hờn và buồn thảm…

Cả Nguyễn Bính và Hoàng Cầm đều từ tình cảm dành cho người phụ nữ lớn tuổi hơn, người Chị mà cho ra những bài thơ gây xúc động cho người đọc nhiều thế hệ. Tuy họ viết về người Chị theo kiểu tình cảm khác nhau, nhưng điểm chung là hết sức chân thực nên độc giả nhiều thế hệ sau đều bị họ hay thơ của họ mê hoặc. Có lẽ, một điểm chung nữa: họ đều là những tài năng thi ca của dân tộc, một dân tộc vốn rất nhiều những thi nhân đỉnh cao như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương…

Cuối cùng, không thể không nhắc đến hậu thế của các thi nhân trên, họ cũng rất thành công khi viết về chị của mình như Trần Tiến với bài hát “Chị tôi” mà ai cũng biết. Như Chu Vĩnh Phương, có lẽ ít người biết hơn, cũng viết về người Chị thân thương của mình (xem cuối bài), mà có lần tôi đã bình về bài thơ này của anh. Cầu chúc cho anh an lành nơi miền cực lạc… Và riêng tôi, khi chị thứ hai mất, ngoài bài viết chân tình tiễn đưa chị, tôi cũng mượn lời anh rể, gián tiếp viết về chị của mình:

NỖI NIỀM
(Thay lời anh rể TMT)

Em về với mẹ với cha
Để anh lẻ với chiếc nhà quạnh hiu
Để khi nắng sáng mưa chiều
Anh âm thầm với bao nhiêu nỗi buồn

Chẳng bao giờ hết nhớ thương
Để anh thấm nỗi đoạn trường không em
Xuống nhà. Im ắng. Lại lên
Ngẩn ngơ khi thấy bóng rèm khẽ lay…

30/12/2016
(Sau những lần nghe anh tâm sự)


CHỊ TÔI
(Chu Vĩnh Phương)

Lỡ duyên rồi lại lỡ lầm
Chị đành ở vậy âm thầm xót xa

Rời làng theo bước người ta
Nắng mưa ga xép, hanh sa lâm trường
Một đời chịu khó chịu thương
Lúc vui chị khóc, khi buồn lặng đau

Cậy ai nương náu mai sau
Mẹ cha đành vậy, lòng đau mấy phần
Ông bà đã khuất cõi trần
Các em thơ dại, chị thân héo mòn

Ấp ôm đứa cháu sớm hôm
Sống lần hồi với xóm thôn tháng ngày
Cầu trời hương khói gió bay
Khấn đất, đất chín tầng dày lặng im!


THƯ CHO CHỊ
(Nguyễn Bính)

Viết cho chị cánh thư này
Một đêm lữ thứ em say rượu cần
Nhớ người cách một mùa xuân
Hình như người đã một lần sang sông
Ồ! say! thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị ơi!
Làm sao giấc ngủ không dài
Sao đêm không ngắn, mà trời cứ mưa ?

Làm sao em sống như thừa
Cố đem men rượu tẩm vừa lòng đau
Kể từ hai đứa thôi nhau
Em thường chả có đêm nào không say

Sao em đơn chiếc thế này ?
Sao em lại khóc như ngày chị đi …?
Ở đây còn có vui gì!
Vườn dâu xa lắm! lối về chị xa

Con đường sang xóm Trữ La
Cách một ngày ngựa, cách ba ngày đò
Lúc này em nghĩ mà lo
Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời!

Hôm qua có chuyến đò xuôi
Toan về Hà Nội lại thôi không về
Em trồng được một cây lê
Hẹn bốn năm nữa thì về hái hoa

Nhưng là vườn đất người ta
Mình là khách trọ một vài đêm thôi
Sáng mai có lẽ em xuôi
Nếu không đãng trí và trời không mưa

Nhưng mà khăn gói gió đưa
Lại về Hà Nội thì chưa muốn về
Đò thuê, ngày ngựa cũng thuê
Sang nhìn qua kẻ lỗi thì sang sông

Ồ! say! thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị cho ?

—– Hết—–

Về Trung Quốc


(Nghĩ rộng ra khi xem phim TQ)

1- Cần phải khẳng định ngay đây là một đất nước hùng mạnh về mọi mặt: Quản lý đất nước, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật… Là đất nước duy nhất có riêng một trạm Vũ trụ có khả năng thay thế trạm vũ trụ đa quốc gia ISS trong tương lai gần. Hệ thống giao thông của Trung Quốc phát triển nhanh nhất và tiên tiến nhất trên thế giới. Đến mức một sinh viên từng học ở một thành phố lớn nào đó, sau khi ra trường dăm năm quay lại, đã bị lạc trong chính thành phố mà anh ta từng quá quen sau mấy năm Đại học. Ví dụ, hồi đang học chỉ có 1-2 tuyến tàu điện ngầm, sau 3-5 năm ra trường quay lại, anh ta bị lạc vì có đến gần 20 tuyến tàu điện ngầm mới…

2- Là một đất nước theo một cách nào đó có ý thức (?) “lợi mình hại người” tầm cỡ quốc gia? Riêng trong nước thảng hoặc cũng xảy ra tình trạng đó nhưng có thể chỉ mang tính riêng lẻ? Ví dụ thì có nhiều, ai cũng có thể nghĩ ngay ra trong đầu, nhưng tầm cỡ quốc gia thì rõ ràng nhất là Tiktok. Phiên bản trong nước cực kỳ có ích cho việc hướng thiện cho người dùng. Nhưng phiên bản quốc tế thì không cần phải nói về sự độc hại của nó, vì ai cũng biết rất rõ. Trong nước thì có “sữa đầu to”, dùng cho trẻ em nhưng không có chút dinh dưỡng nào, thông số dinh dưỡng của sữa là giả mạo, sử dụng hoạt chất rẻ tiền và độc hại.

Riêng về giáo dục dân trí và đạo đức xã hội, phim ảnh của Trung Quốc dành cho nội địa, đặc biệt thông dụng cho công chúng là phim truyền hình, tính giáo dục của phim rất cao. Một mặt TQ có ý thức kiểm duyệt chất lượng chặt chẽ, hầu như không lọt ra đại chúng phim độc hại (mà VN đang chiếu mỗi đêm?). Phần khác, chấm điểm người xem phim truyền hình thông qua tỷ lệ rating sau từng đêm sẽ quyết định chính xác phim thành công hay không để sản xuất tiếp hay dừng lại. Tức là khả năng phim kém chất lượng được lưu hành ra công chúng là rất ít. VN được xem phim tốt của TQ là vì đồng thời xem phim chiếu song song với các đài truyền hình các địa phương của họ.

3- Tính giáo dục của một bộ phim truyền hình thuộc hàng top (mà may mắn VN được xem song song) ưu việt ở chỗ có tác dụng phủ sóng mọi thành phần, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và giới tính… của xã hội. Nó khiến cho một cô gái vừa trở thành công chức biết ứng xử ra sao trong môi trường cạnh tranh của công ty; một giám đốc biết điều hành thế nào để cty vượt lên, trở thành hùng mạnh; một nhà báo hay luật sư phải hành xử nghề nghiệp như nào để tồn tại có ích cho xã hội; một ông chồng hay bà vợ phải đối xử với một nửa của mình, với gia đình, con cái ra sao để đạt được hạnh phúc bền vững…

4- Pháp chế, chế tài của TQ cực kỳ hiệu quả và kịp thời. Mọi biểu hiện làm suy đồi đạo đức gia đình xã hội hay chuẩn mực phát triển lành mạnh của đất nước đều bị xử lý nghiêm khắc và tận gốc rễ. Chính vì thế mà hẹp trong phạm vi gia đình, làng xã, khu phố; rộng trong phạm vi các thành phố, các tỉnh hay trên toàn quốc, sự vận hành của các bộ máy đều khá trơn tru và hiệu quả. Đó chính là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của TQ trong những thập niên gần đây.

Sức ép của TQ lên VN là có thật và không thể coi là không gây cho chúng ta nhiều khó khăn, ở nhiều thời điểm. Nhưng thừa nhận mặt mạnh của họ để học tập và khắc chế khi cần là tư duy sáng suốt mà không chỉ lãnh đạo VN cần có mà mỗi chúng ta cũng nên có. Đó chính là lý do mà mình phải dành ra hàng tiếng đồng hồ ngồi gõ Smart Phone để lưu lại những dòng này. Vẫn biết ít người đọc những gì dài dòng và… hại não, nhưng người viết nhiều khi là vì chính mình mà không sợ mang tiếng ích kỷ (?). Vả chăng, viết cũng chính là cách rèn luyện sức khoẻ tinh thần, hệt như khi ta đạp xe loăng quăng hay chạy bộ mỗi sáng để rèn luyện sức khỏe thể chất vậy…

21/4/2023

Đu trend?

Tình cờ đọc được chia sẻ của anh bạn Thuc Nguyen cái status của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Comment trả lời bạn Thục rồi, vẫn cứ thấy: hoá ra ĐU TREND (mà báo CAND giải thích là “Trend”, một từ tiếng Anh mà có lẽ chúng ta đã quá quen. Nó là “xu hướng”, là “thịnh hành”…) không chỉ là trào lưu của giới Gen X, mà còn len lỏi vào giới học thuật nghiêm túc như Hội nhà văn và Trường đại học?

Hoá ra, miễn là Trend, ai cũng cứ bất chấp mà “nhào zô”? Trong bài viết ông Chủ tịch hội đưa ra một tin tức nghiêm túc, là Lễ ký kết hợp tác (gì đó?) giữa Hội nhà văn với Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Bảo tàng Văn học VN. Sau đó là một TREND đang sốt xình xịch hiện tại, liên quan đến Chat GPT. Mà để ý đi, ngay cái tít ông Chủ tịch cũng viết chưa chuẩn về cái TREND mà ông ý đang đu?

Thôi, hãy bàn về cái gọi là Toạ đàm sau lễ ký kết này, mà tôi tin chính là cái “đinh” mà Ban tổ chức muốn ghim vào cái lễ ký kết kia: về ảnh hưởng của AI đến Viết-đọc. Và đó là cái cớ để các tổ chức nghiêm túc… ĐU TREND: nói như đúng rồi về Chat GPT. Nói vậy vì người ta quảng cáo siêu đến nỗi: ai ai cũng háo hức về thứ trí tuệ nhân tạo thời 4 (hay 5) chấm không có thể tài giỏi hơn con người.

Đến mức, ai cũng muốn “ghẹo”một chút vào mấy từ Chat GPT cho sang chảnh? Dù nó thực sự chưa được chính thức sử dụng tại Việt Nam. Tức là, đa số chỉ gọi là “bắc nồi hông nghe hơi”, qua thông tin quảng cáo và qua một vài ông biết thì ít mà “tỏ ra nguy hiểm” thì nhiều ? Dễ hiểu là khán giả buổi toạ đàm chả biết nói gì nhiều, chỉ đọc vài bài thơ (được cho là) Chat GPT làm ra? Rồi cũng tỏ ra… nguy hiểm (?) bằng cách ồ à với nhau cho xôm tụ?

Cuối cùng, hội thảo chốt lại một câu hỏi: Trong tương lai, Chat GPT tác động thế nào đến sáng tạo (viết-đọc) của con người? Hỏi khó, vì ở Việt Nam nói riêng, thậm chí là trên thế giới nói chung, đã ai thực sự trải nghiệm về Chat GPT mà trả lời? Có khác chi bắt các ông trả lời câu “Nếu là chồng hoa hậu Thế giới, ai sẽ chuẩn bị bữa sáng cho hai người?” (Comment trong bài chia sẻ của bạn Thục). Có thể thêm ví dụ, hãy trả lời câu hỏi “Trong tương lai, khi đi uống cà phê với một con ma, ai sẽ là người thanh toán khi ra khỏi quán”. Trả lời được các câu hỏi trên, chết liền?

À quên, tôi cũng muốn kết thúc bài này bằng một TREND mới cứng: “Đúng nhận, sau cãi!!!”. A hô hô… 😫😫😫

Tản mạn về Thơ

Xin nói trước là tôi không định nói gì về Thơ, mà chỉ test xem mình còn viết ra cái gì nữa không. Lâu quá rồi, từ năm 2014 khi không đi dạy nữa thì tôi ít viết dần rồi hầu như ngưng hẳn. Nói viết, là khi viết ra bài ra vở hẳn hoi, đòi hỏi đầu tư “chất xám” và cảm xúc dài hơi. Chứ gọi là viết năm câu ba điều kiểu Status ngăn ngắn trên Phây, thì tôi thi thoảng cũng mổ cò trên điện thoại rồi thản nhiên cho ra lò.

Hôm nay đi bộ ra hồ Giảng Võ, mưa phùn vẫn rơi và đường sá nhớp nháp, nhưng với tôi thì không nhằm nhò gì. Không phải vì tôi ở bẩn nên không thấy bẩn như thiên hạ thấy? Mà tôi coi mục đích là tối thượng, mọi cái không liên quan đến mục đích là chuyện nhỏ, có thể bỏ qua. Như đi bộ là mục đích, mưa phùn đường sá nhớp nháp là chuyện nhỏ, đại loại thế.

Rồi. Nói chuyện đi bộ. Tôi đi bộ mỗi sáng. Chuyện này nói rồi, ai khó tính có thể bĩu môi: cha này nói hoài. Sorry. Chuyện là tôi đi bộ cứ cắm cúi đi, rồi tự động đi đủ vòng hồ, tập đủ các động tác vận động các khớp: hông, cổ, vai gáy, gối… nhưng trong đầu vẫn nghĩ đủ thứ chuyện. Do vậy mà tôi cứ cắm cúi đi, không để ý đến ai xung quanh, càng không thích bắt chuyện với ai như nhiều đám ồn ào ngoài hồ. Có khi cũng là dịp tôi tự bào chữa cho tính (xấu?) không ưa giao tiếp của mình?

Anh cả tôi ngồi giữa cuối bàn.

Như hôm nay, tôi nghĩ về anh cả tôi (tính theo nam, là bác Huyên) hôm về rằm. Không biết nhân mạch chuyện nào đó, anh nhận xét: xưa đọc Thi nhân Việt Nam thấy nhiều nhà thơ hay. Giờ đọc lại thấy nhiều bài rất thường. Tôi thấy anh đúng. Cũng hơi ngạc nhiên vì không phải ai cũng nói ra được điều đó. Phải nghĩ nhiều lần về điều đó rồi nhân mạch chuyện mà thốt ra vậy. Anh tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, đã từng xông pha ngoài đời nhiều năm, lại có năng khiếu văn chương thơ phú nên đã nói vậy hẳn là đã nghiền ngẫm nhiều rồi?

Tôi đồng ý với anh vì từng biết nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiếng từng gặp cảnh tự nhiên mất cảm hứng, thời gian dài không viết được gì ra hồn. Lê Lựu nói đại ý: nhiều ngày đánh vật không được trang nào. Có cố mà viết ra rồi hôm sau lại xé sạch (hồi các ông còn viết tay ra giấy), từng lo lắng có khi bị tạch đời văn bút? Nhà thơ cũng vậy, khi bị mất cảm hứng có cố ra thơ cũng chỉ ra loại thứ phẩm.

Hôm đó nhân tiện. tôi kể mình từng chê bài “Tương tư chiều” của Xuân Diệu, bảo đó là loại thơ kỹ thuật xếp chữ, ghép vần. Có thể ông từng có cảm hứng về đề tài đó nhưng rồi chưa kịp viết xong bài thơ thì cảm hứng tắt ngấm. Tiếc cái tứ thơ mà hì hục ghép nối thành bài? Ví dụ những câu này chỉ đơn thuần là ghép chữ, ghép vần, chả truyền cảm xúc gì cho người đọc: “Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối/ Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành/ Mây theo chim về dãy núi xa xanh/ Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ/ Không gian xám tưởng sắp tuôn thành lệ/ Thôi hết rồi còn chi nữa đâu em/ Thôi hết rồi gió gác với trăng thềm/ Với sương lá rủ lên đầu gần gũi/ Thôi đã hết hớn ghen và giận dỗi/ Được giận hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu/ Anh một mình nghe tât cả buổi chiều/ Vào chầm chậm ở trong buồn hiu quạnh/ Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi/ Anh nhớ anh của ngày tháng xa xôi/ Nhớ đôi môi em cười ở phương trời/ Và đôi mắt em nhìn anh đăm đắm”.

Vậy mà hồi xưa, khi đang học cấp 3, tầm 15-16 tuổi, tôi từng nắn nót chép nguyên xi bài đó vào sổ thơ của mình. Có lẽ ấn tượng nhiều về câu chữ sến súa của bài thơ, cộng tên tuổi lẫy lừng của Xuân Diệu nên giờ vẫn nhớ để đọc vanh vách, chỉ khác là đã thấy nó nhạt và thiếu cảm xúc thực sự từ con tim tác giả để không chạm đến con tim độc giả?.

Nói vậy không phải để chê tài của nhà văn nhà thơ mà kỳ thực là con người chịu ảnh hưởng nhiều từ đời sống, từ xã hội và vô vàn tương tác khác nên cảm xúc không phải lúc nào cũng thăng hoa để luôn viết ra những bài thơ hay. Nói thực là dù tài giỏi, trong chục bài thơ viết ra, có khi chỉ được vài bài gọi là để đời mà chính tác giả cũng cảm thấy hài lòng. Còn lại chỉ thường thường bậc trung, thậm chí là dưới mức trung bình.

Bài thơ hay nhất định là phải cảm xúc thực của mình, trọn vẹn từ đầu tới cuối. Nghĩa là có cảm xúc, phải đủ chín muồi rồi viết một mạch ra, xong xuôi chỉ chỉnh sửa đôi chút để hoàn thiện. Cảm xúc mãnh liệt mà không đủ tới, viết chưa thành bài, phải gia công câu chữ, vần điệu thì coi như hỏng, không thể là bài thơ hay được. Có vài ví dụ về thơ giàu cảm xúc thực, tác động được đến cảm xúc người đọc như Xuân Quỳnh. Chị có nhiều bài thơ có thể gọi là rút ruột con tằm mình để ra tơ? Ai cũng có thể tự tìm cho mình những bài thơ của chị để làm ví dụ cho ý này.

Lại có người chỉ viết đôi bài rồi biến mất lặng lẽ, khiến sau này nhiều người nhắc đến với nhiều cảm phục. Như bài “Hai sắc hoa Tigon” của TTKh. Có thể kể bài “Không đề gửi mùa Đông” của bác sĩ (?) Thảo Phương. Bài hát thì có thể kể “Giấc mơ trưa” hay “Chút nắng vàng bay” của Giáng Son. “Bà Tôi” của Nguyễn Vĩnh Tiến, hay gần đây là Phan Mạnh Quỳnh với “Ngày chưa giông bão”; “Có cháng trai viết lên cây”…

Hóa ra là mình già rồi thật, vì còn định viết nhiều lắm mà đã thấy muốn ngả lưng rồi. Than ôi, phải thành thực mà trả lời “No” khi tự mình hỏi rằng ta có thể chống lại tuổi già đang xồng xộc đến không? Đi bộ để hòng kéo dài độ trẻ thể xác, viết lách để hòng kéo dài độ trẻ tinh thần. Mà xem ra cả hai cách đều không ngăn nổi ta đang già đi. Trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi!!! 😂😫

19/2/2023

Phố làng ngày rằm 2023
Phố làng ngày rằm 2023

Sự tương ứng cảm xúc (2)

1– Phi lộ.

Tuổi tôi năm nay đã gọi là “Cổ lại hy” rồi nhưng khi nghe một bài hát, đọc một bài thơ giàu cảm xúc, vẫn thấy dâng trào một sự rung động tương ứng nào đó, khiến cho tâm hồn xốn xang… Ví dụ là bài hát “Hôm nay tôi buồn” – Phùng Khánh Linh sáng tác và tự hát.  “Mưa nhớ” của Tiên Cookie, Hòa Minzi hát…

Sáng nay đọc được bài thơ “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Thanh Tùng (thực ra là người ta biết nhiều qua bài hát do Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc) do FB Trùng Dương Nguyễn giới thiệu, bỗng dưng lại thấy một sự xúc động mạnh mẽ, khiến mình muốn viết gì đó về bài thơ, bài hát này.

Kể cũng lạ: sao mình lại dễ xúc động đến thế, kể cả những cảm xúc tuổi trẻ trong các bài hát, dường như chẳng hợp tẹo nào với tuổi tác mình? Phải chăng đó cũng là một tiêu chí đánh giá sức khỏe của mình: tinh thần còn thấy trẻ trung yêu đời thì sức khỏe vẫn còn sung mãn?

Dù sao thì thực tế là vẫn nguyên vẹn những rung động ấy và tôi thì muốn thử xem mình còn viết ra “cái gì” không, như hơn chục năm trước đã từng viết về “Hoa tầm xuân”, về “Như tiếng hạc bay” về “Thỏ lặn ác tà”... Những câu thơ hay bài hát khiến mình bật dậy những sự TƯƠNG ỨNG CẢM XÚC…

2– Thời hoa đỏ

Phải nói ngay rằng, đây là một bài thơ tình, không hẳn là tình yêu nam nữ dành cho nhau, mà về khát vọng tuổi trẻ của cả nam và nữ. Cả cô gái và chàng trai đều có những cảm xúc lãng mạn về tình yêu và cuộc sống.

“Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
bước lặng trên con đường vắng năm nao
Chỉ có tiếng ve ồn ào mà chẳng cho lòng người yên chút nào
Anh mải mê về một màu mây xa
cánh buồm bay về một thời đã qua”

Chàng trai như từ nơi xa về, dạo bước trên sân trường, dưới hàng phượng vĩ và bồi hồi nhớ lại nững kỷ niệm xưa, có vương vấn đôi chút về hình ảnh một cô gái mà thời ấy có lẽ chưa kịp mở lòng? Thời ấy, phải rồi, đây là một bài thơ, bài hát về thời chiến tranh nên có sự mơ mộng của cháng trai về một lý tưởng cách mạng  của đa phần thanh niên thời đó. Phần nhiều họ rời xa mái trường để xung vào các đơn vị chiến đấu ở các chiến trường. Không phải bỗng nhiên mà bài hát thường được biểu diễn trên các sân khấu có chủ đề cách mạng, về thời chiến tranh.

“Em thầm hát một câu thơ cũ
về một thời thiếu nữ say mê (về một thời hoa đỏ diệu kỳ)
Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi
cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi
như nuối tiếc một thời trai trẻ”

Cũng với tâm trạng như thế, cô gái tràn đầy sức sống nhưng cũng thấy tiếc nuối đã không kịp ngỏ lòi với chàng trai thuở tuổi học trò? Để cứ đến mùa hoa phượng đỏ, lại day dứt (và thổn thức?) về một thứ tình yêu mơ hồ nhưng đầy cảm xúc rất thực đã từng gây xao xuyến tâm hồn mình mỗi khi nhớ đến.

 Và cả chàng trai và cô gái đều đã từng giấu (ngay cả) lòng mình những tình cảm yêu thương dành cho nhau, khi cả trong câu thơ viết ra cũng để khuyết tên của người trong lòng mình?

“Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
ta nhìn sâu vào trong mắt nhau
Trong câu thơ của em anh không có mặt
câu thơ hát về một thời yêu đương
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say”

Có điều, tuy không nói ra nhưng cả hai đều hiểu thấu tâm trạng nhau, dù họ chỉ lặng im không nói “khi nhìn sâu vào đôi mắt nhau”:

“Sau bài hát rồi em im lặng cái lặng im rực màu hoa đỏ
sau bài hát rồi em như thế em của thời hoa đỏ ngày xưa
sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa”

Bài thơ man mác buồn nhưng không hề ủy mỵ nên rất dễ hiểu là nó thuộc loại ca khúc cách mạng rất được ưa chuộng, ngay cả những khi cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất. Nó còn góp phần tạo nên sức sống yêu đời cho các chàng trai cô gái hăng hái ra tiền tuyến khi mang trong mình những kỷ niệm về “một thời hoa đỏ diệu kỳ”:

“Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi”

10/12/2022 (Viết xong biết mình đã già đi kha khá rồi)

Về một bài thơ hay.

Mỗi năm một lần, Facebook nhắc lại những bài viết cũ cùng ngày của các năm trước. Năm nào tôi cũng đọc lại và thấy chùm (gọi là) “Thơ vỡ” của Nguyễn Đinh Xuân vẫn hay như ngày nào. Xuân vốn là học viên Khóa 23 khoa Vũ khí, Học viện KTQS, từng học môn Thủy lực Máy Thủy lực tôi dạy nên sau này về Báo Quân Đội Nhân dân, gặp nhau trên Facebook vẫn gọi là thầy. Lần đầu tiên tôi “đánh dấu” cảm tình của mình với chùm “Thơ vỡ” của Đình Xuân bằng bài vịnh vui vui, đặt tên là “Vịnh Thơ vỡ” tặng Xuân.

Lần này thi tôi muốn viết đôi dòng để thử lý giải tại sao (theo tôi) đó là chùm thơ hay. Lâu không giao lưu với Xuân, rồi khi tìm lại được trang FB cá nhân, thấy tác giả chúm thơ dường như ít lên FB? Trên mạng, có người hay lên, có người ít lên, thậm chí có người… “biến mất”, tôi coi đó cũng là chuyện thường, vì ai cũng có lý do riêng của mình. Sáng nay đi bộ, tôi chỉ nghĩ về chuyện: tại sao đó là chùm thơ mình thấy hay. Và bây giờ thì ngồi gõ lại, như một cách… “tẩy rỉ” cho bộ não của mình vậy.

Thơ hay, tôi đã từng viết đôi điều gọi là lý giải theo ý mình. Riêng có những điều, giờ tôi ngộ ra thêm mà trước đó chưa viết. Tuy nhiên, lần này thì tôi thấy lẽ ra đây mới là những lý giải quan trọng nhất? Giờ thì tôi thử sắp xếp lại những suy nghĩ về nó, về những điều phải có để bài thơ được gọi là hay. Tôi muốn nói về ngôn ngữ thơ. Tại sao vậy? Vì chẳng phải là dù Thơ, Văn hay nói chuyện với nhau, vẫn chỉ là ngôn ngữ thôi sao? Giờ còn có ngôn ngữ Thơ? Vâng, chính xác đó là ngôn ngữ Thơ. Để tôi từ từ diễn giải ý của mình ra vậy.

Thế này nhé. Để viết ra Văn, Thơ hay chuyện trò, ta đều dùng ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ viết hay nói thì cũng vậy. Nhưng để thành thơ thì ngôn ngữ nhiều khi không “trực chỉ”- tạm gọi thế- khi tác giả muốn nói lên điều gì đó. Để có Thơ hay, ngôn ngữ càng xa dần tính “trực chỉ” đó. Tạm hiểu thế này, ngôn ngữ “trực chỉ” khi viết, gần với ngôn ngữ khi nói chuyện. Ta lập tức hiểu ra điều mà người viết hay người nói muốn thể hiện điều gì đó. Nhưng ngôn ngữ Thơ, nó nặng về ám chỉ hay đúng hơn là nó khơi gợi cho người đọc về một thứ tình cảm ẩn giấu nào đó mà người viết đang muốn nhắm đến.

Thơ hay là khi ngôn ngữ ám chỉ này của tác giả đánh thức được thứ tình cảm trong người đọc in hệt như của mình. Điều đặc biệt là người ta (bao gồm cà những nhà thơ có ít nhiều những bài thơ hay) ít khi sở hữu được cho mình những “ngôn ngữ thơ đặc biệt” ấy trong bài thơ của mình.. Vì vậy, đa phần chỉ viết ra được những bài thơ bình thường, tác giả và người đọc, đọc rồi quên đi. Không như những bài thơ kia, đọc lên thấy rung động thấu tận tâm can, không chỉ một lần, mà mỗi khi đọc lại…

Có nhiều ví dụ về những bài thơ có ngôn ngữ thơ đặc biệt, như bài “Không đề gửi mùa Đông”, cũng tức là bài “Nỗi nhớ mùa Đông” của nữ sĩ Thảo Phương, sau này nhạc sĩ Phú Quang dựa vào đó có bài hát “Nỗi nhớ mùa Đông” rất hay. Ngôn ngữ Thơ trong bài thơ và do đó trong bài hát của tác giả đã kích hoạt tâm trạng của người nghe gần như cùng tần số, khiến cho nó ám ảnh mãi khi ta đọc thơ hay nghe bài hát.

Để tôi nói rõ về khái niệm “ngôn ngữ thơ” tôi tự đặt ra, qua ví dụ về bài thơ này. Chẳng hạn như bắt đầu là “”Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi”. Đó là ngôn ngữ Thơ. Bởi nếu không, sẽ nôm na là: Mùa Thu đã qua rồi. Mùa Đông đang ngoài cửa. Lá vàng cuối cùng cũng rụng nốt. Cảm giác như ai đó đã bỏ ta mà đi vậy. Ngôn ngữ thơ đã đánh thức nỗi nhớ của bất cứ ai có tâm trạng ấy: Xa miền Bắc, nghe một tiếng gió ngoài cửa, nhìn một chiếc lá rụng… cũng nhớ đến quay quắt mùa Đông.

Hay tiếp theo: “Nằm nghe xôn xao tiếng đời/ Mà ngỡ ai đó nói cười/ Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy/ Giờ đây cũng bỏ ta đi”. Bình thường, không ai nói “Xôn xao tiếng đời” và sao tự nhiên lại xuất hiện “Cánh buồm xưa ấy” để mà nhớ? Đó là thứ ngôn ngữ đặc biệt đột nhiên cựa quậy xuất hiện, giúp nhà thơ viết ra diễn tả nỗi lòng mình và chính nó đã chạm đến nỗi lòng của người đọc nữa. Cánh buồm cô đơn trên biển mù xa là hình tượng, nó góp phần miêu tả nỗi lòng tác giả và tác động cả đến người đọc, nó là ngôn ngữ Thơ đấy.

Còn nhiều nữa. Nhưng trên kia, tôi nhắc đến chùm “Thơ vỡ” của Nguyễn Đình Xuân và khen hay. Giờ tôi dành một chút để lý giải cái hay của nó, theo tôi. Ví dụ:

THÌ THẦM ĐÊM
Cả tiếng lá cũng xơ xác đợi em
Những mắt đèn quầng lên trong im lặng
Em gần đấy mà một người trống vắng
Phố chung mơ day dứt sự chia phôi.

Đây rõ ràng là ngôn ngữ thơ, nó gợi sự liên tưởng chứ không “trực chỉ”: “Tiếng lá” chỉ tiếng động và “xơ xác” chỉ hình ảnh. Nhưng khi viết “Cả tiếng lá cũng xơ xác đợi em” thì ta hiểu tâm trạng của của chàng trai khi bị cô gái bỏ rơi. Nguyễn Du viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” chính là vận vào trường hợp này. Chàng trai thất tình cho rằng tiếng lá cũng não nề, xơ xác như tâm trạng mình? Tương tự vậy, chàng ta cũng cho rằng, đèn phố cũng quầng thâm thiếu ngủ, đến con phố cũng day dứt như tâm trạng mình? Đó là ngôn ngữ Thơ, ngôn ngữ hình tượng, ngôn ngữ gợi sự liên tưởng…

Con đường xưa em đã đi với ai
Gió không thổi thì thầm bên tai nữa
Nỗi nhớ nén trong khuông lòng đóng cửa
Để riêng đêm lại mở ngắm hình hài.

Đây lại là sự giãi bày. Giãi bày tâm trạng mình. Nối nhớ nén lại, chỉ mở ra khi đêm về vì những đêm hai người đi bên nhau trước kia đã khắc sâu vào tâm khảm, giờ thì chỉ còn lại một người thôi. Không còn tiếng thì thầm bên tai và người ấy thì đã đi cùng ai trên lối cũ?… Còn nhiều nữa, cả ở những bài khác trong chùm thơ nhưng tôi tạm dừng lại… Vì bài đã dài và quan trọng là tôi đã nói được phần nào ý mình.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, cả một bài thơ, không nhất thiết phải nén chặt những ngôn ngữ thơ. Một phần vì nó là thứ của hiếm ông Giời thảng hoặc mới ban một chút cho ai đó biết nắm bắt tức thời và thi triển nó ra. Huống chi là của hiếm không nên thừa thãi? Phần khác nó chỉ cần đủ liều lượng cho một bài thơ hay. Tất nhiên, người thực sự tài năng thì đủ sức phân phối để ngôn ngữ thơ kết tinh thành một tuyệt phẩm để đời. Truyện Kiều là một trong số những tuyệt phẩm như vậy.

Cuối cùng, chắc chả ai cự nự chuyện tôi đưa thứ “của nhà giồng được” vào đây làm ví dụ?😜 Đây là ngôn ngữ thơ trong một bài thơ của chính mình:

THU HÀ NỘI.

Hồ Gươm mờ trong sương chiều
Dập dìu người đi dạo phố
Lá vàng rơi trên lối nhỏ
Chuông chiều rơi trong thinh không…

Người về nhớ mùa Thu không?
Hà Nội Thu vàng mấy độ
“Bữa ấy có người qua ngõ
Sau lưng thềm lá rơi đầy…”

Đọc trên Facebook:

Đọc lên, ta thấy được tâm trạng của mình trước mùa Thu nao nao đã dần qua. Và “Người về” tuy không chỉ rõ là ai nhưng thực ra là chỉ bất cứ ai khi bắt gặp mùa Thu ấy, khi nhớ về “ai đó” có thực hay tưởng tượng ra, như đã từng lưu dấu trong tâm tưởng của mình…

PNH: 19-11-2021

Tản cư

Hồi tôi còn bé tý, tầm 195mấy, đã chứng kiến diễn tập tản cư. Nghĩa là cấp trên chỉ đạo các địa phương cho dân chúng những vùng có khả năng giặc Pháp đổ bộ diễn tập… chạy giặc. Giữa đêm hôm, bỏ nhà cửa, gói ghém đồ đạc (thường được chuẩn bị sẵn cho tình huống phải di chuyển bất ngờ) dắt díu nhau chạy.

Chạy đi đâu? Thường là chạy xa vùng quê ven biển. Như làng tôi chạy lên Quỳnh Bá, Quỳnh Hồng… lên vùng núi xa xôi. Vì là diễn tập nên thường chạy vài cây số rồi được cho quay về nhà. Tuy nhiên, trong lịch sử kháng chiến, nhiều cuộc tản cư thực sự diễn ra. Trong quá trình đó, nhiều gia đình không có ăn, đường xa chết đói, thất lạc con cháu là chuyện không hiếm.

Như bên nhà vợ tôi, trong một lần tản cư như thế, mẹ vợ tôi đã bị thất lạc. Hay tạm thời gửi một gia đình trên Lập Thạch, rồi thành con nuôi ở đó, trong khi quê là ở tận vùng ven biển Giao Thuỷ, Nam Định. May mắn là mẹ vẫn giữ liên lạc được với gia đình nên sau này thành hai quê, gắn bó như nhau.

Điểm qua vậy để thấy vừa qua, dòng người từ Tp Hồ Chí Minh chạy Covid về quê thậm chí còn gợi cho tôi sự liên tưởng ghê gớm hơn cả tản cư, chạy giặc thời Pháp. Bao nhiêu gia đình mong manh trên xe máy chạy cả ngàn cây số trốn vùng dịch. Thực ra là trốn cái chết. Chết vì Covid hay chết vì không còn cái ăn, chỗ trú ngụ nơi đất khách quê người. Và không tránh khỏi những cái chết bất đắc kỳ tử trên con đường vạn lý đầy rẫy khó khăn, đau ốm, đói rét…

Chưa ai tổng kết nhưng chắc chắn sẽ có những thất lạc: con cái không tìm thấy bố mẹ mình do đêm tối, do dòng người xô đẩy mạnh ai nấy chạy. Mà xem ra, chạy Covid còn kinh khủng hơn chạy giặc, vì con người thực ra là bị mù, không nhìn thấy cái chết bám vào mình từ lúc nào, từ đâu… Trong khi giặc thì thấy rõ, thậm chí từ xa khi nghe đì đùng tiếng súng để biết mà tránh.

Có ai ngờ. Vâng chẳng ai tưởng tượng nổi ở thời đại bay lên vũ trụ, con người tưởng bá chủ thiên hạ. Lại kinh hoàng, hốt hoảng và đang tỏ ra bó tay chịu chết trước một đối thủ nhỏ bé như vô hình. Và đang run sợ thực sự trước việc đành bó tay thúc thủ vì không biết được còn những biến thể nào kinh khủng hơn Delta. Không biết được bao giờ thì có thể quay lại cuộc sống bình thường…

Giao lưu trên FB

Tản cư nay…
Tản cư xưa…

Cuộc hội ngộ 43 năm…

(Mến tặng các bạn lớp Công nghệ khóa 11, Học viện KTQS: 1976-2018)

Đây là kỳ 17 về Lớp Công nghệ khóa 11, hãy đọc thêm từ kỳ 12 đến kỳ 16:

1. Những năm ở Học viện KTQS, thị xã Vĩnh Yên (kỳ 12)

2. Lớp Công nghệ Khóa 11 (kỳ 13)

3. Lớp Công nghệ Khóa 11 (tiếp). (kỳ 14)

4. Một thời “oanh liệt” của chúng tôi  (Kỳ 15)

5. Cuộc hội ngộ 42 năm (Kỳ 16)

6. Gặp gỡ 46 năm

1. Sự Khởi đầu suôn sẻ.

Bắt đầu là từ buổi kết thúc cuộc gặp mặt trên Tam Đảo năm ngoái, cũng nhằm những ngày kỷ niệm thành lập Học viện, tầm tháng 9, tháng 10. Lúc đó, lớp hãy còn mấy anh chàng đang đương chức, như Hoài Nam, Dương Thịnh… nên vẫn còn chút e dè. Dương Thịnh đề xuất sang năm em nghỉ hưu nên có lẽ lớp nên tổ chức gặp mặt vào đúng ngày tựu trường 15-10.

Dù là lần gặp mặt chính thức đầu tiên nhưng năm ngoái, lớp cũng tập hợp được trên dưới 20 anh chàng hừng hực khí thế, dù bị dọa mưa bão vẫn hoàn thành trót lọt chuyến đi lên Tam Đảo. Năm nay, Hà Chòi làm chuyến du hành ra Bắc, khi gặp nhau nhân dịp Hoài Nam nhận tin chuẩn bị về hưu cũng đã bàn về lần gặp mặt năm nay. Theo Hà chòi, tháng 10 như Dương Thịnh nói là mùa mưa trong Nam, nên phải tổ chức sớm để anh em trong đó tổ chức phượt bằng xe tự lái.

Hà chòi vẽ ra một viễn cảnh mà mình nghe là thấy “hạ đường huyết”: đoàn Sài Gòn đi ra, du hành qua nhiều tỉnh, vừa đi vừa chơi, hẹn gặp đoàn Hà Nội vào, cũng vừa đi vừa chơi các tỉnh rồi hẹn gặp nhau tại Đà Nẵng, là trung điểm của Hà Nội-Sài Gòn!!! Để tiết kiệm, đoàn nghỉ đâu thì vào chợ ăn cơm bụi rồi ngủ nhờ nhà dân… vân vân. Nghe rất chi là dân bụi và đầy vẻ trai tráng (?)

Không muốn hãm cái tâm hồn lãng mạn của thanh niên vừa chớm 60, mình hoãn binh: Hà cứ lên kế hoạch, chọn ngày tháng, mình sẽ tham khảo anh em ngoài nay để thống nhất phương án. Dù vậy, cũng rụt rè đề nghị cho các phu nhân đi dự cuộc gặp mặt. Kết quả rất đáng ngại: không được, các bà tham gia làm sao hợp với cảnh dã ngoại máu lửa như vậy. Mình đành đưa ra một kế hoạch mang tính dung hòa: Rồi, ok. Hà cứ lên kế hoạch, ai đi kiểu dã ngoại thì theo đội Hà chòi. Ai chân yếu tay mềm thì cứ tự đặt vé máy bay hay ô tô, tàu hỏa, miễn là chọn ngày hội sư tại Đà Nẵng.

Cách một tháng là đến ngày hội quân, mình đưa ra cái hạn 4N3Đ, Hà chòi đề nghị 5-6-7-8/9. Mình ok, nhưng anh Trạm đề nghị lùi đến 7/9 để đợi có lương hưu. OK, không có tiền làm sao đi, nên lùi đến 7-8-9-10/9. Nhưng rồi có ý kiến rất thông minh là mấy ngày đó rơi vào cuối tuần, máy bay, khách sạn đắt đỏ. Cuối cùng là chuyển sang thứ 2, bắt đầu từ 9-10-11-12/9 như vừa rồi. Tuy định vậy nhưng vẫn chưa hình dung ra sẽ tổ chức thế nào. Mới đầu là định mỗi người ở một nơi, rải rác cả nước, nên cứ tự đặt vé máy bay, tàu hỏa, ô tô. Ai đi xe tự lái thì lập nhóm, Sài Gòn theo Hà Chòi, Hà Nội theo Hoài Nam, Mai Khánh…

Khách sạn thì cũng tự đặt tùy theo túi tiền từ 2-3-4 sao tại những địa điểm nào đó sao cho tiện hội họp gặp mặt chung. Cũng chưa hình dung ra gặp mặt thể nào, ăn ở ra sao và hoạt động kiểu gì… Định giao trọng trách cho Thanh Lâm khoản chọn Khách sạn, nhưng cũng chưa hình dung ra sẽ làm gì tiếp. May sao, Thiện Khôi bắn cho một cái chương trình 4N3Đ ở Đà Nẵng, với lịch trình gặp mặt và vui chơi rất mạch lạc. Theo đó, chương trình sẽ do lớp tự chọn lựa vì đoàn chỉ riêng lớp mà thôi. Mọi lo toan ăn ở đi lại từ A đến Y (kiêng chữ Z vì dễ có ấn tượng xấu?) đã có Cty lo. Giá cả dự kiến rât dễ chịu. Mình thử đưa cái chương trình sô bộ lên trang của lớp, phản hồi của mọi người rất tích cực. Thanh Lâm thở phào vì lỡ gánh cái trách nhiệm rất chi là mập mở mà chưa biết sẽ thực hiện thế nào.

Mấy hảo hán chủ chốt của lớp như anh Trạm, Khánh Bình, Đức Chung… đều thấy phương án rất OK, vấn đề là hẹn gặp vài Cty để chọn lựa và chốt phương án cuối. Phải công nhận Thiện Khôi là một tay sành sỏi, vì xem cái cách làm việc với các Cty thì mình chỉ biết thán phục: rất cụ thể, thực tế và hết sức khôn khéo khi đàm phán. Về kể với vợ, vợ phán: giao dịch làm ăn phải thế chứ, như anh ba phải, dễ dãi nó nói gì là đồng ý tất, tiền thì trả luôn một cục, ngay và luôn… Quả có thế thật. Vì vậy nên hôm nhóm Trạm, Bình, Chung, Khánh, Hùng, tham gia, Khôi đàm phán chính, mình từng đùa “Hội đồng mua rau” là có ý như vậy. Rơi vào mình thì nó đưa báo giá, là mình lướt qua rồi đồng ý cái rẹt, cho nó nhanh gọn.

Kết quả là được một cái giá rất dễ chịu: 3.050.000đ cho 4N3Đ. Nói vậy vì tính riêng đi Bà Nà Hill cả cáp treo và ăn trưa đã mất 900.000đ/ng theo giá chung. Tàu cao tốc đi Cù Lao Chàm và ăn trưa là 850.000đ/ng cũng theo giá chung. Buổi Galadiner cả tổ chức và ăn uống cũng mất 350.000đ/ng. Vị chi ba khoản chính giá công khai minh bạch đã hết 2.100.000đ rồi. Còn lại tất tật gồm ba đêm ngủ khách sạn 3 sao, ăn sáng miễn phí 3 bữa, xe đưa đón 3,5 ngày cộng 3 đêm, có hướng dẫn viên, 4 bữa ăn chính, nước uống hai ngày hai đêm… chỉ gói gọn trong 950.000đ còn lại! Tuy nhiên, cũng có 1 bữa gặp nhà hàng hơi kém nên bữa ăn dưới mức trung bình, em Ngà phải âm thầm gọi thêm món cho lớp nhưng lại đổ thừa cho các cháu quên đưa ra..

Những hôm sau rút kinh nghiệm, khoản tiền Hoài Nam ủng hộ đã phát huy tác dụng: cơm được bổ sung thêm món, chữa cháy vụ thuê phòng đột xuất ở Hội An để ngủ trưa và mua vé tàu du lịch sông Hàn cho cả lớp… Thế mới biết, có một nhà tài trợ vàng như Hoài Nam hay âm thầm trợ giúp như em Ngà nó quan trọng biết nhường nào. Hy vọng Hoài Nam vẫn tiếp tục, các anh em khác có điều kiện cứ phát huy khi có dịp nhé. Nói vậy vì nếu chần chừ, không khéo những năm sau lại có ai đó không kịp thụ lộc của các nhà tài trợ nữa??? (hehe, bập bập, phỉ phui cái mồm mình…) Nói vậy, nhưng để đi đến một danh sách cuối cùng 32 người tham gia, trong đó có 8 vị phu nhân đáng yêu cũng phải qua một quá trình hết sức kiên trì và khéo léo. Đặc biệt là sự nhiệt tình đeo đuổi không hề nản chí của anh chàng Nguyễn Thiện Khôi. Dù sao thì cuộc hội ngộ 43 năm lần này đã có một sự khởi đầu suôn sẻ như vậy.

2. Những ký ức đáng yêu.

Chẳng ai 43 năm trước, khi còn là lính mới tò te (như Mai Khánh tâm sự, còn hay bị Nguyễn Thành bắt nạt) lại nghĩ đến ngày gần đủ 32 ông già hội ngộ với nhau. Vẫn những khuôn mặt ấy, có phôi pha đi ít nhiều, nhưng tính cách dường như vẫn vậy: anh Trạm nghiêm nghị nhưng hóm ngầm; Văn Pha già tính nhưng vẫn thích nói ngược để pha trò; Mai Khánh luôn tự tin quyết đoán với suy nghĩ của mình, kể cả khi nó hơi bị… sai lè lè(?); Nguyễn Thành hài hước và vẫn… hay bị đi nhầm đường. Có lẽ bị ám ảnh bởi cái tích con dê tìm “lá hãm sướng” mà mình hay kể? Lê Ngọc Hiền vẫn hiền nhưng rất hiểu mọi chuyện đang xảy ra quanh mình; Đỗ Hồng Sơn vẫn cười duyên dáng với những câu chuyện liên quan, tuy nếp nhăn của 43 năm trước vẫn không thay đổi nhiều? Thái Văn Quang vẫn thâm trầm nhưng nội lực rất thâm hậu; Nguyễn Thiện Khôi vẫn hiểu rất chắc những điểm mấu chốt trong câu chuyện với người đối thoại để xoáy vào đó mà hỏi cho ra nhẽ…

Lê Ngọc Hùng vẫn đậm tính cách người Hải Phòng, chắc chắn và dứt khoát, đầy tinh thần trách nhiệm; Trương Khánh Bình tuy trẻ tuổi nhưng rất chững chạc so với đồng niên, có lẽ do ảnh hưởng của cô vợ nhiểu tuổi hơn? Hay ngược lại, vì cá tính mà hợp cạ với cô giáo hơn tuổi mình? Phạm Đinh Cường vẫn trẻ trung, đầy nội lực và giàu tình cảm, cảm giác vẫn như cái thuở còn mít ướt khi yêu cô nàng ở Lương thực Vĩnh Yên; Hà chòi vẫn sắc sảo và thêm thừa tự tin, có lẽ vì giữ chức vụ cao trong Đảng quá lâu? Vũ Xuân Láng hiểu đời từ 43 năm trước, nay càng hiểu hơn và nắm vững phiên hiệu các đợn vị tác chiến ở bất cứ chiến trường nào, khiến Đỗ Hồng Sơn đang sôi nổi chém gió cứ bị ngắc ngứ khi bị Láng hỏi vặn;

Thanh Lâm vẫn sôi nổi nhiệt tình, xưa có vẻ nhát gái nhưng thế nào mà lại thăn được cô vợ giỏi giang và đảm đang quá thể; Trương Hùng cũng như Mai Khánh, học sinh phổ thông vào xưa hay bị Nguyễn Thành bắt nạt, nay đã ngoại lục tuần bụng to bệ vệ, trong khi Nguyễn Thành vẫn thế, giờ ai sợ ai chưa biết nhỉ? Trần Dương Thịnh vẫn như ngày nào, trẻ tuổi đã nghiêm nghị, giờ còn nghiêm hơn vì nhỡ giữ cái chức vụ không nên cười lung tung? Nguyễn Hoài Nam sang tuổi sáu mươi mà vẫn trẻ trung như cái hồi mới lơ ngơ vào lớp. Nay về hưu, kinh tế vững như bàn đá Ngũ Hành Sơn, con cái thành đạt, lại càng yêu đời và tự tin tợn hơn. Tính tình vui vẻ trẻ trung và hào sảng. Hy vọng cuộc sống luôn gặp may mắn để có dịp lại tài trợ cho lớp nữa, mà ngày phải càng nhiều hơn đấy nhé.

Nguyễn Đức Thắng vẫn vậy, nghịch ngầm nhưng thông minh đột xuất khi nghĩ ra kiểu mô phỏng đi nghiêm trên sân khấu đêm Gala khi cả lớp hát bài “Tiến bước dưới quân kỳ”. Mình nghĩ chậm, hai hôm sau mới nhớ là 43 năm trước, hễ hát bài đó là lại hô “mốt hai” cho cả lớp đi đều, vậy mà hôm đó trên sân khấu Đức Thắng gợi ý mà không cho cả lớp lặp lại cú đi đều trứ danh ngày ấy; Quyết chảy, vẫn “già” như ngày xưa, không phải ở tóc bạc đi mà vẫn ít sôi nổi như 43 năm trước, khi vừa là học sinh phổ thông bước vào đời lính của mình. Nguyễn Minh Hòa luôn nhiệt tình tham gia hội lớp, như cái sự nó ắt phải thế. Đang ở tít mù tận xứ Tây Tạng, mà khi nghe Chung cò gọi, đã đồng ý cái rẹt, vài hôm sau đã đặt vé máy bay đi Đà Nẵng đúng ngày hội quân, mang theo nửa tá rượu Tây loại chai bố, to đùng.

Cuối cùng trong danh sách cuộc hội ngộ lần này là Mr. Trịnh Quang Từ, tiến sĩ Tâm lý học vẫn đam mê với vai trò phụ của mình (so với vai trò chính là kỹ sư gia công áp lực), suốt ngày bận bịu với đám học trò cần bằng để tiến thân, chứ tuyệt nhiên không phải vì yêu khoa học, mê những học thuyết tâm lý của thầy. Chợt nghĩ, trong thời buổi thế giới phẳng này, khi mà thông tin tiêu cực về bằng cấp nhan nhản trên mạng, thì may mà anh chàng Tiến sĩ tay ngang này ít chơi mạng, nên mới vẫn yêu đời và yêu nghề một cách hồn nhiên như vậy?

Thật là thiếu galant nếu không nhắc đến các phu nhân đáng yêu của cuộc hội ngộ lần này. Họ thực sự là những bông hoa trong cái tập thể khô khan toàn quý ông của lớp Công nghệ khóa 11, Học viện kỹ thuật quân sự. Quý bà Bích Ngà, phu nhân bạn Lê Văn Hợi hết sức nhiệt tình với lớp của chồng. Vui vẻ tham gia và vẫn thường nhớ về những kỷ niệm thuở xưa, khi còn sống, Lê Văn Hợi hay nhắc đến những chuyện nghĩa tình với lớp. Em Ngà còn âm thầm sửa chữa một phần khiếm khuyết ở nhà hàng “Gạo”, giúp cho bữa ăn của lớp đỡ phần… kém sắc. Quý bà Hồng Kỳ của bạn Trương Hùng, yêu chồng và chăm lo cho ông chồng từng tý một, lại rất hòa hợp với các hoạt động của lớp. Thật đáng ngưỡng mộ.

Quý bà Thanh Loan, phu nhân của Đỗ Hồng Sơn thì nhiều bạn trong lớp biết vì vốn là người của Ban tổ chức, từ hồi là Đại học Kỹ thuật Quân sự trên Vĩnh Yên. Hai vợ chồng gắn bó keo sơn, cũng rất hòa hợp với lớp. Quý bà Thanh Bình, phu nhân của Lê Đình Hải, vốn là con gái của ông Trưởng phòng Cán bộ, từ thời còn là Đại học Kỹ thuật Quân sự trên Vĩnh Yên. Mới biết anh chàng Hải đù này cũng ghê gớm chứ chả chơi, yêu nàng từ khi đang còn là học sinh Trung học? Minh Hải, phu nhân của anh chàng Thái Văn Quang, ai biết được anh chàng này ngầm ngầm mà tay không đoạt mỹ nhân chỉ trong một lần tháp tùng nàng từ Hải phòng quay lại trường ở Hà Nội? Khối anh chàng giờ mới biết qúy bà Minh Hải lại là chị gái Lê Ngọc Hùng.

Quý bà Huệ Lam (gọi là lấy tạm ních FB vì cứ xài quen nên không kịp cả hỏi tên thực, Sorry) là phu nhân của bạn Thanh Lâm, nền nã và nhiệt tình với lớp, có lẽ do quá yêu chồng nên vậy. Cả hai vợ chồng Thanh Lâm và Huệ Lam đã làm cú “chốt hạ”, chiêu đãi lớp một bữa cơm thân mật khi chia tay. Ai cũng bảo đây là một bữa cơm đặc biệt mà có lẽ ít ai có khả năng lặp lại: các bạn từ khắp mọi miền tụ hội tại nhà, sau 43 năm! Phạm Thị Loan, theo một cách nào đó là phu nhân Lê Ngọc Hùng, đã góp phần của mình vào bó hoa tươi thắm 8 bông của lớp. Nói vậy vì đến tận ngày cuối, anh chàng Lê Ngọc Hùng mới đăng ký cho qúy bà Phạm Thị Loan. Dù gì thì cả hai cũng đã góp phần thành công cho cuộc họp mặt lần này. Chuyện riêng của hai bạn, cả lớp tôn trọng như những gì hiện có, chúc hai bạn hạnh phúc.

Cuối cùng, cũng phải nói đến phu nhân của chính mình, người mà phải mất nguyên cái răng số 8 và rất nhiều lần mòn đường chết cỏ, tôi mới rước được nàng về dinh. Vâng, nàng là qúy bà Hà Vân Anh mà cả lớp không những nhớ những lần nàng cùng bạn đến thăm lớp ở khu 125, mà còn nhớ lần gần như cả lớp có dịp đến tận nhà nàng dựng rạp đám cưới và xơi cơm. Bữa cơm thân mật do bố nàng, một cựu chính ủy Viện quân y 109 đích thân chiêu đãi!

3. Kết.

Khi tôi ngồi gõ những dòng này thì cả lớp hầu như ai đã về nhà nấy. Vài người trong số họ còn trịnh trọng thông báo với trưởng đoàn là đã có mặt tại nhà an toàn vui vẻ. Riêng đoàn phượt bằng xe tự lái của Mai Khánh, gồm Văn Trạm, Khánh Bình, Xuân Láng, Nguyễn Thành, Ngọc Hiền đã về nghỉ lại Đồng Hới lúc 19g hôm nay 12/9, sáng mai đi tiếp ra Hà Nội. Ai dám bảo họ là những ông cụ 60-70 nhỉ? Đám thanh niên bây giờ nếu nghe chuyện, chắc khối kẻ… “tim đập chân run”?

Vậy là đã kết thúc mỹ mãn chuyến đi, hoàn thành cuộc gặp gỡ 43 năm của những anh chàng học viên Lớp Công nghệ khóa 11, Học viện Kỹ thuật quân sự. Mọi chi phí cho chuyến đi đã gói gọn trong một lần nộp, kể cả món quà tặng lớp nhân dịp sinh nhật của Hoài Nam. Xin một lần nữa cảm ơn tất cả lớp đã hưởng ứng nhiệt tình. Thay mặt lớp cảm ơn bạn Nguyễn Thiện Khôi đã kiên trì đeo đuổi và hoàn thành kế hoạch của lớp.

Cảm ơn bạn Hoài Nam, nhà tài trợ vàng. Cảm ơn vợ chống Thanh Lâm, Huệ Lam đã làm cú “chốt hạ” tuyệt vời cho phần đông của lớp. Cảm ơn các quý bà, phu nhân của các bạn trong lớp, những bông hoa góp phần cho cuộc gặp gỡ thêm hoàn hảo. Cảm ơn nhiếp ảnh gia Lê Đức Chung, đã có lúc phải hy sinh sự có mặt của mình để cống hiến những khuôn hình đẹp cho lớp. Cảm ơn cả những người mà mình quên nhắc tên ở đây. Cảm ơn tất cả. Hẹn ngày tái ngộ!!!

Xem giao lưu bài này trên Facebook ở đây:

  1. Trang lớp: https://www.facebook.com/groups/2130281283850923/
  2. Trang cá nhân: https://www.facebook.com/phamnh2/posts/3387339211276164

Tản mạn về các giới từ chỉ hướng đi…

(Hồi còn mồ ma Opera, mình hay viết mấy cái trò này…)

Ngồi rỗi rãi, để tránh “cãi nhau với đài” vì bức xúc chuyện xăng tăng, điện tăng, bộ trưởng dốt phát biểu ngáo ngơ… thôi thì nói về cách sử dụng “giới từ chỉ hướng đi” đến các địa danh cho Thanh niên (và một số… “hậu Thanh niên?” vậy.  )

Nói vậy vì thường thấy mấy đứa cháu vào đại học (Thanh niên), có dịp ở trong nhà bác (và một vài hậu Thanh niên nào đó) toàn dùng sai “giới từ chỉ hướng đi” đến một địa danh nào đó. Tuy không quan trọng khi giao tiếp phạm vi hẹp, nhưng ở phạm vi rộng, đặc biệt là viết lách mà dùng sai vậy nghe kỳ quá, có thể gọi là văn có sạn?

Ví dụ, các cháu ở Vĩnh Yên, hay Phúc Yên, vẫn nói “lên Hà Nội”, một cách bản năng, nghe rất… trái tai. Có lần tôi giải thích theo suy luận của mình: phải nói là “xuống Hà Nội” hay “về Hà Nội” nghe mới thuận tai chứ. Vậy thực ra, dùng các giới từ chỉ hướng đi “vào, ra, lên, xuống, vô..” kèm với các địa danh sao cho đúng (thuận tai)?

Không sách vở nào dạy, và có lẽ chưa ai (hay ít ra là thời tôi học cách đây 40-50 năm) dạy, có lần tôi nói với một cháu thế này: nhiều người dùng sai các “giới từ chỉ hướng đi” như cháu. Và giảng giải: hãy tưởng tượng treo cái bản đồ Việt Nam lên, ta sẽ thấy phương hướng (một cách tương đối) giữa các địa danh trên đó. Đó có thể là căn cứ khá chính xác để quyết định dùng giới từ nào đi kèm với địa danh nào khi mô tả.

Cháu ở Vĩnh Yên, Phúc Yên, hay nói chung là phía trên Hà Nội theo bản đồ, thì có thể nói với ai đó khi đang ở nhà, hay ở Hà Nội là “xuống Hà Nội” hay thậm chí là “về Hà Nội”, dù Hà Nội không phải nơi có gia đình mình. Ngược lại, Phúc Yên, Vính Yên- nói chung là một địa danh nào đó phía trên Hà Nội theo bản đồ- thì nói là “lên Vĩnh Yên, Phúc yên”, hay “về Vĩnh Yên, Phúc Yên”, nếu nhà mình (hay đã từng ở) trên đó, khi ở Hà Nội.

Lại phải lưu ý rằng, cũng là trên, dưới theo bản đồ nhưng nếu khoảng cách khá xa thì lại không nói “lên, xuống” mà phải dùng “vào, ra”: ra Bắc, vào Nam, hay có giới từ chỉ hướng đi khá hay là “vô”, như “ra Bắc, vô Nam”, “vô Bình Định, vô Khánh Hòa”… Lại có khi cũng trên, dưới khá xa chỗ ta đứng nói (Hà Nội) theo bản đồ, nhưng dùng giới từ “ra” lại đắc địa: “ra Hải Phòng”, “ra Cô Tô”, “ra Hoàng Sa; Trường Sa; Côn Đảo; Phú Quốc”… Có thể giải thích vì đó là hướng Biển và ta thường nói “ra Biển”?

Tóm lại là không ai dạy, chỉ là mình đọc nhiều rồi tự nhiên viết ra đúng thôi. Khi chỉ bảo cho ai đó thì mới vận dụng suy luận để chỉ ra cách sử dụng các giới từ đó sao cho đúng. Kiểm tra chính tả cũng vậy, thường đọc sách nhiều thì viết ít khi sai chính tả, Nhưng cũng có khi mình ngờ ngợ từ nào đó đúng, hay sai mà không thể hỏi ai, thì lên Google (tiên sư thằng Google, sao nó tài thế!), gõ từ đó, có khi kèm theo ngữ cảnh, tự khắc sẽ thấy đâu là từ đúng…

11/5/2019

bd